THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:08

Hậu Giang: Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả nhờ vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm

Đầu năm 2020, gia đình anh Bùi Bé Hai ở ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình (Phụng Hiệp, Hậu Giang) được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Quỹ Quốc gia về việc làm (QGVVL). Với số tiền này, anh thuê nhân công để trồng khóm (dứa). Sau hơn một năm chăm sóc, rẫy khóm của gia đình anh Bùi Bé Hai phát triển tốt, dự kiến sau Tết Nguyên đán Tân Sửu sẽ cho thu hoạch lứa đầu tiên. Ngoài ra, để có thêm thu nhập, anh Hai còn trồng thêm hoa súng đỏ. Thời gian qua, nhờ hoa súng có giá nên mỗi tháng gia đình anh Hai có thêm thu nhập vài triệu đồng. Anh Hai cho biết: “Do chúng tôi canh tác trên đất của nông trường nên việc thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn làm ăn rất khó khăn. Nhờ số tiền 50 triệu đồng vay từ Quỹ QGVVL, gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển sang trồng khóm và một số loại cây khác...”.

Cũng như gia đình nhà anh Bùi Bé Hai,  sau nhiều năm bám trụ với cây mía nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế, gia đình ông Nguyễn Văn Sĩ ở ấp Phương Thạnh cũng đã quyết định chuyển đổi sang trồng khóm. Tuy nhiên, do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm trong canh tác nên lợi nhuận thu về không cao. Biết tin địa phương có chính sách hỗ trợ vay vốn từ Quỹ QGVVL, năm 2019, ông Nguyễn Văn Sĩ làm thủ tục vay 50 triệu đồng và chuyển toàn bộ 6.000m2 đất trồng mía kém hiệu quả sang trồng khóm. Sau 18 tháng chăm sóc, gia đình ông Sĩ đã thu hoạch lứa khóm đầu tiên, năng suất đạt gần 7tấn/ha, được Công ty West Food bao tiêu với giá 5.700 đồng/kg. Trừ hết các khoản chi phí, gia đình ông Sĩ thu được 150 triệu đồng từ việc trồng khóm. Ông Nguyễn Văn Sĩ chia sẻ: “Trước đây trồng mía kinh tế gia đình tôi khó khăn lắm. Từ nguồn vốn vay của Quỹ QGVVL, gia đình tôi đã phá thế độc canh cây mía chuyển sang trồng khóm, nhờ vậy mới có cuộc sống ổn định như ngày hôm nay. Tôi đã thuê thêm 2ha đất để mở rộng diện tích trồng khóm. Nếu thời tiết thuận lợi thì sang năm việc trồng khóm sẽ mang lại cho gia đình tôi khoản thu nhập đáng kể”.

Mô hình trồng khóm (dứa) từ nguồn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm đã giúp nhiều gia đình ở Hậu Giang thoát nghèo

Mô hình trồng khóm (dứa) từ nguồn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm đã giúp nhiều gia đình ở Hậu Giang thoát nghèo

Ông Hồ Văn Phú, Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp cho biết, qua hai năm thực hiện mô hình điểm hỗ trợ người dân ấp Phương Thạnh vay vốn từ Quỹ QGVVL để trồng khóm mang lại hiệu quả tích cực. Lợi nhuận người dân thu được cao gấp nhiều lần so với những loại cây trồng trước đây. Năm 2019, tại ấp Phương Thạnh mới chỉ có 24 hộ vay vốn từ Quỹ QGVVL với số tiền 1,2 tỷ đồng, thì năm 2020 có thêm 74 hộ vay với số tiền hơn 2 tỷ đồng.

Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục trích một phần ngân sách ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, đồng thời tranh thủ nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để tiếp tục nhân rộng mô hình ra toàn huyện, tạo điều kiện cho nhiều hộ dân vay vốn nhằm phát huy hiệu quả tín dụng chính sách trên địa bàn, giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Hiện nay, ấp Phương Thạnh đã thành lập Tổ hợp tác nông nghiệp công nghệ cao West Food với 61 thành viên. Hầu hết các thành viên trong tổ đều tiếp cận được nguồn vốn vay từ Quỹ QGVVL. Đây được xem là tiền đề quan trọng giúp ấp Phương Thạnh nói riêng, huyện Phụng Hiệp nói chung tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Có thể thấy, Từ QGVVL, nhiều người dân ở Hậu Giang đã có vốn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần giúp địa phương trở thành vùng kinh tế nông nghiệp giàu tiềm năng; nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.Nhận thấy hiệu quả kinh tế của việc vay vốn từ Quỹ QGVVL để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều gia đình trước đây đi làm ăn xa nay đã trở về địa phương vay vốn phát triển sản xuất.

Diệu Ngọc

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh