THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:52

Hậu họa từ Pokemon Go

 

Trò chơi ảo, hậu quả thật

Ngay khi vào Việt Nam, trò chơi Pokemon Go lập tức thu hút đông người tham gia, đặc biệt là giới trẻ. Tại những nơi công cộng, trong các công sở, trên đường phố... đều có thể bắt gặp những người đang say sưa chơi Pokemon Go. Có mặt ở công viên Thống Nhất từ rất sớm để “bắt Pokemon”, bạn Nguyễn Quang Anh, sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Xây dựng chia sẻ: “Em biết đến trò chơi này từ những ngày đầu mới xuất hiện ở Úc thông qua một người bạn đang du học ở đấy. Nên ngay khi trò chơi này xuất hiện tại Việt Nam, em đã tham gia chơi ngay. Khác với những trò game khác phải ngồi ôm khư khư máy tính trong phòng, Pokemon Go lại phải ra ngoài mới bắt được nên em rất thích. Cả tuần nay em và mấy bạn cùng lớp tối nào cũng rủ nhau ra đường tìm bắt Pokemon”.

Cũng là một trong những người nghiện bắt Pokemon, cứ mỗi ngày sau bữa cơm tối, Nguyễn Tuấn Anh, ở Khâm Thiên, Hà Nội lại cầm chiếc smart phone  ra công viên Thống Nhất, nơi được xem là có thể bắt được nhiều pokemon.  Tuấn Anh cho biết, sự khác biệt của trò chơi này so với các trò chơi khác là người chơi không ngồi một chỗ mà phải di chuyển đến nhiều nơi khác nhau. Chỉ trong hơn một ngày đêm, Tuấn Anh  đã bắt được hơn hàng trăm con Pokemon.

Đặc điểm của trò chơi Pokemon Go chính là người chơi được “hóa thân” vào thế giới ảo một cách trực tiếp. Việc buộc phải di chuyển mới có thể bắt được Pokemon đã khiến cho người chơi gần như lúc nào cũng phải dán mắt vào màn hình điện thoại. Những nguy cơ từ đó cũng bắt đầu hiện hữu, một trong những nguy cơ đó chính là tai nạn giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đã có không ít trường hợp đi bộ trên đường nhưng tay và mắt không lúc nào rời chiếc điện thoại. Vì vậy có không ít người  vừa đi vừa húc đầu vào gốc cây, hay đâm bổ vào nhau vì con Pokemon.

Không chỉ vậy, nguy hiểm hơn là có rất nhiều người vừa điều khiển phương tiện tham gia giao thông vừa cầm điện thoại để chơi Pokemon Go. Anh Nguyễn Đức Long (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, khi đang điều khiển xe ô tô trên đường Lê Văn Lương anh đã phải phanh gấp khi chiếc xe máy của một nam thanh niên đi trước bất ngờ dừng. Ngó xuống thấy anh này đang hí hoáy “nhốt” chú Pokemon vừa đi xe máy vừa bắt được vào “lồng”. Anh Long nói: “Nếu tôi không làm chủ tốc độ hay nhanh chân phanh thì có lẽ cậu ta đã bị xe ô tô húc bay rồi. Nếu cứ tình trạng này thì nhiều game thủ sẽ mất mạng vì Pokemon như chơi”. 

Đại úy Nguyễn Minh Đức, Đội phó Đội Cảnh sát Giao thông (CSGT) số 1, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, chỉ trong hai ngày 9 và 10/8, quanh khu vực Hoàn Kiếm, Đội CSGT số 1 đã xử phạt hơn 30 trường hợp sử dụng điện thoại di động khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông và dừng, đỗ sai quy định với mức phạt 150.000 đồng. Trong số này có không ít trường hợp vi phạm do mải “bắt” Pokemon. Đại úy Đức khuyến cáo: “Việc người chơi Pokemon quá tập trung khi đang tham gia giao thông rất nguy hiểm vì tai nạn có thể xảy ra bất cứ khi nào”.

Sức khỏe tâm thần bị ảnh hưởng, an ninh mạng bị tấn công

Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất (Công ty tư vấn tâm lý An Việt Sơn, Hà Nội) cho rằng, trò chơi mà phải đi ra đường mới thực hiện được thì sẽ gây ra nhiều phiền toái và rắc rối vô cùng, đó là việc mọi người tập trung vào điện thoại sẽ tạo cơ hội cho những kẻ cướp rất dễ ra tay. Ngoài ra, việc mọi người chơi trò này khi đang điều kiển xe, dừng dưới lòng đường sẽ rất dễ gây tai nạn giao thông. Đó là chưa kể việc mất an ninh trật tự khi những “tín đồ” của trò chơi này va chạm nhau hoặc tranh nhau một mục tiêu. “Nhìn chung, nếu ham mê trò chơi một cách thái quá sẽ để lại nhiều hậu quả, thậm chí là hậu quả nghiêm trọng”, ông Chất cảnh báo.

Sinh viên, học sinh thường tập trung đông tại các công viên để “bắt Pokemon”.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, nhiều trường hợp nghiện game đến nỗi đánh mất bản năng và không kiểm soát được suy nghĩ, hành động của bản thân. Những người nghiện game đều có chung triệu chứng như xao lãng các thú vui, chán ghét mọi thứ, không còn những ham muốn như người bình thường. Người nghiện game còn chịu những biến đổi rất lớn về tâm lý, nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hoang tưởng, loạn thần. Thậm chí, nhiều em thiếu tiền chơi game đã cướp của, giết người, tống tiền người khác. Theo nhiều nghiên cứu, tỷ lệ người mắc các bệnh liên quan tới game đang tăng mạnh và ngày càng trẻ hóa. Có đến khoảng 70% người chơi game có các dấu hiệu về sức khỏe tâm thần với các biểu hiện trầm cảm, lo âu, thậm chí hung hăng. Trong số này, có khoảng 15% có ý tưởng muốn tự sát.

Ngoài ra, các chuyên gia công nghệ  còn đưa ra cảnh báo nguy cơ an ninh mạng bị tấn công bởi trò chơi Pokemon. Trao đổi với báo chí, Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng của Tập đoàn Công nghệ Bkav Ngô Tuấn Anh cho biết: “Hiện nay, các chuyên gia công nghệ của Tập đoàn Công nghệ Bkav đã phân tích một số ứng dụng Pokemon Go giả mạo và đã tìm thấy mã độc có khả năng kiểm soát hoàn toàn thiết bị Android của người dùng”.

Ông Ngô Tuấn Anh chia sẻ thêm, để chơi game Pokemon Go, người chơi cần bật tính năng định vị (GPS) và camera. Như vậy, về mặt kỹ thuật, từ tập hợp các vị trí và hình ảnh xung quanh những vị trí đó, nhà sản xuất game có thể dựng lại thông tin bản đồ, địa hình thực tế chính xác từ những người chơi. Dữ liệu thu được nếu bị dùng vào mục đích xấu sẽ biến Pokemon Go trở thành một phần mềm gián điệp nguy hiểm. “Nếu người dùng chơi Pokemon Go tại những địa điểm quan trọng và nhạy cảm không được phép quay phim, chụp ảnh, các thông tin này có thể vô tình bị lộ. Đây chính là lý do nhiều quốc gia e ngại vấn đề an ninh khi những thông tin này bị sử dụng với mục đích xấu”-  ông Tuấn Anh nói.

Nhiều chuyên gia công nghệ nhận định Pokemon Go không phải là trò chơi giải trí đơn thuần. Đây chính là "công cụ cấp cao" mà công ty Niantic phát triển để thu thập các thông tin trên bề mặt Trái Đất. Với việc đòi hỏi hầu hết các quyền bao gồm: Truy cập vào camera,    microphone, con quay hồi chuyển, GPS, thiết bị cắm (bao gồm USB)... khi cài đặt, cũng như cách chơi theo dạng tương tác thực tế cho phép camera thu nhận mọi hình ảnh ngoài đời thực, hầu như mọi dữ liệu đều bị lưu lại, chủ yếu là hình ảnh và âm thanh.

Với những điểm đặc biệt như vậy, ông Nguyễn Chí Thành, Chánh Văn phòng Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam cho rằng, việc chơi Pokemon Go sẽ thật sự hữu ích đối với ứng dụng bản đồ của Google. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trò chơi này có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia khi người chơi đi vào khu vực cấm. Vì vậy, trò chơi này hiện vẫn đang bị cấm tại nhiều quốc gia.  

CHÂU ANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh