THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:05

Hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em

Điều 11 Luật trẻ em quy định: “Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức vào tháng 6 hằng năm để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em”.

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng trao học bổng cho các em học sinh huyện Đạ Huoai tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em 2022.

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng trao học bổng cho các em học sinh huyện Đạ Huoai tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em 2022.

Chủ đề Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 là: “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại,bạo lực trẻ em”. Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, trong quý 1 năm nay, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận hơn 202.000 cuộc gọi, tư vấn khoảng 10.600 ca (tăng hơn 45% so với cùng kỳ năm 2021). Thống kê của Cục Trẻ em cũng cho thấy, trong 3 tháng đầu năm nay, cả nước có 147 trẻ bị xâm hại, tăng 30 em so với quý 1/2021, trong đó có các trường hợp bị bạo lực, xâm hại tình dục, bị bắt bóc, mất tích hoặc bị bỏ rơi. Các trường hợp xâm hại trẻ em khi được Tổng đài 111 tiếp nhận sẽ được xác minh, kết nối với địa phương (nơi các em bị xâm hại) và các cơ quan liên quan cùng phối hợp xử lý.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em cho biết, vấn đề trẻ em không còn là vấn đề quyền con người mà còn là vấn đề hội nhập và phát triển kinh tế, nhiều quốc gia sẵn sang lập rào cản thương mại đối với những nền kinh tế bóc lột và lợi dụng trẻ em. Luật Trẻ em đã quy định rất rõ trách nghiệm của từng cấp, Bộ, ngành, tổ chức trong bảo vệ trẻ.

Theo ông Đặng Hoa Nam, truyền thông phải đóng vai trò tiên phong trong nâng cao nhận thức, trách nghiệm của các bên liên quan trong bảo vệ trẻ em. Ngoài ra, truyền thông và các cơ quan chức năng cũng cần tôn trọng lắng nghe, xem xét, phản hồi ý kiến, nguyện vọng của trẻ em. Báo chí và truyền thông cũng cần giúp cho xã hội, các bậc phụ huynh nhận thức tốt và cập nhật các kiến thức kỹ năng chăm sóc, bảo vệ trẻ em bởi phụ huynh chính là nhân tố đóng vai trò quan trọng nhất để bảo vệ trẻ em.

Ngoài ra cần tuyên truyền về  kỹ năng tổ chức một môi trường sống an toàn. Việc phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại tình dục cần có kỹ năng và sự chung tay của cả cộng đồng, chính quyền và gia đình. Đó cũng chính là tinh thần trong thông điệp của Tháng hành động vì trẻ em “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết, thời gian qua, những hành vi xâm hại trẻ em, đặc biệt là bạo lực trẻ em trong gia đình và xâm hại tình dục diễn ra khá phức tạp. Vì vậy, chúng ta cần tăng cường nhận thức hành vi của xã hội, của cộng đồng dân cư là phải mạnh dạn lên tiếng, tố cáo các hành vi, các nghi ngờ về xâm hại trẻ em. Đừng để xảy ra vụ việc khi nó quá phức tạp rồi, gây hậu quả nghiêm trọng rồi thì chúng ta mới giải quyết, mới can thiệp.

“Chúng tôi xin nhấn mạnh việc giải quyết can thiệp của các cơ quan chức năng, đặc biệt của các cơ quan bảo vệ pháp luật đối với các vụ việc xâm hại trẻ em là rất kịp thời, nhưng công tác phòng ngừa chúng ta cần quan tâm nhiều hơn nữa. Chúng tôi chọn một trong những chìa khóa để tăng cường công tác phòng ngừa là vận động toàn xã hội quan tâm hơn nữa, chú ý hơn nữa để phát hiện kịp thời những nghi ngờ, những hành vi xâm hại trẻ em để thông báo, tố giác kịp thời đến cơ quan chức năng”, ông Nam nhấn mạnh.

Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức từ ngày 1 - 30/6 nhằm tăng cường trách nhiệm của các ngành, các cấp và công tác phối hợp giữa các ngành và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp để bảo vệ trẻ em kịp thời, hiệu quả, nhất là trong gia đình. Đồng thời kêu gọi sự quan tâm, tạo điều kiện, vận động nguồn lực để mọi trẻ em có một mùa hè an toàn, lành mạnh.

VÂN KHÁNH

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh