Hạch sách, đòi hối lộ của cán bộ cơ sở vẫn phổ biến
- Huyệt vị
- 13:08 - 15/04/2015
Báo cáo PAPI 2014 là kết quả khảo sát năm thứ 4 liên tiếp trên phạm vi toàn quốc của chương trình nghiên cứu PAPI dựa trên trải nghiệm của 13.552 người dân được chọn ngẫu nhiên, đại diện cho các nhóm nhân khẩu đa dạng từ tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Kết quả PAPI 2014 phản ánh cảm nhận và trải nghiệm của người dân về hiệu quả phòng, chống tham nhũng của các cấp chính quyền qua bốn chỉ số nội dung thành phần: Kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương, kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công, công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công và quyết tâm chống tham nhũng.
“Phát hiện từ nghiên cứu cho thấy những nỗ lực kiểm soát tham nhũng ở cấp tỉnh đến nay chưa đem lại nhiều kết quả như mong đợi. Theo đánh giá của người dân trên toàn quốc, “Chủ nghĩa vị thân” trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công, hiện tượng nhũng nhiều đòi hối lộ của cán bộ chính quyền vẫn còn phổ biến. Trong khi đó cả chính quyền và người dân đều thiếu quyết tâm đẩy lùi tham nhũng”- báo cáo viết.
Nhóm nghiên cứu cho rằng người dân các vùng Nam Trung Bộ và phía Nam có xu hướng ghi nhận và trải nghiệm tốt hơn về những nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương trong kiểm soát các hành vi tham nhũng trong khu vực công so với các vùng khác.
Báo cáo PAPI 2014 việc đưa và nhận hối lộ vẫn diễn ra khá phổ biến (Ảnh minh họa)
“Chỉ số PAPI nhằm mục đích tạo ra nguồn dữ liệu phong phú, giúp các nhà hoạch định chính sách đánh giá hiệu quả trong quản trị và hành chính công trên thực tế. Từ năm 2011 đến nay, chỉ số PAPI được thực hiện thường niên và trở thành công cụ kiểm toán xã hội lớn nhất ở Việt Nam. Với cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm, chỉ số PAPI tạo điều kiện để người dân phản ánh với chính quyền và các đơn vị cung ứng dịch vụ công. Đây là bước đột phá ở Việt Nam”- báo cáo tổng quan cho biết.
Các đánh giá về Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) do Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam (VFF-CRT) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) phối hợp thực hiện, luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng.