CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:06

Hệ lụy khôn lường từ những tin đồn nhảm trên Facebook

 

Từ tung tin đồn người nổi tiếng qua đời

Ngày 13/3, trên mạng xã hội Facebook lan truyền đường link thông báo về việc ca sỹ Sơn Tùng M-TP vừa đột ngột qua đời kèm theo lời dẫn "Trước thông tin Sơn Tùng qua đời, hàng vạn tiếng khóc từ khắp nơi đổ về".

Và để tăng thêm tính xác thực của thông tin, người khởi tạo đường link này thậm chí còn đăng kèm một bức ảnh Sơn Tùng nằm trên giường bệnh cùng hình ảnh nhiều người đang khóc.

Với mức độ lan truyền nhanh chóng của mạng xã hội, thông tin trên đã khiến cho hàng nghìn fan hâm mộ nam ca sỹ này bán tính bán nghi, cùng với đó là những dòng chia sẻ có nội dung đầy tiếc nuối, mong ca sỹ yên nghỉ của nhiều người hâm mộ vốn được xem là khá "cả tin" trước tin đồn.

Cũng vào thời điểm cuối tháng 3, thêm một nạn nhân của trò đùa tàn ác này là ca sỹ Phan Đinh Tùng. Với hình ảnh ngụy tạo nam ca sỹ đang nằm trên giường bệnh cùng với lời dẫn "Sau 3 ngày nhập viện nhọc nhằn, chàng trai "cào cào lá tre" đã ra đi trong thanh thản" đã khiến nhiều người hâm mộ liên tục chia sẻ đường link, nâng số lượng truy cập lên đến hàng ngàn người chỉ sau vài tiếng.

Để trấn an người hâm mộ, Phan Đinh Tùng đã phải đính chính trên trang cá nhân của mình với nhiều thắc mắc: "Mới sáng sớm đã nhận được tin báo mình qua đời là sao ta? Phải chăng có kẻ nào đó đang chơi mình?".

Hệ lụy khôn lường từ những tin đồn nhảm

 

Không chỉ dừng lại ở các nghệ sỹ trẻ, những kẻ tung tin đồn ác ý còn không tha cho các nghệ sỹ "già". Trong tháng 3/2015, nghệ sĩ ưu tú Chí Trung và nhà báo Lại Văn Sâm cũng trở thành tâm điểm của trò “câu like” này.

Bức xúc trước thông tin ai đó tung lên rằng mình đã “ra đi” vì tai nạn giao thông, Nghệ sĩ ưu tú Chí Trung đã lên facebook chính thức của mình đính chính bằng một status không giấu được bực dọc: “Ơn giời, con vẫn khỏe! Sợ các bố mẹ quá đi. Hic”

Còn nhà báo Lại Văn Sâm được đưa lên mạng là bức ảnh được trưng trên bàn thờ nghi ngút khói hương, kèm theo tin đồn ông “đã qua đời vì đột tử”. Thậm chí kẻ tung tin còn ghi rõ thời gian địa điểm lễ viếng tang lễ như thể đó là một sự việc có thật.

Rồi mới đây là việc cư dân mạng chia sẻ những những thông tin gây sốc về tội ác rùng rợn, thu hút sự tò mò, hiếu kỳ kiểu như "Chuyện động trời về con giết mẹ, lấy xác ướp muối"… kèm theo rất nhiều hình ảnh được cắt ghép tinh vi nhằm tăng thêm độ xác thực của thông tin.

Tuy nhiên, khi kích chuột vào các đường link này đều dẫn đến một trang khác với nội dung quảng cáo sản phẩm hoặc các chương trình du học. Thậm chí, các thông tin lừa đảo về trúng thưởng điện thoại, xe máy chưa được kiểm chứng cũng được quảng cáo, chia sẻ như thật đầy rẫy trên mạng xã hội khiến nhiều nạn nhân đã trúng bẫy.

Đến bài học đắt giá cho những trò đùa dại

Vừa qua, trên tài khoản facebook của Phạm A. T. xuất hiện một nội dung về việc một nữ sinh bị hiếp dâm, chết lõa thể từ trước đó 6-7 ngày ở phía sau ký túc xá Đại học Công nghiệp Hà Nội.

Ngoài hình ảnh một thiếu nữ chết lõa thể ở khu đất trống, chủ tài khoản facebook trên còn đăng tải hình ảnh một số cán bộ chiến sỹ công an đang khám nghiệm hiện trường khiến nhiều người tin là sự việc có thật. Thông tin nhanh chóng được lan truyền trên các diễn đàn mạng xã hội, gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho nhiều người.

Hệ lụy khôn lường từ những tin đồn nhảm

 

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin đó, Công an quận Bắc Từ Liêm phối hợp với công an các phường mà Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đóng trên địa bàn tổ chức rà soát.

Qua đó, Công an quận Bắc Từ Liêm khẳng định, thông tin về việc nữ sinh bị hiếp dâm, chết lõa thể phía sau ký túc xá Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là hoàn toàn thất thiệt. Không có vụ việc nghiêm trọng nào như vậy xảy ra trong khuôn viên nhà trường.

Từ những kết quả rà soát, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50 - Công an TP.Hà Nội) đã điều tra truy tìm chủ tài khoản Facebook tung tin đồn thất thiệt để xử lý. Phòng Cảnh sát PC50- Công an TP. Hà Nội hiện đã triệu tập 2 đối tượng liên quan.

Đây không phải là lần đầu tiên trên các trang mạng xã hội xuất hiện những tin đồn thất thiệt gây hoang mang dư luận. Trung tuần tháng 8.2014, Cục An ninh mạng (A68 - Bộ Công an) và Phòng Cảnh sát hình sự (PC45 - Công an TP.Hà Nội) đã triệu tập 4 người liên quan đến việc tung tin đồn về dịch ebola vào Việt Nam.

Qua xác minh, đánh giá chi tiết vụ việc, cơ quan điều tra đã thống nhất với các cơ quan liên quan chỉ xử lý hành chính những người này về hành vi tung tin đồn thất thiệt, gây hoang mang trong dư luận. 

Trước đó 2/2014, một thanh niên tung tin về một thiếu gia ở Quảng Bình gây tai nạn rồi giết người. Thông tin lan truyền trên mạng xã hội và gây hoang mang dư luận. Tuy nhiên, câu chuyện được nhiều bạn trẻ tại Quảng Bình cho rằng không đúng. Sự việc được Công an tỉnh Quảng Bình vào cuộc điều tra. 

Chủ nhân của vụ tung tin giả mạo này được xác định là Ngô Đình Sơn, 21 tuổi. Tại cơ quan công an, Sơn đã thừa nhận về việc làm sai trái và cho biết mục đích là nhằm lăng xê bản thân và có nhiều người biết đến trang Quảng Bình Quê Ta.Trên fanpage Quảng Bình Quê Ta, Sơn, đồng thời là admin đã công khai xin lỗi về việc tung tin giật gân này.

Theo Luật sư Giang Hồng Thanh – Trưởng Văn phòng luật sư Giang Thanh cho biết, nếu thông tin nữ sinh viên tử vong, bị hiếp dâm nói trên là sai sự thật thì người cung cấp thông tin này rõ ràng đã vi phạm pháp luật.

Hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện”. Cụ thể, theo Khoản 3, Điều 64, Nghị định 174, hành vi “Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật” sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000đ – 30.000.000đ (Đối với tổ chức vi phạm) và từ 10.000.000đ – 15.000.000đ (Đối với cá nhân vi phạm).

“Việc bị xử phạt hành chính không đơn giản chỉ nộp tiền là xong, mà nó còn bị xem xét để đánh giá nhân thân đối với các việc làm khác sau này,” Luật sư Thanh cảnh báo.

Cũng theo ông Giang Hồng Thanh, việc cung cấp thông tin không đúng sự thật làm ảnh hưởng đến an ninh, an toàn thông tin, khiến cho người tiếp nhận thông tin hoang mang, lo lắng dẫn đến trật tự xã hội không được đảm bảo.

Vì vậy để tránh tình trạng này, trước khi đưa thông tin hoặc chia sẻ thông tin của người khác lên mạng internet, mạng xã hội, người đưa thông tin cần tỉnh táo, thận trọng kiểm tra mức độ chính xác của nguồn tin.

Châu Anh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh