THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:28

Hiểm họa từ việc không chấp hành quy định về nuôi thả chó

Ngày 3/4, một sự việc nghiệm trọng đã xảy ra trên địa bàn huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, bé trai 7 tuổi bị đàn chó khoảng chục con lao vào cắn. Nạn nhân bị đa chấn thương, mất máu nhiều và được đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Hưng Yên, tuy nhiên vết thương quá nặng khiến cháu bé không qua khỏi.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên xảy ra án mạng do cho dữ tấn công. Trước đó 7/2018, một em bé 8 tháng tuổi ở Ba Đình, Hà Nội bị một chú chó ngao Tây Tạng nhà nuôi cắn chết khi em bé này đang ở trong nhà. Tháng 8/2018, một người đàn ông ở Hà Nội bị một con chó giống từ châu Âu cắn vào cổ, ông được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong sau đó. Tháng 3/2019, một em bé 9 tuổi ở Yên Bái bị đàn chó 4 con ở nhà nuôi xông vào cắn, khiến em bị thương nặng, mất toàn bộ da vùng mu, dương vật gần như cụt, bại não…

Chó thả rông trên tại nơi công cộng

Các sự việc thương tâm do bị chó dữ tấn công đang gây ra nhiều rất bức xúc trong xã hội. Mặc dù đã có các quy định cụ thể, nhưng trên thực tế, hiện nay ý thức nuôi chó một cách an toàn, không gây nguy hiểm cho cộng đồng chưa được nhiều người dân tuân thủ. Không khó bắt gặp tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm ở các ngõ xóm, ngoài đường phố, ở các nơi công cộng... Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ chó tấn công người gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian gần đây.

Chị Nguyễn Thị Ngọc (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, những ngày qua chị đọc tin tức về em bé 7 tuổi bị cả đàn chó cắn tử vong ở Hưng Yên cảm thấy rất thương xót. Chỉ vì những người nuôi chó không tuân thủ quy định của pháp luật, mà gây nguy hiểm cho mọi người xung quanh. Việc thả rông chó, không mang rọ mõm, không dùng dây dắt, không bảo đảm an toàn đang là một điều hết sức báo động trong cộng đồng hiện nay.

Ý thức chấp hành quy định về nuôi thả súc vật chưa được nhiều người dân tuân thủ.

Theo ghi nhận tại Hà Nội, không ít các khu dân cư, công viên, khu vui chơi giải trí tình trạng người dân thả chó mà không đảm bảo các biện pháp an toàn diễn ra khá phố biến. “Tại khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm, mỗi buổi sáng và chiều xuất hiện rất nhiều người dân mang chó đi dạo mà không hề đeo rọ mõm cho chó. Nhiều khi đang đi đường gặp những con chó lớn xồ đến, khiến không chỉ trẻ em mà cả người lớn cũng phải khiếp sợ, ai thấy chúng thì phải tự động tránh”, chị Ngọc cho biết.

Ông Phan Văn Tùng, 70 tuổi người dân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ:” Chúng ta đã có những quy định cụ thể của pháp luật về việc xử lý chó thả rông. Tuy nhiên, những cái chết của nhiều nạn nhân gần đây liên quan đến chó dữ tấn công ngày càng nhiều, thì đó là vấn đề đáng báo động. Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn, xử lý, xử phạt các hành vi nuôi, thả rông chó trái quy định. Đồng thời mỗi cá nhân cũng cần nâng cao nhận thức trong việc nuôi thả súc vật, phải đảm bảo sự an toàn của mọi người”.

Nhiều người dân đưa chó ra đường mà không chấp hành quy định đeo rọ mõm cho chó

Nói về trường hợp cháu bé 7 tuổi bị đàn chó tấn công gây tử vong ở Hưng Yên vừa qua, ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, Luật Thú y đã có quy định, người nuôi chó phải có trách nhiệm tiêm phòng, trường hợp chó ra ngoài phải rọ mõm, nếu không rọ mõm thì chủ nuôi chó sẽ bị xử phạt hành chính, đặc biệt nếu chó gây hậu quả nghiêm trọng thì chủ nuôi chó sẽ bị xử lý hình sự. Còn về trường hợp cháu bé bị đàn chó cắn gây tử vong ở Hưng Yên, hiện Công an đang điều tra, xử lý.

Ông Thành cũng thừa nhận, mặc dù văn bản quy định về nuôi chó đã có đầy đủ nhưng đến nay, các địa phương chưa xử phạt được một trường hợp nào thả rông chó mà không rọ mõm. Hiện, mới có TP Hồ Chí Minh thành lập đội săn bắt chó thả rông, và tại Hà Nội cũng đang triển khai việc này. “Việc nuôi chó mèo thì quy định, người nuôi chó phải đăng ký với chính quyền sở tại vừa quản lý được tình trạng chó thả rông vừa quản lý được bệnh dại. Hiện nay, tỷ lệ tiêm phòng dại trên chó mèo ở Việt Nam còn rất thấp, hàng năm đều có các trường hợp tử vong do chó dại cắn”, ông Thành nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng dịch tễ, Cục Thú y bổ sung, trường hợp cháu bé 7 tuổi bị chó cắn tử vong ở Hưng Yên trách nhiệm về mặt quản lý Nhà nước trước hết thuộc về UBND xã. Cụ thể, xã chưa triển khai các quy định về nuôi chó, yêu cầu người nuôi chó phải có trách nhiệm với cộng đồng trong việc thực thi các quy định.

Nghị định 90/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y và một số lĩnh vực khác có hiệu lực thi hành.

Theo đó, những hành vi không đeo rọ mõm hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng; không tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng... bị phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng.

Cũng theo Nghị định 90/2017, Chủ tịch UBND cấp xã - phường có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi không rọ mõm hoặc không tiêm phòng bệnh dại cho chó...

UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt việc thành lập đội săn bắt chó thả rông. Theo đó, từ ngày 1/1/2019, những con chó đi lang thang trên đường phố, công viên tại Hà Nội mà không có chủ dắt bằng xích hay không rọ mõm sẽ bị bắt, và xử lý theo quy định.

Theo quy định của Điều 603 của Bộ Luật dân sự 2015 về bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra thì chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Ngoài việc bồi thường dân sự, chủ sở hữu để chó cắn chết người thì sẽ bị xử lý hình sự theo điều 128 bộ luật hình sự 2015 tội “Vô ý làm chết người”, mức hình phạt cao nhất là 5 năm. Nếu việc để chó của mình gây chết 2 người trở lên chủ có thể bị phạt tù đến 10 năm.

 

Ý thức chấp hành quy định về nuôi thả súc vật chưa được nhiều người dân tuân thủ.Chó thả rông trên đường phố Hà Nội

TUẤN ANH - VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh