CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:28

Hiệp hội doanh nghiệp muốn giữ nguyên ngày nghỉ bù Tết Nguyên đán như hiện tại

 

Ngày 14/5, tại Hà Nội, VCCI phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam tổ chức hội thảo “Góp ý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) từ cộng đồng doanh nghiệp".

Tại hội thảo lần này, tiền lương và quy chế trả lương, lấy ngày 27/7 làm ngày nghỉ lễ trong năm là những vấn đề nóng được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến của các hiệp hội, chuyên gia kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp.

 

Quang cảnh Hội thảo

 

Thêm 1 ngày nghỉ lễ là Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7): Phù hợp

Đến tham dự hội thảo có Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi; Phó chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng; Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ–TB&XH Mai Đức Thiện; Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - TB&XH Phạm Minh Huân, cùng đông đảo đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp.

Về bổ sung thêm 1 ngày nghỉ lễ là Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, việc thêm 1 ngày nghỉ lễ cũng phù hợp, vì có thêm ngày thì tổng ngày nghỉ lễ trong năm của Việt Nam cũng chỉ 11 ngày, vẫn thấp hơn các nước trong khu vực.

Về phương án nghỉ Tết Âm lịch không hoán đổi, nghỉ bù, theo ông Lợi, hiện đang thực hiện ổn định, vì thế không sửa đổi.

Chia sẻ quan điểm của Ban soạn thảo dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) tại Hội thảo, ông Mai Đức Thiện - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, dự thảo sửa đổi đang đưa ra 2 phương án để lấy ý kiến dư luận xã hội. Phương án 1 (giữ nguyên quy định hiện hành): Người lao động được nghỉ 5 ngày Tết Âm lịch, nếu ngày nghỉ Tết Âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì được nghỉ bù vào ngày kế tiếp. Ông Thiện cũng cho biết thêm, đề xuất sửa đổi quy định nghỉ Tết âm lịch với bỏ hoán đổi và nghỉ bù, vì hiện có nhiều ý kiến nghỉ Tết Âm của Việt Nam lệch với thế giới, thời gian nghỉ lại quá dài. Điều này ảnh hưởng tới công việc và các đơn hàng xuất khẩu.

Đề xuất ngày nghỉ lễ tết trong năm là phần khá mới được đưa vào bản Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi mới nhất của Bộ LĐ-TB&XH.

Đồng quan điểm với ông Lợi, nhiều hiệp hội doanh nghiệp cũng nêu quan điểm nên giữ nguyên quy định về nghỉ bù dịp Tết Nguyên đán như hiện tại. Bà Đỗ Thị Thuý Hương - đại diện Hiệp hội điện tử Việt Nam tại Hội thảo cho rằng nên giữ nguyên. “Doanh nghiệp ngành điện tử là tập trung đông lao động tại một vài địa phương. Do đó khi nghỉ Tết, người lao động từ nơi làm việc cần một khoảng thời gian di chuyển về gia đình. Việc quy định ngày nghỉ Tết Nguyên đán ngắn quá sẽ khó đảm bảo được lịch nghỉ trọn vẹn” - bà Hương nêu quan điểm.

Tương tự, bà Đào Thị Thu Huyền, Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, thời gian nghỉ Tết gồm cả nghỉ bù kéo dài khoảng 7 ngày là phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và người lao động.

“Quy định về ngày nghỉ bù trong dịp Tết Nguyên đán là phù hợp. Nhiều doanh nghiệp Nhật bản đang có trụ sở ở các khu công nghiệp tập trung lao động. Việc đi lại cũng cần có thời gian, đặc biệt là những lao động có quê xa nơi làm việc” - bà Đào Thị Thu Huyền cho biết.

 

Ông Trương Văn Cẩm - đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam 

 

Tổng Thư ký Hiệp hội Diệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm cũng cho rằng, không nên thay đổi quy định về thời gian nghỉ Tết Âm lịch. Vì hiện có nhiều người lao động làm xa nhà, nên doanh nghiệp cho người lao động nghỉ Tết thêm, thậm chí nghỉ tới hết ngày 15 tháng giêng. Qua đó người lao động thêm động lực làm việc.

 

Cần thiết tăng giờ làm thêm

Trong số các vấn đề được đưa ra thảo luận tại hội thảo lần này chính sách tiền lương, tăng giờ làm thêm và quy chế trả lương cho người lao động làm thêm giờ cũng như bổ sung, thay đổi các ngày nghỉ lễ trong năm là những vấn đề nhận được sự quan tâm nhiều nhất từ phía cơ quan soạn thảo, các chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp.

Về vấn đề tiền lương và căn cứ xác định tiền lương, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng: “Tiền lương tối thiểu đảm bảo cho lao động giản đơn và mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ. Trong dự thảo lần này, thang lương, bảng lương, tiền thưởng sẽ do doanh nghiệp tự quyết định nhưng phải đảm bảo được nguyên tắc tiền lương phản ánh giá cả sức lao động theo mặt bằng chung của thị trường.”

Ông Lợi cũng cho biết, Bộ LĐ-TB&XH không quy định về thời gian làm việc tối đa, sẽ nới giờ làm việc cho một số ngành nghề phù hợp như dệt may, da giày, thủy sản, điện tử... cá biệt giờ làm thêm có thể lên đến 400 giờ. Mục tiêu của tăng giờ làm thêm nhằm đáp ứng nhu cầu của cả doanh nghiệp và người lao động, vì hiện tại lương cơ bản còn thấp và thu nhập của phần lớn người lao động không đủ sống.

Dựa trên tinh thần tăng lương, giảm giờ làm nên đối với tất cả các trường hợp làm thêm giờ, người lao động sẽ được trả lương cao hơn và đây là vấn đề do thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Đồng quan điểm trên, ông Mai Đức Thiện cho biết trong dự thảo lần tới sẽ đề xuất phương án tiền lương lũy tiến để đảm bảo giá trị sức lao động bỏ ra trong thời gian làm thêm giờ sẽ đáp ứng được nhu cầu của người lao động và chủ doanh nghiệp.

Thảo luận về vấn đề bổ sung, thay đổi ngày nghỉ lễ trong năm, ông Thiện cho biết Bộ đang lấy ý kiến của toàn dân về việc bổ sung thêm ngày nghỉ lễ 27/7 với mục đích nâng tầm ý nghĩa tri ân đối với những người có công với Cách mạng, để thế hệ trẻ sau này sẽ luôn nhớ đến công lao của họ đồng thời cũng nhằm cân đối các ngày nghỉ trong năm bởi hiện tại, phần lớn các dịp nghỉ lễ của đất nước đều rơi vào 6 tháng đầu năm.

Về thống nhất giờ làm, theo ông Thiện, hiện đa phần doanh nghiệp không có giờ nghỉ trưa vì sản xuất theo ca, còn cơ quan hành chính nhà nước lại có giờ nghỉ trưa, thậm chí giờ nghỉ trưa dài.

“Điều này đặt ra vấn đề liệu có phân biệt đối xử giữa cơ quan và doanh nghiệp không, nên đưa vào dự thảo để lấy ý kiến. Đề xuất đang lấy ý kiến, nên sẽ xem xét tiếp thu chỉnh sửa cho hợp lý”, ông Thiện nói.

 

Trong hệ thống pháp luật lao động của nước ta, sau Hiến pháp, Bộ Luật Lao động giữ vị trí rất quan trọng, tác động đến toàn bộ hoạt động của xã hội. Chính vì vậy, việc thể chế hóa những mong muốn, đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp về dự thảo Luật lao động (sửa đổi) là việc làm hết sức cần thiết để đảm bảo các vấn đề về quan hệ lao động sẽ được xử lý một cách tích cực hơn, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Bùi Sỹ Lợi, Dự thảo Luật lao động lần này đưa ra 221 điều, giảm 21 điều, giữ lại 17 chương, sửa đổi 162 điều, bỏ 44 điều.

Có 4 lý do hết sức quan trọng khi quyết định đưa ra dự thảo Luật lao động (sửa đổi) lần này, bao gồm:

Thứ nhất, cần thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là nghị quyết số 27 của Trung ương Đảng đối với chính sách tiền lương công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và các doanh nghiệp.

Thứ hai, nhằm thể hiện các cam kết chính trị của chúng ta đối với các hiệp định thương mại như CPTPP và sắp tới là Hiệp định thương mại Việt Nam – EU.

Thứ ba, nhằm đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực thi các điều kiện về tiêu chuẩn lao động đáp ứng nhu cầu của quốc tế.

Thứ tư, để đảm bảo phù hợp với Hiến pháp và bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật đồng thời chúng ta khắc phục những tồn tại, vướng mắc để hoàn thiện đánh giá, tổng kết của Chính phủ trong 05 năm vừa qua.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh