THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 03:45

Hậu Giang: Đột phá phát triển nông nghiệp

 

 

 * Xin ông cho biết một số kết quả đã đạt được của tỉnh Hậu Giang trong nhiệm kỳ vừa qua ? 

- Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng, hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra (có 14/19 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 5 chỉ tiêu đạt kế hoạch). Trong đó, nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt bình quân 13,5%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa; tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ tăng. Quá trình đô thị hóa tại địa phương khá nhanh, tỷ lệ đô thị hóa tăng dần từ 21,3% năm 2010 lên 24,7% năm 2015, bình quân mỗi năm tăng 0,68%, đạt yêu cầu của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đời sống nhân dân đã có bước cải thiện khá rõ nét, giá trị gia tăng bình quân đầu người năm 2015 đạt 36,5 triệu đồng/người (tương đương 1.699 USD), gấp 2,3 lần so với năm 2010 và bằng 81% mức bình quân của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đáng lưu ý, giai đoạn 2010- 2015, công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn tại địa phương có nhiều chuyển biến, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tăng, nông nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển khá toàn diện, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch dần theo hướng tích cực; giá trị sản xuất khu vực I tăng bình quân 6,64%/năm, giá trị tăng thêm tăng bình quân 3,86%/năm (kế hoạch từ 3,5- 4%). Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, địa phương cũng đạt nhiều kết quả nổi bật: Tổng vốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới đạt 14.233 tỷ đồng; triển khai xây dựng 12 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới, chiếm 22,2% tổng số xã trong tỉnh, trong đó thị xã Ngã Bảy được công nhận “đạt chuẩn nông thôn mới”.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trần Công Chánh trao quà cho gia đình chính sách.

Các lĩnh vực khác như an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội.

* Hậu Giang là tỉnh thực hiện chính sách an sinh xã hội khá tốt, đặc biệt trong thực hiện chính sách với người có công và người nghèo, thưa ông?

- Tại Hậu Giang công tác giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm thường xuyên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,23% vào năm 2015. Hiện toàn tỉnh có 24.519 đối tượng bảo trợ xã hội; trên 10.000 đối tượng chính sách đang hưởng trợ cấp hàng tháng, trong đó có: 1.438 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 3.000 thương binh, bệnh binh, gần 4.800 thân nhân liệt sĩ và 1.600 người có công giúp đỡ cách mạng trong kháng chiến...

Trong nhiều năm qua, với tinh thần trách nhiệm và lòng biết ơn đối với người có công với cách mạng, các cấp chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong tỉnh luôn làm hết sức mình để các thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng có được cuộc sống ổn định về vật chất, thoải mái về tinh thần. Toàn tỉnh đã có trên 5.000 ngôi nhà tình nghĩa được xây dựng mới, hơn 500 căn được hỗ trợ sửa chữa. Nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh được xây dựng khang trang với kinh phí gần 50 tỷ đồng.

Ông Trần Công Chánh tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó.

Địa phương cũng phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh tạo điều kiện để đối tượng người có công được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và các mô hình làm ăn có hiệu quả thông qua các chương trình kinh tế, xã hội của địa phương, nhằm phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Đến nay, 100% hộ gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư cùng nơi cư trú...

* Xin ông cho biết định hướng phát triển của địa phương trong giai đoạn 2016 - 2020?  

- Giai đoạn 2016 - 2020, triển khai Nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hậu Giang đã xây dựng 4 Chương trình hành động: Đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; cải cách hành chính, xây dựng hệ thống chính quyền và phòng chống tham nhũng, lãng phí; đào tạo nguồn nhân lực, phát triển khoa học - công nghệgiáo dục đào tạo; thực hiện chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững. Theo đó, sẽ có một số đề án, kế hoạch, cơ chế, chính sách cụ thể được xây dựng và ban hành cho từng hành động cụ thể.

Vấn đề tôi tâm đắc nhất bấy lâu nay cũng khiến Ban Chấp hành Đảng bộ Hậu Giang trăn trở là làm sao tạo bước đột phá mới trên lĩnh vực phát triển nông nghiệp; đặc biệt là ứng dụng công nghệ mới để sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, có sức cạnh tranh cao! Trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, nhất là khi Hiệp định TPP có hiệu lực, việc tập trung chăm lo cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt là nông nghiệp và vấn đề giá trị sản xuất nông nghiệp là hết sức căn bản. Điều này được thể hiện qua giá trị của từng sản phẩm nông sản làm ra, chúng ta có đủ sức cạnh tranh với các nước trên thế giới. Trong đó cần chú trọng việc xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, chăm lo đời sống cho nhân dân, tạo ra một diện mạo nông thôn mới gắn với xây dựng các xã đạt chuẩn nông thôn mới. Có như thế mới giải quyết căn bản được lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Vấn đề thứ hai chúng tôi rất quan tâm, đó là chăm lo cho sự nghiệp giáo dục đào tạo, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào lĩnh vực công tác của mình, nhằm tạo ra giá trị mới của từng sản phẩm. Do đó, việc xây dựng đề án, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực hết sức quan trọng, cần ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Vấn đề cải cách hành chính cũng được Đảng bộ Hậu Giang quan tâm, nhằm cải cách hành chính, giảm bớt phiền hà cho các tổ chức, cá nhân khi quan hệ công việc với các cơ quan công quyền. Trong đó, cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có kiến thức, có trình độ,  có tâm, có tầm, phục vụ tốt cho nhân dân.

* Trân trọng cảm ơn ông!

NGỌC TÁNH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh