Hát múa ăn mừng dưới cây bông được công nhân là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia
- Văn hóa - Giải trí
- 18:18 - 27/11/2018
Lễ hát múa ăn mừng dưới cây bông (Kin Chiêng Boọc Mạy) là một nét đẹp văn hóa tinh thần độc đáo, lâu đời của cộng đồng người dân tộc Thái ở thôn 1, thuộc làng Roọc Răm, xã Xuân Phúc (Như Thanh). Hàng năm, vào ngày rằm tháng Giêng, người Thái ở xã Xuân Phúc thường tổ chức lễ hát múa để nhân dân bày tỏ tấm lòng với tổ tiên, trời đất, mong muốn mưa thuận, gió hòa và mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân trong vùng.
Lễ tục này không chỉ có ý nghĩa quan trọng cố kết cộng đồng để tạo nên sức mạnh chiến thắng thiên tai địch họa mà còn có ý nghĩa giáo dục và nhân văn cao cả. Ngày nay, “Kin Chiêng Boọc Mạy” đã trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống người Thái xã Xuân Phúc và khá hoàn chỉnh về nghệ thuật trình diễn. Nét đặc sắc nhất trong Lễ hội “Kin Chiêng Boọc Mạy” - Hát múa ăn mừng dưới cây bông chính là việc hát múa dưới cây bông. Lúc này, cây bông chính là vật trung tâm trong lễ "Kin Chiêng Boọc Mạy”.
Độc đáo Lễ hội hát múa dưới cây bông
Cây bông được làm bằng tre hoặc luồng, hoa cây bông được làm từ cây dâu, cây sắn, cây chục bục với các hình chim, thú, dụng cụ lao động sản xuất. Tùy thuộc vào thế hệ nhà Mo mà cây bông được làm 3, 5, 7, 9, 12 tầng. Hiện cây bông trong Lễ hội “Kin Chiêng Boọc Mạy” ở làng Roọc Răm, xã Xuân Phúc được phép làm 9 tầng (tức là đã trải qua 9 đời thầy Mo), với hàng ngàn hoa đồng tiền từ 30 đến 40 cánh. Mỗi cây bông được đồng bào ví như một số phận con người, mỗi bông hoa là một mùa vụ.
Lễ hội “Kin Chiêng Boọc Mạy” - Hát múa ăn mừng dưới cây bông có sức sống lâu bền và trở thành tâm thức dân gian trong đời sống của nhiều thế hệ người Thái. Lễ tục này thường kéo dài từ 1 đến 3 ngày đêm, nhằm thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt tinh thần của các tầng lớp nhân dân trong làng bản. Trong ngày này, cộng đồng người Thái còn mời cả người Mường, người Kinh sinh sống trong làng bản đến dự lễ hội.
Người Thái coi đây là một sinh hoạt văn hóa nghệ thuật của cộng đồng vì thế mà mọi người trong làng, bản đều có quyền tham gia và hưởng thụ. Xuất phát từ mục đích thờ tướng quân Trần Công Bát ở đền Cấm và mong ước sự bình yên trong cuộc sống như khỏe mạnh, sống lâu, ấm no, hạnh phúc và trả ơn cho các đáng thần linh đã phù hộ cho cộng đồng dân làng làm ăn xây dựng cuộc sống trong suốt cả năm, vì vậy việc tổ chức tục lệ này không chỉ có ý nghĩa quan trọng về tính cố kết cộng đồng, trên tinh thần đoàn kết tạo ra sức mạnh chiến thắng thiên tai địch họa mà còn có ý nghĩa giáo dục tinh thần nhân văn cao cả.
Hình thức nghi lễ, trò diễn, vũ hội trong lễ tục đã thể hiện tính cộng đồng trang bản Mường rất chặt chẽ, đó là khát vọng tự do, bình đẵng, không phân biệt giai cấp, sang giàu, nghèo hèn, giữa người với nhau, giữa con người với trời đất, thần linh. Đó chính là nhân sinh quan, vũ trụ quan, thiên- địa- nhân hòa hợp- một ước mơ giản dị của con người đồng thời thể hiện khát vọng được hưởng thụ và sáng tạo: Người nhập vai “thần”, đóng vai “Mường trời” đã mượn cái huyền ảo” cái “linh thiêng” cái “uy” của “thần” để nói cái thực ở đời, răn dạy người đời điều chỉnh các hành vi văn hóa của con người, không làm điều ác, sống yêu thương nhau và làm điều tốt lành.
Những lời cúng thần linh, lời dặn cây bông, lời cây thuốc, lời các trò chơi, trò diễn thể hiện tư tưởng nhân văn cao cả của người lao động, đã góp phần điều chỉnh các hành vi văn hóa cá nhân và văn hóa cộng đồng. Ở đây người lao động đã mượn không gian của lễ hội, mượn tiếng nói của thần linh tạo ra thời điểm tự do nhất, mạnh nhất cho cộng đồng để cùng nhau vui chơi, nhảy múa, cùng nhau ăn uống và cùng nhau làm “thần” trong sáng tạo đầy thăng hoa. Không ai khác chính họ đã thõa mãn nhu cầu văn hóa cao cả của cộng đồng và của chính mình, đồng thời tạo nên tiến ngưỡng mang bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình.
Các đồ lễ trong sinh hoạt văn hóa Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy phản ánh loại hình nghệ thuật ẩm thực đặc thù của cộng đồng cư dân người Thái. Ở đây có sự góp mặt của nhiều loại sản phẩm kinh tế truyền thống từ nông nghiệp trồng trọt, đến chăn nuôi, săn bắn, hái lượm. Đặc biệt là hái thuốc chữa bệnh có ý nghĩa thiết thực cho đời sống của đồng bào. Các loại cây rừng, lá rừng, của rừng…được người xưa khai thác để phục vụ cho cuộc sống hàng ngày, ngoài ra nó còn có giá trị làm phong phú nền y học cổ truyền. Ngày nay, trên phạm vi thế giới, nhất là phương đông, khi mà phương thức chữa bệnh theo đông y ngày càng tỏ rõ thế mạnh và tính khoa học cao cả của nó thì vốn chi thức quý giá từ tục lệ này cần được nghiên cứu, khai thác dưới nhiều góc độ y học.
Với độc đáo riêng có một không hai, Lễ hát múa ăn mừng dưới cây bông (Kin Chiêng Boọc Mạy) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây là nguồn cổ vũ động viên lớn đối với chính quyền và nhân dân huyện Như Thanh phấn đấu xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong đời sống tinh thần của nhân dân, cũng như phục vụ phát triển du lịch.