THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:14

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính:

Hãy hành động vì trẻ em bằng trách nhiệm và tấm lòng nhân ái

Cùng tham dự buổi lễ có: Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, Trưởng đại diện Quỹ nhi đồng liên hợp quốc tại Việt Nam Rana Flowers… Khoảng 1.200 đại biểu, trong đó có gần 700 trẻ em đại diện cho hơn 25 triệu trẻ em đến tham dự buổi lễ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi Lễ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi Lễ.

Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương trong công tác trẻ em

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, sự kiện phát động "Tháng Hành động vì trẻ em" và khai mạc hè năm 2022 đặc biệt hơn mọi năm khi các cháu vừa phải trải qua giai đoạn rất khó khăn của đại dịch COVID-19. Nhưng chúng ta không chỉ có tháng hành động vì trẻ em mà phải luôn luôn hành động vì trẻ em.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu luôn dành sự quan tâm đặc biệt, tình thương yêu sâu sắc đối với các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng vì các cháu là hạnh phúc của gia đình và tương lai của đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Mỗi bộ, ngành, địa phương liên quan có trách nhiệm để bảo đảm trẻ em được sống trong môi trường an toàn, phát triển thể chất và tinh thần.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Mỗi bộ, ngành, địa phương liên quan có trách nhiệm để bảo đảm trẻ em được sống trong môi trường an toàn, phát triển thể chất và tinh thần.

Thấm nhuần tư tưởng của Bác, những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất để trẻ em được phát triển toàn diện, có môi trường sống an toàn, lành mạnh. Nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là bản Hiến pháp Việt Nam ngay từ năm 1959 cho đến nay đều có nội dung về trẻ em. Việt Nam cũng là nước đầu tiên ở châu Á, nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em. Giáo dục, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em đã được các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức xã hội, đoàn thể và nhân dân đặc biệt quan tâm. Nhiều chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng như chăm sóc thường xuyên đối với trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

Đến nay,100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT miễn phí. Gần 100% các cháu đến độ tuổi được đến trường, 95% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine và hiện đang tích cực triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho các cháu từ 5 đến 12 tuổi. Đời sống tinh thần, vui chơi giải trí, môi trường giao tiếp xã hội của trẻ em ngày càng phong phú, đa dạng, được các cấp, các ngành và cả xã hội rất quan tâm, chăm lo. Chương trình hỗ trợ trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19 được đông đảo các cơ quan, đơn vị, cá nhân và tổ chức quốc tế hưởng ứng tích cực. Tháng 5 vừa qua, Giám đốc Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc đánh giá cao những chủ trương, chính sách của Việt Nam về chăm lo, bảo vệ quyền trẻ em trong các chương trình, kế hoạch hành động quốc gia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo phát động Tháng hành động vì trẻ em và khai mạc hè năm 2022.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo phát động Tháng hành động vì trẻ em và khai mạc hè năm 2022.

“Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các đoàn thể, địa phương. Trân trọng và ghi nhận sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em nói chung. Tôi cũng trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự đóng góp, hỗ trợ tích cực của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế, đặc biệt là Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc”, Thủ tướng nhấn mạnh.

3 trụ cột chính ảnh hưởng đến đời sống của trẻ em, đó là: Gia đình - nhà trường - xã hội

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng Thủ tướng cũng chỉ ra công tác giáo dục, chăm sóc, bảo vệ trẻ em vẫn còn những khó khăn, thách thức. Đảng, Nhà nước và tất cả chúng ta đã cố gắng nhưng không hết trăn trở, day dứt khi vẫn còn một số cháu phải đối mặt với nghịch cảnh của cuộc sống.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kêu gọi cùng “Chung tay chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kêu gọi cùng “Chung tay chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em”.

Để giải quyết được tồn tại và mang lại môi trường tốt đẹp cho trẻ em, cần tìm hiểu rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan từ phía gia đình, nhà trường, xã hội. Mỗi cá nhân trong cộng đồng có ý thức trách nhiệm với trẻ em thì điều tốt đẹp hơn sẽ đến với các em. Thủ tướng nhấn mạnh 3 trụ cột chính ảnh hưởng đến đời sống của trẻ em, đó là: Gia đình - nhà trường - xã hội.

Đối với gia đình, Thủ tướng mong muốn mỗi gia đình hãy là "ngôi nhà xanh" hạnh phúc cho các cháu với trách nhiệm của cha mẹ nuôi nấng, dạy dỗ.

Đối với nhà trường, hãy là nơi để "mỗi ngày đến trường là một niềm vui". Ở đó các cháu coi thầy cô là cha mẹ thứ 2 của mình, chia sẻ và thực hiện khát vọng cuộc sống. Ở đó các cháu không bị áp lực học hành, thi cử, có môi trường lành mạnh, không bị thầy cô và bạn bè làm tổn thương, được an ủi khi có những chuyện buồn. "Thậm chí đã có lần tôi nói cần cải thiện lại hệ thống nhà vệ sinh của trường học để các cháu được hưởng môi trường vệ sinh sạch sẽ. Hay nhà trường cần chú ý đến tâm lý, vấn đề an toàn và quan tâm đặc biệt đến tâm lý của trẻ sau dịch COVID-19 vì các cháu đã học trực tuyến một thời gian dài, tiếp xúc bạn bè bị hạn chế do chưa được đến trường", Thủ tướng phát biểu.

Đối với xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh "trách nhiệm và yêu thương" đối với trẻ em. Đối với quốc gia, cần có Chiến lược phát triển trẻ em Việt Nam, trong đó có giải pháp nâng cao thể trạng của trẻ em; giáo dục những hệ giá trị của con người Việt Nam như lòng yêu nước, ham học hỏi, trách nhiệm, kỷ cương, chân thành, nhân ái… Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Luật Trẻ em và Nghị quyết 121/2020/QH14 của Quốc hội và các nội dung, nhiệm vụ về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. "Hãy lắng nghe trẻ em bằng trái tim, hãy bảo vệ trẻ em bằng hành động. Mỗi bộ, ngành, địa phương liên quan có trách nhiệm để bảo đảm trẻ em được sống trong môi trường an toàn, phát triển thể chất và tinh thần", Thủ tướng phát biểu và nêu rõ nhiệm vụ với các cơ quan.

Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng bảo trợ quỹ BTTEVN Võ Thị Ánh Xuân trao quà cho các em nhỏ.

Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng bảo trợ quỹ BTTEVN Võ Thị Ánh Xuân trao quà cho các em nhỏ.

Theo đó, Bộ GD&ĐT nghiên cứu để xây dựng chương trình học phù hợp, tăng cường dạy kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn cho trẻ… Bộ Xây dựng và chính quyền địa phương chú ý đến trường học, sân chơi, bể bơi, nhà vệ sinh cho trẻ em… Bộ LĐ-TB&XH chú ý các chính sách hỗ trợ nhà trường, trẻ em ảnh hưởng dịch COVID-19. Bộ Y tế nghiên cứu và có hướng dẫn về dinh dưỡng, bữa ăn cho trẻ em, khẩn trương hoàn thành việc tiêm vaccine phòng, chống COVID-19 cho trẻ em, nhất là nhóm từ 5 đến dưới 12 tuổi, hoàn thành theo mục tiêu Chính phủ đã đề ra.

Bên cạnh đó là sự vào cuộc của chính quyền địa phương và các tổ chức, hiệp hội, nhất là Ủy ban Quốc gia về trẻ em, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam để có những chính sách bảo vệ và hỗ trợ trẻ em, lưu ý trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…

Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh những hàng hóa, dịch vụ liên quan đến trẻ em cần đặt sự an toàn, phát triển lành mạnh của trẻ lên hàng đầu. Để tạo "môi trường xanh" phát triển thể chất và tinh thần cho trẻ em, Thủ tướng kêu gọi mỗi cá nhân trong cộng đồng hãy hành động vì trẻ em bằng trách nhiệm và tấm lòng nhân ái. Đồng thời, xã hội lên án mạnh mẽ và xử lý nghiêm những hành vi sai trái với trẻ em.

Theo Thủ tướng, rất nhiều trẻ em trên toàn quốc đã vượt qua khó khăn, nghịch cảnh của dịch COVID-19, nỗ lực vượt lên chính mình đạt các danh hiệu "con ngoan, trò giỏi", "cháu ngoan Bác Hồ". Thủ tướng tin tưởng, hơn 25 triệu trẻ em cả nước sẽ hiểu được tấm lòng của gia đình, thầy cô, và sự quan tâm của xã hội để luôn cố gắng thực hiện khát vọng, giấc mơ của riêng mình…. để không phụ tình yêu thương và trách nhiệm đó, để trở thành những người con, học trò, công dân có trách nhiệm với gia đình, nhà trường và xã hội.

Kêu gọi cùng “Chung tay chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em”

Phát biểu phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2022, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Chủ đề “Chung tay chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em” nhằm vận động sự tham gia tích cực hơn nữa của các tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội, gia đình và cộng đồng vào việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà cho các em nhỏ tham dự Lễ phát động.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà cho các em nhỏ tham dự Lễ phát động.

Tháng hành động vì trẻ em được phát động hằng năm mở đầu những ngày hè vui, bổ ích của trẻ em cả nước và đợt cao điểm dành mọi quan tâm chăm lo cho trẻ em, nhất là những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cuộc sống còn nhiều khó khăn để các em có cơ hội bình đẳng như bao trẻ em khác.

Là cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm tham mưu, ban hành chương trình, chính sách, điều phối, phối hợp thực hiện quyền trẻ em, thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ động tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban quốc gia vì trẻ em trong thực hiện quyền trẻ em, phê duyệt các chính sách, chương trình, đề án bảo vệ, chăm sóc trẻ em giai đoạn 2021-2025 và đến 2030; kiên trì phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án đã ban hành.

Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19 vừa qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, chúng ta đã kịp thời ban hành và triển khai nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ khẩn cấp trước mắt cũng như lâu dài cho trẻ em bị nhiễm Covid-19, trẻ em nguy cơ nhiễm, trẻ em mồ côi do Covid-19, trẻ sơ sinh là con của sản phụ nhiễm Covid-19.

Cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các tổ chức trong nước và quốc tế, sự chung tay của toàn xã hội, công tác trẻ em được quan tâm toàn diện, trẻ em mồ côi do đại dịch được sống trong môi trường gia đình; học sinh được hỗ trợ các phương tiện, giải pháp bảo đảm quyền học tập; triển khai tốt việc chăm sóc, điều trị cho trẻ em nhiễm Covid-19; khẩn trương tiêm chủng vaccine cho trẻ em; chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội cho các em.

Trên lĩnh vực bảo vệ trẻ em, theo người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH, cả nước đã tập trung thực hiện nhiều chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; các giải pháp ứng phó, giảm thiểu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu tới trẻ em; bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng.

Về thực hiện quyền tham gia của trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai nhiều mô hình, phương thức, giải pháp sáng tạo, đặc biệt trong bối cảnh giãn cách xã hội do Covid-19, như: Kết nối 24/7 qua Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, lồng ghép trong học trực tuyến, tổ chức các cuộc thi trực tuyến dành cho trẻ em, các buổi truyền hình trực tiếp tham vấn, tư vấn cho cha mẹ và trẻ em qua môi trường mạng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng vẫn còn nhiều khoảng trống và hạn chế về nhận thức và trách nhiệm trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em cần phải giải quyết cấp bách, quyết liệt cũng như căn cơ, lâu dài. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quyền trẻ em, kỹ năng, kiến thức về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ, trẻ em chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh trao quà cho các em nhỏ.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh trao quà cho các em nhỏ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, để thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em cần sự chung tay, đồng lòng trong cam kết thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của toàn xã hội, của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân vì hạnh phúc của các em cũng chính là niềm vui, niềm hạnh phúc của mỗi người lớn, mỗi gia đình chúng ta. “Thông qua Tháng hành động này, mỗi bậc cha, mẹ, ông, bà, mỗi gia đình cần nhận thức rõ trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, chung tay xây dựng môi trường gia đình an toàn, thường xuyên quan tâm, chăm sóc, giám sát bảo đảm an toàn cho con em mình, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước trẻ em” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, mỗi cá nhân và cộng đồng hãy lên tiếng, tích cực phát hiện, thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em đến các cơ quan chức năng. Các vụ việc vi phạm quyền trẻ em, đặc biệt xâm hại trẻ em, phải được các cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở xử lý kịp thời nhất, nghiêm minh nhất và bảo đảm hỗ trợ vì các lợi ích tốt nhất cho trẻ em. Hơn lúc nào hết, từng bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp cần sự nỗ lực nhiều hơn, chủ động phối hợp triển khai đồng bộ và kịp thời các chủ trương, chính sách trong giải quyết các vấn đề về trẻ em.

 

Phát biểu tại buổi lễ, bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam cho rằng, để Việt Nam hồi sinh một cách mạnh mẽ cần đặc biệt quan tâm tới những em dễ bị tổn thương nhất, quan tâm đến tất cả các em mà sự phát triển đã bị đình trệ trong suốt 2 năm vừa qua. Giờ chính là lúc chúng ta cần chung tay để mang lại những thay đổi thiết thực và khả thi để tạo ra một thế giới khác biệt cho trẻ em và “Đưa tuổi thơ của trẻ em trở lại đúng quỹ đạo”. Điều này sẽ đòi hỏi sức mạnh tổng hợp của nỗ lực tập thể và cá nhân: từ chính phủ, cộng đồng, gia đình, khu vực tư nhân, các đối tác quốc tế và từ mỗi người trong số chúng ta. Chúng ta phải cùng nhau hành động để giải quyết tất cả các vấn đề ảnh hưởng đến trẻ em: sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục, biến đổi khí hậu, bạo lực, lạm dụng… bởi vì mọi khía cạnh cuộc sống của các em đều đang bị ảnh hưởng. Và điều cấp bách trước hết là chúng ta phải tập trung đầu tư cho những trẻ nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất.

 

VÂN KHÁNH - ảnh MẠNH DŨNG

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh