THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:47

Hé mở “bảo tàng nghệ thuật” dưới hầm nhà Quốc Hội

Gặp Nguyễn Thế Sơn khi anh đang tất bật chuẩn bị thủ tục để bàn giao dự án “Các tác phẩm nghệ thuật trưng bày tại Nhà Quốc Hội” bằng văn bản. Vừa đảm nhận vai trò tổng chỉ huy, giám tuyển nghệ thuật, vừa là một trong những nghệ sĩ có tác phẩm trưng bày, Nguyễn Thế Sơn cho biết đây là dự án được chính Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt hàng. 15 nghệ sĩ tham gia dự án cùng với hơn 100 trợ lý kỹ thuật và những người thợ lành nghề của TP Hà Nội, các tỉnh Thái Bình, Thừa Thiên Huế đã tạo nên một “bảo tàng” tác phẩm nghệ thuật đương đại tại đường hầm Nhà Quốc hội.

Khi lãnh đạo cao cấp yêu nghệ thuật

“Nghệ sĩ vốn quen thực hành nghệ thuật tự do, khi làm việc với cơ quan nhà nước, thường có phản xạ tự nhiên là sợ làm những thứ mang tính chất khẩu hiệu, sợ bị can thiệp sâu về ý tưởng nghệ thuật… Khi đưa ra những điều kiện đó, chúng tôi cũng lo ngại sẽ không được đáp ứng. Nhưng thật bất ngờ, những người có trách nhiệm ở Văn phòng Quốc hội đã lắng nghe. Bất ngờ hơn nữa với chúng tôi, chính Chủ tịch Quốc hội là người rất yêu nghệ thuật, bà đã giúp chúng tôi rất nhiều…”- Nguyễn Thế Sơn chia sẻ.

Nghệ sĩ Phạm Khắc Quang cũng không quên được cảm xúc ngày bàn giao dự án: “Khác với tưởng tượng của nghệ sĩ chúng tôi về một lễ bàn giao trang nghiêm, khách khí như trên truyền hình thì tất cả đã diễn ra trong một không gian ấm cúng, gần gũi. Khi chiếu đoạn phim tài liệu dài hơn 20 phút về quá trình sáng tác của nhóm nghệ sĩ, việc lãnh đạo Quốc hội và lãnh đạo TP Hà Nội vẫn ngồi chăm chú xem từ đầu đến cuối, đặc biệt đang trong thời gian kỳ họp quốc hội diễn ra bận rộn, khiến anh em nghệ sĩ chúng tôi vô cùng xúc động”.

Tác phẩm tranh khắc gỗ “Hội nghị Diên Hồng” của Phạm Khắc Quang và Vũ Xuân Đông cao 1m8, dài 9m vốn được quy hoạch trưng bày ở hầm gửi xe của các lãnh đạo cấp cao nhà nước. Tuy nhiên, độ hoành tráng của tác phẩm đã gây xúc động cho phía Quốc hội và nhóm được đề nghị chuyển tác phẩm lên sảnh chính, đặt chỗ sang trọng hơn. Nhưng do kích thước bức tranh đã được “đo ni đóng giày” cho không gian đường hầm và có sự liên kết với các phù điêu hỗ trợ xung quanh nên dù nhận được “thánh chỉ”, các nghệ sĩ vẫn kiên trì thuyết phục. Cuối cùng, Quốc hội đã quyết định di chuyển những chiếc xe của lãnh đạo cao cấp sang nơi khác, nhường không gian trang trọng cho bức tranh. Đây là điều gây bất ngờ và nằm ngoài suy nghĩ của các nghệ sĩ.

Rồi hình ảnh lãnh đạo thành phố Hà Nội ăn mặc giản dị, lặng lẽ “vi hành” xuống tận các xưởng để thăm hỏi, động viên anh em nghệ sĩ sáng tác. Hay trong lễ bàn giao dự án, một doanh nghiệp bắt tay các nghệ sĩ và nói: “Các anh đã giúp chúng tôi có cái nhìn khác về đầu tư cho nghệ thuật”… Tất cả những điều đó, đều gây xúc động mạnh cho những người tham gia dự án đặc biệt này.

Khi hiện đại “chuyện trò” với quá khứ

Từ các chất liệu sơn mài truyền thống, đồ họa mở đến các chất liệu sắp đặt đa phương tiện, sắp đặt video art trên lụa, nhiếp ảnh phù điêu, sắp đặt chạm khắc đồng tương tác, sắp đặt hàn sắt chuyển động... đã làm biến đổi hoàn toàn không gian lối đi dưới hầm nhà Quốc Hội trở thành một không gian nghệ thuật đậm tính đương đại.

Tác phẩm “Vọng Niệm” của họa sĩ Phan Hải Bằng thể hiện bằng loại hình nghệ thuật trúc chỉ (nghệ thuật giấy và xơ sợi) kết hợp với khắc gỗ, sơn mài, nghệ thuật ánh sáng... đã tái hiện các hệ thống họa tiết hoa văn của mỹ thuật thời Nguyễn. Tác phẩm còn được kết hợp thêm các mảnh gỗ từ cấu trúc các căn nhà cổ ở Huế. Các mảnh gỗ sau khi được sưu tập về, được xử lý và áp dụng các nguyên lý của nghệ thuật khắc gỗ (đồ họa), phủ sơn và mài xả (sơn mài) để thể hiện các hình ảnh hoa văn lấy cảm hứng từ mỹ thuật Nguyễn.

Tác phẩm của họa sĩ Trần Hậu Yên Thế có tên “Lịch sử soi chiếu” với hình thức sắp đặt hiện đại ba chiếc gương lớn là hình ảnh ba tấm bia Tiến sĩ, đại diện cho ba phong cách tiêu biểu ở Văn Miếu với câu “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Bên ngoài bia là hình ảnh dây hoa kim ngân uốn lượn cùng chim chóc. Kim ngân là loài cây tượng trưng cho phẩm cách, khí tiết của kẻ sĩ, của những bậc hiền triết. Họa tiết kim ngân cũng xuất hiện nhiều trong nghệ thuật từ thời Lý, Trần. Điểm đặc biệt của tác phẩm là bất cứ ai đi ngang qua cũng có thể soi chiếu hình ảnh của chính mình trong gương.

Phạm Khắc Quang mạnh dạn đưa hoa sen, nghề làm tranh dân gian Hàng Trống, nghề khắc dấu trên gỗ và chú Tễu trong múa rối nước… vào kỹ thuật đồ họa hiện đại. Tranh của anh là tập hợp của các điểm chấm với mật độ và sắc thái khác nhau, tất cả tạo nên hình hài của cây đa, của phố cổ, của Hồ Gươm…Nhưng không phải các chấm đơn giản mà mỗi chấm là một bông sen, một con tem, một khuôn mặt.

“Điện kính thiên” là tòa điện quan trọng bậc nhất của quần thể hoàng thành Thăng Long xưa. Đây là nơi cử hành các nghi lễ quan trọng của đất nước, nơi thiết triều bàn quốc gia đại sự. Trải qua bao can qua dâu bể, lâu đài cung điện đã thành sương khói, di tích này chỉ còn sót lại bậc thềm được xây dựng vào thời Lê Sơ. Tác phẩm “Thềm bậc Điện Kính Thiên” của Lê Đăng Ninh dùng thủ pháp đồ họa chạm khắc lên vật liệu dẫn sáng, dưới dạng âm bản, tác phẩm vừa giống như bản dập vừa tựa như tấm phim chụp X-quang, gợi cho người xem tưởng nhớ đến những triều đại trịnh thịnh xa xưa.

Nghệ sĩ Trần Hậu Yên Thế bên tác phẩm “Lịch sử soi chiếu”

Ba công trình kiến trúc tiêu biểu, một thời đặc trưng cho nền chính trị, tôn giáo và kinh tế của ba miền Bắc, Trung, Nam là Chùa Báo Ân- Hà Nội, Điện Cần Chánh– Huế, Thương xá Tax- Tp Hồ Chí Minh đã vĩnh viễn biến mất. Qua loạt tranh sơn phun trên nắp capo ô tô, Trịnh Minh Tiến muốn cảnh tỉnh về khả năng tồn tại mong manh của di tích lịch sử trước tốc độ phát triển hôm nay.

Trần Hậu Yên Thế, Oanh Phi Phi, Trịnh Minh Tiến, Phạm Khắc Quang, Vũ Xuân Đông, Phan Hải Bằng, Vũ Kim Thư… 15 nghệ sĩ với 15 phong cách, cá tính khác nhau. Trong họ, có những người đã và đang đi khắp các “chiến trường” quốc tế, “đi nước ngoài như đi chợ”. Trong họ cũng có các giảng viên trường mỹ thuật, các “ngôi sao” trong nước. Và có cả sinh viên vừa ra trường.

Trong một khoảng thời gian ngắn, để kích hoạt và gắn kết 15 cá tính, không thể không kể đến công lao của giám tuyển Nguyễn Thế Sơn. “Sân chơi này không có chỗ cho những cái tôi quá lớn. Những người được mời là các họa sĩ mà tôi đã quan sát quá trình làm việc lâu nay. Tôi tin họ và họ tin tôi”- Anh nói.

Cứ mỗi cuối tuần, nhóm nghệ sĩ lại họp bàn công việc tại “tổng hành dinh” là quán trà đá ngay trước cửa tòa nhà Quốc hội. Ở đó, họ cùng nhau chia sẻ, phân tích, góp ý, lắng nghe nhau. Sau khi dự án hoàn thành, trong bữa cơm thân mật của cả nhóm, nghệ sĩ Triệu Minh Hải bật khóc khiến mọi người cũng lặng lẽ ôm nhau không nói nên lời. Trong 3 tháng ấy, họ đã như anh em một nhà. Họ làm việc cùng nhau, không cần có hội đồng nghệ thuật. Tất cả là một, được kết nối và đồng hành với nhau.

“Nói đâu xa, thời gian đầu, thấy đám nghệ sĩ lôi thôi, lếch thếch như thợ hồ, mang vác lỉnh kỉnh đủ thứ vật liệu, lực lượng an ninh của toà nhà Quốc hội cũng có phần e ngại, xa cách lắm. Nhưng khi tận mắt chứng kiến anh em làm việc hết mình, không kể ngày đêm, họ đã đồng cảm và chủ động giúp đỡ rất nhiều”- nghệ sĩ Phạm Khắc Quang cười nhớ lại.

… Có lẽ, sức mạnh của nghệ thuật, của cái đẹp đã chạm đến trái tim của tất cả mọi người, không phân biệt người đứng đầu hay người bình thường trong xã hội, chỉ để rung lên cùng một tần số.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh