THỨ BẨY, NGÀY 07 THÁNG 12 NĂM 2024 09:32

Hiểm họa từ... rừng

 

Những bữa ăn định mệnh

Trong các vụ ngộ độc về nấm tới mức căng thẳng và đông người bị mắc nắm bắt được, ám ảnh nhất vẫn là vụ ngộ độc nấm xảy ra tại thôn Lùng Lý, xã Xuân Minh, huyện Quang Bình. Một bữa ăn với món canh nấm là thức ăn chính đã cướp đi của gia đình anh Phàn Rùn Hín hai đứa con cả trai và gái. Đứa đầu mới 10 tuổi, đứa 2 vừa bước sang tuổi thứ 3. Con đường xa ngái từ tỉnh xuống huyện mới chia tách có tên Quang Bình này, suốt hành trình cứ ám ảnh tôi về những cái chết thương tâm như vậy. Tuy đã xảy ra một thời gian, nhưng trước cái chết của 2 đứa con dứt ruột đẻ ra từ sự bất cẩn của mình nên không khí tang tóc vẫn còn bao trùm toàn bộ căn nhà. Với đôi mắt hằn sâu ưu phiền, anh Hín nấc lên: “Tôi mất hết rồi! Vì nấm mà hai con tôi đều chết”...

Vượt qua những buồn đau đeo đẳng, chúng tôi cùng anh ngược về bữa ăn định mệnh. Anh Hín cho biết, hôm ấy sau khi đi làm ruộng về, nhân tiện anh tranh thủ hái lấy ít nấm về làm thức ăn. Bữa ăn được dọn ra vào khoảng 19 giờ. Ăn xong, chưa kịp hút điếu thuốc lào, anh thấy đầu óc choáng váng, bụng đau như có ai đó cầm cây nứa nhọn thuốn vào. Thế rồi mắt hoa lên, anh chạy ra đầu nhà nôn thốc nôn tháo. Sau khi nôn, nhớ tới 2 đứa con, anh chạy vào tìm chúng. Trong cơn choáng váng anh chỉ kịp nhìn thấy hai đứa đang quằn quại ở góc nhà. Dồn hết sức còn lại, anh bò ra cửa, kêu hàng xóm đến ứng cứu rồi cũng lăn quay ra và không đủ tỉnh táo để nhớ lại những việc tiếp theo nữa.

Trong hơn 1000 loại nấm được thống kê, nấm độc chỉ chiếm 15 - 20 loại, nên người dân có tâm lý bất cẩn.

Sau đó, tỉnh lại anh thấy mình đang nằm ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Hỏi đến 2 đứa con, ai cũng lắc đầu ngao ngán. Rồi bác sỹ cho biết, bố con anh đã ăn phải nấm độc. Do anh nôn được, lại là người lớn nên còn sức chống đỡ và còn cấp cứu kịp. Hai con anh, Phàn Mùn Múi (10 tuổi) và Phàn Chiềm Phú (3 tuổi), do sức đề kháng kém và không nôn được nên đã mãi mãi dời xa anh và thôn Lùng Lý thân yêu của mình.

Trong vụ ngộ độc nấm đầy đau đớn này, gia đình anh còn một sự may mắn. Ấy là một số người thân, trong đó có vợ anh, do đi làm đổi công, ăn cơm về muộn nên không cùng ăn bữa ăn định mệnh ấy. Nếu không, chắc số người tử vong của gia đình anh sẽ không dừng ở con số ít ỏi như vậy. Lên Hà Giang, tìm hiểu về ngộ độc và tử vong do nấm, người ta luôn có cho mình những con số đau lòng. Từ vụ ngộ độc nấm tại xã Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ làm chết 9 người thì mới đây nhất là vụ ngộ độc với nhà anh Bàn Văn Thỏng cùng anh Tráng Văn Đồn ở bản Dâng (Cao Bồ, huyện Vị Xuyên). Anh Thỏng và anh Đồn đều là dân tộc Dao, hôm ấy rủ nhau đi rừng. Vào thời điểm mùa mưa, các loại nấm trong rừng “sinh sôi, nẩy nở”. Anh Đồn ăn thử, thấy ngọt nên hái đem về nhà xào để làm thức ăn. Sau khi ăn, 6 người đều có biểu hiện choáng váng, đau bụng, buồn nôn và đi ngoài nhiều. Tuy nhiên, gia đình không tới bệnh viện mà dùng thuốc nam của thầy lang để chữa.

Nhưng thấy bệnh không khỏi nên người thân đã phải đưa ra bệnh viện huyện. Bệnh viện huyện cũng “bó tay”, lại phải chuyển tiếp lên bệnh viện tỉnh. Tại bệnh viện tỉnh Hà Giang, anh Đồn và con trai 13 tuổi đã tử vong.

Ba người bị ngộ độc nặng còn lại là anh Thỏng, anh Bàn Văn và cháu Tráng Thị Sang. Bệnh viện tỉnh lại phải đưa tiếp xuống Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai. Sau 7 ngày bị ngộ độc, hầu hết các bệnh nhân đều trong tình trạng bị viêm gan nặng, riêng anh Thỏng còn bị suy thận cấp nặng, phải chạy thận nhân tạo nhiều lần. Sau gần 50 ngày điều trị tích cực, tình trạng bệnh của cả 3 nạn nhân mới thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” do nấm mang lại.

Nấm độc - không dễ tuyên chiến!

Theo số liệu thống kê từ đề tài Nghiên cứu, xử lý cấp cứu và điều trị ngộ độc nấm ở Hà Giang của Học viện Quân y, trong vòng 4 năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Hà Giang xảy ra 33 vụ ngộ độc nấm độc, với tổng số 165 người mắc, trong đó tử vong 24 người (chiếm 14,5 %). Số vụ, số người bị ngộ độc và số người tử vong cao nhất vào năm 2005. Thế nhưng, với những cảnh báo, nâng cao nhận thức được đưa ra, sau 3 năm quay trở lại, tình hình ngộ độc nấm của người dân tại địa bàn các huyện có rừng trong tỉnh vẫn không thuyên giảm.

Trong các gia đình dân tộc thiểu số ở Hà Giang, nấm rừng vẫn là món ăn truyền thống, nhưng hậu họa thật khôn lường.

Xem biểu theo dõi bệnh nhân ngộ độc nấm do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thống kê thì có năm Hà Giang đã có 204 trường hợp ngộ độc. Ngoài đợt ngộ độc tập thể kinh hoàng xảy ra với 90 trường hợp tại xóm Hạt Đạt (Mậu Long, huyện  Yên Minh) mà tới nay chưa xác định được nguyên nhân thì ngộ độc về nấm đã xảy ra với 60 trường hợp.

Theo lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, nhiều năm trước, cũng như các tỉnh miền núi phía Bắc khác, Hà Giang căng thẳng với tình trạng ngộ độc lá ngón. Nhưng do tuyên truyền mạnh, nâng cao nhận thức của người dân nên tình trạng ngộ độc lá ngón không còn căng thẳng nữa mà nỗi lo và cam go nhất hiện nay là tình trạng ngộ độc nấm. Tình trạng ngộ độc nấm có cái đặc biệt là thường xẩy ra trên diện rộng, với nhiều cá nhân cùng một lúc, vì nấm thường được chọn làm thức ăn cho các gia đình. Sự phức tạp của ngộ độc nấm và sự không giảm thiểu về số vụ trên địa bàn tỉnh Hà Giang là do cuộc sống người dân gắn bó với rừng. Do cuộc sống khó khăn nên người dân không có điều kiện canh tác và không chủ động được các loại rau xanh cho gia đình. Phần lớn các loại rau họ sử dụng đều có nguồn gốc từ rừng. Hơn thế nữa, nấm là loại thức ăn truyền thống với những người thiểu số trên này và có rất sẵn trong rừng. Trong thói quen và sự phụ thuộc này, vô tình họ đã nhận cho mình những hậu họa do nấm mang lại.

Cũng theo thống kê, với hơn 1.000 loại nấm hiện nay thì các loại nấm độc chỉ chiếm tới 100 loại và chỉ có khoảng từ 15 - 20 loại nấm (chiếm 15 - 20%) sẽ gây tử vong khi con người ăn phải. Vậy nên việc nhầm lẫn giữa nấm độc và nấm không độc vẫn còn là khái niệm hết sức mập mờ với người dân, nên dẫn đến sự tăng vọt về các ca ngộ độc nấm trên địa bàn được gọi là đa dạng và phong phú về các loại nấm như Hà Giang. Để giảm thiểu các ca ngộ độc nấm, phải đẩy mạnh tuyên truyền và tăng cường việc sơ, cấp cứu đối với nạn nhân bị ngộ độc. Nhưng xem ra mong muốn này lại rất khó thực hiện tại Hà Giang, vì nhân lực thiếu, phương tiện thiếu, đến ngay cả tài chính cũng thiếu vô cùng.

Hà Giang rừng vẫn xanh, các loại nấm vẫn đua nhau sinh sôi nẩy nở, người dân vẫn quen dùng và chưa có những nhận thức để phân biệt đâu là nấm độc và nấm không độc. Đau lòng nhất là trên hành trình trở về, tôi lại nhận được thông tin: Vừa rồi, tại thôn Cốc Mui Hạ (Pố Lồ, huyện  Hoàng Su Phì) lại xảy ra vụ ngộ độc nấm với gia đình ông Lù Seo Sao. Và ông Sao cũng đã không qua khỏi trong vụ ngộ độc nấm này.  

ĐƠN THƯƠNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh