Hậu Giang đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 1%/năm
- Dược liệu
- 10:30 - 16/03/2023
Để tiếp tục triển khai chương trình, cuối năm 2022, tỉnh Hậu Giang cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2022 - 2025. Việc nâng chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025 sẽ làm tăng số hộ nghèo cũng như tỷ lệ hộ nghèo lên cao so với hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2016 - 2020.
Hiện tỉnh Hậu Giang cũng đối mặt với nhiều khó khăn trong việc triển khai giảm nghèo. Bởi số hộ nghèo dân tộc thiểu số và các vùng khó khăn chiếm tỷ lệ cao; hộ nghèo thuộc đối tượng gia đình chính sách, người có công, bảo trợ xã hội,… khó có khả năng thoát nghèo vì không còn sức lao động, hoàn toàn dựa vào sự trợ cấp của Nhà nước, sự hỗ trợ của cộng đồng.
Bên cạnh đó, địa phương cũng đối mặt với nhiều những khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh... Do vậy, để đảm bảo thực hiện Chương trình đạt hiệu quả, cần phải có nguồn lực đầu tư khá lớn.
Để giảm nghèo, tỉnh xác định sẽ tập trung huy động các nguồn lực xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo, cận nghèo và phát sinh nghèo; tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn khó khăn, khu vực nông thôn. Qua đó, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin; thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025.
Cụ thể, tỉnh đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh bình quân từ 1%/năm. Giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số trên 2%/năm. Mục tiêu dài hạn tới năm 2025, phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo và cận nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia. Phấn đấu hỗ trợ xây dựng, nhân rộng 20 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Tỉnh đặt mục tiêu 80% người có khả năng lao động được nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp nhằm đổi mới phương thức sản xuất, tăng thu nhập. Phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất 1 thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững.
Dự kiến tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2022 - 2025 (vốn sự nghiệp) là hơn 67,3 tỷ đồng. Chương trình được triển khai đồng bộ ở nhiều nội dung. UBND tỉnh cũng thành lập ban chỉ đạo, yêu cầu tất cả tổ chức, đoàn thể, ban ngành vào cuộc thực hiện giảm nghèo. Ngoài ra, tỉnh cũng phấn đấu tập huấn kiến thức, nâng cao kỹ năng cho 100% cán bộ làm công tác giảm; lập kế hoạch có sự tham gia, xây dựng kế hoạch phát triển cộng đồng và nghiệp vụ giảm nghèo. Song song với đó là giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như: Việc làm (100% lao động hộ nghèo, cận nghèo được kết nối tư vấn việc làm); thiếu hụt y tế (100% hộ nghèo được tham gia BHYT); chiều nước sạch; thông tin; thiếu về giáo dục, đào tạo...
Trong Chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Hậu Giang cũng đặt mục tiêu đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Theo đó, hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho người nghèo. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc, bảo vệ môi trường, tăng trưởng kinh tế và mục tiêu giảm nghèo bền vững.