THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 08:03

Hãy bình tĩnh, tỉnh táo khi lên án bác Trưởng thôn thu tiền cứu trợ.

 

 Nỗi khổ của các bác “trưởng thôn”.

 Câu chuyện về một số cán bộ của thôn Trung Thôn (xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) thu bớt lại tiền cứu trợ lũ lụt của dân đã trở thành tâm điểm bàn tán ồn ào của người dân và dư luận.

Trên các trang mạng xã hội đã không tiếc lời nhân danh đạo đức ra sức miệt thị, chửi bới cán bộ thôn, và cay độc mỉa mai tất cả những người đã và đang tham gia vào hoạt động cứu trợ, từ thiện người dân vùng lũ, họ coi đó như là việc làm vô bổ, mang tiền đi cho một số kẻ cơ hội, bất lương, hàng trăm, hàng ngàn thông tin, suy diễn, phán xét cực đoan, một chiều.

Đã có mấy ai tự vấn, suy nghĩ đặt câu hỏi, liệu các cán bộ thôn ấy có tư lợi, tham ô không? họ đi thu tiền rồi  đem đi đâu? phát cho người thân hay tìm cách chia đều hoặc san sẻ cho những người có cùng hoàn cảnh nhưng không có may mắn nhận được quà cứu trợ. Bản thân gia đình bác Trưởng thôn đó cũng nghèo, cũng ngập, nhưng  chắc gì đã có tên trong danh sách nhận quà cứu trợ, đã thế lại phải bỏ tất cả để chạy đi lo cho việc của dân, lo khắc phục hậu quả lũ lụt, lo cái ăn, cái mặc, lo tiếp các đoàn cứu trợ. Có thể cả đêm lại mắt kính mò mẫm ghi ghi, chép chép, phân bổ để chọn ra những gia đình nào ngày mai nhận quà. Nếu không khéo, chỉ vì quên thôi thì chắc chắn sau đó bác sẽ bị dân đem ra “ mổ”, đấu tố, truy vấn…

Đảm bảo sự công bằng trong hoạt động cứu trợ là vấn đề rất quan trọng. ( Ảnh minh họa)

Công tác tại địa bàn miền Trung đã lâu, tôi đã có hàng chục chuyến đi cứu trợ bão, lụt, trên khắp các tỉnh trong khu vực. Nhiều chuyến được được các nhà tài trợ mời đi để đưa thông tin, nhiều chuyến được ủy quyền tổ chức, cũng có nhiều chuyến hàng cứu trợ do chính cơ quan vận động. Tôi có thể hiểu những điều băn khoăn, áy náy dẫn đến việc “thu tiền cứu trợ của dân” để san sẻ cho những người khác có chung hòan cảnh. Trong các chuyến công tác và đi cứu trợ cho các nạn nhân bão Chan Chu tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam năm 2006 ( hơn 200 người chết và mất tích) tôi đã chứng kiến cảnh tang tóc của cả một vùng quê nghèo. Đã có hàng trăm đoàn cứu trợ, từ thiện đến đây để thăm hỏi, sẻ chia nỗi đau mất mát của người dân. Trên đường vào xã Bình Minh, nơi có tới 86 người thiệt mạng ( nhiều gia đình có từ 2-3 người chêt) tất cả các đoàn đều dừng chân ngay tại một đám ma đầu tiên ở bên đường để vào thăm, viếng tặng quà. Sau này, khi làm việc với Lãnh đạo địa phương tôi được biết: Trong số 86 người người bị chết tại Bình Minh, có người nhận được tiền cứu trợ lên tới cả tỷ đồng, nhưng cũng có những người chỉ vài chục đến trăm triệu. Hầu hết những người có nhà ở sâu, khuất trong các xóm thì nhận được số tiền ít hơn. Còn rất nhiều trường hợp tương tự khác tôi đã gặp trong các chuyến cứu trợ và đã chứng kiến nỗi khổ, điều băn khoăn của các cán bộ địa phương khi phân bổ, bố trí hàng cứu trợ.

Của cho không  bằng cách cho.

Với truyền thống “Lá lành đùm lá rách”, Lá rách rồi, đùm lá rách hơn, xã hội luôn luôn trân trọng mọi tấm lòng nhân ái của tất cả mọi người. Thực tế đã chứng minh, mỗi khi có biến cố đau lòng từ thiên tai, địch họa đến những rủi ro trong cuộc sống đời thường …đều nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của xã hội. Trong cuộc sống, đã có rất nhiều những số phận, rất nhiều những vùng quê đã vươn mình đứng dậy từ những đau thương, mất mát, nghèo đói nhờ những nguồn động viên, hỗ trợ của những tấm lòng nhân ái. 

Nhiều hoạt động cứu trợ vẫn mang tính tự phát. ( ảnh minh họa)

Tuy vậy, cuộc sống muôn màu. Trong thực tế vẫn có nhiều tổ chức, cá nhân khi đi làm từ thiện, nhân đạo, cứu trợ vẫn có những đòi hỏi mang đậm sự cảm tính, họ đòi phải đến tận nhà, tận nơi, trao tận tay. Thậm chí họ không cần thông qua bất cứ ai, bất cứ tổ chức, chính quyền nào với tiêu chí: “ tiền của tôi, tôi muốn cho ai là quyền tôi”. Có những trường hợp, dù đã có liên hệ trước với địa phương, địa phương đã lên danh sách, nhưng khi đến nới, cầm danh sách trên tay rồi nhưng chỉ cần nghe một vài lời bâng quơ của ai đó là họ sẵn sàng lớn tiếng với địa phương và tự ý đi phát quà theo cảm tính, có khi lại đi theo sự chỉ dẫn của những người mà họ chẳng cần biết đó là ai…Còn rất nhiều những điều bất cập trong hoạt động cứu trợ, từ thiện.

Công tác xã hội, nhân đạo là vì cộng đồng. Vậy, những người đi làm từ thiện, cứu trợ có nghĩ rằng: Nếu không khéo, chính họ đã tạo ra sự bất bình đẳng trong cộng đồng những số phận đau khổ. Và nữa, họ cần phải mang nặng trách nhiệm với những đồng tiền của những người đã đóng góp để họ thực hiện nghĩa cử nhân ái đó.

Đã có chuyện tham ô, bớt xén tiền cứu trợ, từ thiện. Đã có chuyện kê khai gian dối để nhận tiền từ thiện, cứu trợ. Những “ Quái thai” này đã, đang và sẽ bị xử lý thật nghiêm để làm gương, để răn đe. Nhưng, đó chỉ là những “ quái thai”, không nhiều và không mang tính đại diện. 

Cứu trợ, làm từ thiện cũng rất cần tính nguyên tắc, tính tổ chức.(Ảnh minh họa)

Từ những kinh nghiệm của bản thân, tôi cho rằng khi đi làm công tác cứu trợ từ thiện, cách tốt nhất để đưa được những món quà của tấm lòng mình đến với những số phận khó khăn một cách công bằng, hiệu quả chính là việc phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, chính quyền của địa phương. Tôi tin rằng, tuyệt đại đa số những tổ chức, cán bộ địa phương này họ đều làm việc với tinh thần trách nhiệm cao với công việc, với cồng đồng và cũng với tấm lòng nhân ái như tất cả mọi người.

Chuyện của bác Trưởng thôn Lê Hồng Quân, nếu không tìm ra chứng cứ “ Lợi dụng” để hưởng lợi thì đừng vội lên án, hay “ cách chức ngay lập tức”. Nếu có sai thì bác chỉ sai vì sự “ sốt ruột”, không báo cáo trước khi làm. Hãy hiểu cho những nỗi khổ, nỗi băn khoăn, áy láy của công việc “ vác tù và hàng tổng” này./.

Giang sơn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh