CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:11

'Hẻm nail' bé nhỏ mà vui!

Từ dăm bảy chục năm trước, những con phố hay hẻm nhỏ khu vực xung quanh chợ Bến Thành đã hình thành nhiều khu vực “chuyên doanh” một số mặt hàng. Vị trí đắc địa, cùng với cách làm ăn rất “chuyên nghiệp” và uy tín của dân kinh doanh ở đây, nên những khu “chợ vệ tinh” này không khó để trở nên nổi tiếng.

Chợ quần áo Tạ Thu Thâu (tức đường Lưu Văn Lang hiện nay) là một ví dụ điển hình. Từ chợ quần áo vài chục năm trước, từ hơn chục năm trước dân kinh doanh trên con đường này chuyển sang buôn bán giày cũ. Dân Sài Gòn nổi tiếng “thức thời”, nên không nhiều người “cố thủ” với những nghề bị coi là “lỗi thời”. Họ có thể nhanh chóng phát hiện ra những ngành nghề mới, tiếp cận và phát triển nghề theo cái cách không mấy ai ngờ tới…

Theo cái cách này, nghề nail xuất hiện và “sinh sôi nảy nở” nhanh chóng, hình thành một “trung tâm” ở ngay sát nách chợ Bến Thành, khi việc làm móng trở thành một “nhu cầu thiết yếu” của hầu hết mọi phụ nữ ở Sài Gòn những năm gần đây.

 - Ảnh 1

"Hẻm nail" là một trong những con hẻm nhỏ ở khu chợ Bến Thành sầm uất bậc nhất Sài Gòn

Hơn chục năm trước, công đoạn làm móng vẫn còn được coi là phần “giá trị gia tăng” của nhiều tiệm làm tóc. Những “quý bà, quý cô” mỗi khi có thời gian đi sửa sang bộ tóc thường bỏ thêm ít tiền để sơn sửa lại bộ móng. “Hồi đó, nghe mấy người ở Mỹ về nói công việc làm nail của người Việt ở bển phát đạt lắm, chỉ với một nghề làm móng tay, móng chân thôi mà thợ thì thu nhập tới 3.000 USD/tháng, còn chủ thì rủng rỉnh tiền mua nhà, mua xe, mỗi lần về nước tiêu xài xả láng, mình lạ lắm. Mình không hình dung được là cái công việc đơn giản như vậy lại có thể giúp người ta kiếm nhiều tiền như thế. Nhưng khi bắt tay vào làm cái công việc ấy một cách “chuyên nghiệp” thì mới thấy người ta không hề nói ngoa chút nào”, chị Thu Huyền, chủ một trong những tiệm nail trong con hẻm này chia sẻ.

Khoảng năm 2004, tiệm nail đầu tiên mở ra, mặt bằng chỉ chừng 6m2, khách lèo tèo, phần lớn là người nước ngoài – cả nam lẫn nữ. Khi ấy, không ít cư dân trong con hẻm chỉ dài gần 30 m này đã nghĩ rằng, chủ tiệm nail ấy “học đòi” những người ở Mỹ, chứ nhu cầu của người Việt đâu có nhiều như “ở bển”. Thậm chí, có người còn quả quyết rằng, sớm muộn thì tiệm nail ấy cũng sẽ “phá sản”!

Nhưng không, chỉ chừng hơn nửa năm sau, lượng khách đến làm nail đã tăng gấp nhiều lần. Đặc biệt, nhiều bà nội trợ khi đi chợ Bến Thành đều tranh thủ ghé qua sửa sang bộ móng. Họ không chỉ đơn thuần là gọt giũa và sơn lại cho “bóng bẩy”, mà còn thường xuyên thay đổi mode, từ sơn đơn sắc “nâng cấp” lên vẽ hoa lá, rồng phượng lên, rồi còn đắp móng giả…

 - Ảnh 2

Nhiều tiệm nail tập trung trong hẻm nhưng khách tiệm nào cũng đông, suốt từ sáng đến tối

Thấy khách đổ xô đến làm nail ngày càng đông đảo, nhiều tiệm khác cũng mọc lên. Dân kinh doanh Sài Gòn không ngại cạnh tranh, trái lại, họ còn thích kiểu “buôn có bạn, bán có phường”, các tiệm mới được những “người cũ” chào đón, vì “càng đông càng vui”! Vì thế mà cho đến giờ, con hẻm nhỏ xíu ấy có đến 10 tiệm nail và 5 tiệm bán mỹ phẩm, san sát bên nhau, và cùng nhau “chung sống hòa bình”.

“Bọn tui làm ăn chung với nhau cả chục năm nay rồi, hiểu nhau quá rõ, nên không hề có chuyện tranh giành, chèo kéo khách cho tiệm mình. Chúng tôi đều có rất nhiều khách “ruột”, mỗi tiệm mỗi ngày dễ có đến 15-20 khách “ruột”, khi đến là họ vô thẳng tiệm quen. Còn khách lạ thì cứ thoải mái chọn lựa, nghe chủ tiệm hay nhân viên “tư vấn”, tiệm nào họ cảm thấy ưng ý thì ghé vô. Cũng vì làm ăn chung với nhau, nên giá cả giữa các tiệm không chênh lệch là bao, nguyên vật liệu cũng khá giống nhau, các dịch vụ cơ bản đều có giá ngang bằng nhau: Vệ sinh móng, sơn, cẩn hạt… giá có thể từ 50.000 đồng đến vài trăm nghìn đồng”, chị Nhung, chủ một tiệm nail ở đây cho biết.

Công nghệ làm nail phát triển nhanh chóng, ngày càng có nhiều “mẫu mã” tân tiến, lạ mắt, thì cũng lập tức có ngay những khách hàng tìm đến để “thử”. Chị Huyền kể rằng, có không ít khách hàng mỗi tuần ghé 3-4 lần. “Họ thử làm kiểu này, nhưng sau đó không hài lòng, lại đến để thử kiểu khác. Tiệm nào cũng có đến hàng chục, hàng trăm mẫu để họ “thử”, nên lượng khách được coi là… vô tận”, chị nói.

Con đường Lê Thánh Tôn được coi là “con đường đa sắc”, vì có đoạn ngập tràn sắc màu xứ sở Phù Tang được gọi là “Little Tokyo”, một đoạn lại có rất nhiều tiệm vàng khi nóng khi lạnh theo “hàn thử biểu” của thị trường tài chính, cũng có những đoạn náo nhiệt không khí bán mua với những đại siêu thị hoành tráng… Nhưng ẩn mình giữa những phù hoa, xa xỉ ấy, con hẻm nhỏ với những tiệm nail vẫn có một đời sống riêng, mang trong mình bản sắc riêng với ngập tràn những câu chuyện đời buồn vui lẫn lộn.

 - Ảnh 3

Con hẻm nhỏ tạo nên sắc thái riêng biệt giữa khu chợ đông đúc, đa sắc diện

“Tui “kết” một tiệm nail trong hẻm này không chỉ vì nơi ấy người ta làm đẹp, giá cả phải chăng, mà ở đó còn có được những phút vui bạn vui bè, được “tám tràn cung mây” đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, được phép quên đi những âu lo trong cuộc sống để hưởng thụ cảm giác thư thái hiếm hoi. Vì vậy mà dù cho nhà ở tận Gò Vấp, nhưng tuần nào tui cũng ráng ghé qua 1-2 lần”, bà Trần Thị Thảo, ngụ tại quận Gò Vấp, cho biết.

Ở đây, những cô nhân viên, những bà chủ đều mau mắn, dễ gần, đã tạo sự thu hút khách bằng thái độ luôn đón nhận các tâm sự, hay đơn giản là luôn lắng nghe những câu chuyện của khách. Vì thế mà nhiều vị khách đâm “nghiện”, lâu lâu không tới tám chuyện là thấy… nhớ!

“Công việc ở đây chủ yếu là để kiếm sống. Thu nhập không thật cao nhưng cũng tạm đủ so với sức lao động mà mình bỏ ra. Và điều thú vị hơn khiến chúng tôi gắn bó với nghề này, đó là được trò chuyện một cách thoải mái, chân tình với nhiều người khách – cả quen lẫn lạ. Qua đó, mình có thêm nhiều bài học trên đường đời, để hiểu hơn về những giá trị của cuộc sống”, chị Thúy Quyên, một thợ làm nail có hơn 8 năm trong nghề, chia sẻ.

 - Ảnh 4

"Hẻm nail" vẫn đang tiếp tục là điểm đến của nhiều chị em phụ nữ, bao gồm cả không ít ngoại kiều và Việt kiều

“Hẻm nail” đã tồn tại được hơn 12 năm, nhưng cho đến giờ, tiệm nail đầu tiên chưa bao giờ sang tên đổi chủ, vẫn đang là tiệm đắt khách nhất, trung bình mỗi ngày có khoảng 60 lượt khách - ngoài phần lớn là khách nữ còn có không ít khách nam. Với gần 10 nhân viên làm việc liên tục từ sáng đến tối, ngoài làm móng, tiệm còn có dịch vụ massage chân, tay, mặt giúp khách thư giãn.

Hàng ngày, con hẻm ấy bị đánh thức bởi những tiếng xe cộ ồn ã của phố xá. Và nó chỉ ngơi nghỉ khi những người khách cuối cùng rời đi, phố xá đã lên đèn…

KHÁNH NGUYỄN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh