Hào quang một thời và nước mắt hôm nay
- Văn hóa - Giải trí
- 17:27 - 22/12/2015
Tôi muốn được gọi họ là “cựu chiến binh” thay cho mấy từ “anh em phong trào” đã quen dùng, do chữ “phong trào” hiện nay nhiều khi hàm ý không hay (chỉ sự đua đòi, “a dua”, xốp nổi, chóng tàn...) khác xa “Phong trào đô thị” những năm 1954 – 1975, tập hợp những trái tim trẻ trung, tràn đầy nhiệt huyết, tự nguyện hiến dâng cho Tổ quốc. Và lớp thanh niên dám xả thân ngày ấy, tiêu biểu như các liệt sĩ Ngô Kha, Trần Quang Long, cả những tên tuổi mới qua đời mươi lăm năm trở lại đây như Bửu Chỉ, Thái Ngọc San..., rồi các anh chị còn sống đến hôm nay như nhà thơ Võ Quê, Lê Công Cơ (Lê Phương Thảo), Phan Duy Nhân, nhà báo Hoàng Thị Thọ, bác sĩ Xuân Quế, nhạc sĩ Miên Đức Thắng, các anh Nguyễn Hoàng Thọ, Huỳnh Phước, Lương Thanh Liêm... đều xứng đáng là những “cựu chiến binh” anh hùng vì đã là những chiến sĩ trên một mặt trận đặc biệt - chiến đấu giữa lòng đối phương có bộ máy đàn áp chuyên nghiệp với đủ loại vũ khí trong tay!
Cuốn sách “Lịch sử Phong trào Đô thị Huế 1954-1975” (NXB Trẻ, 2015) đã viết về lớp người ưu tú đó. Một cuốn sách đặc biệt, nên Thành ủy Huế tổ chức giới thiệu và tặng sách cho những người đã góp phần làm nên lịch sử một thời hào hùng trong các đô thị miền Nam trước năm 1975.
Trong buổi gặp gỡ hôm ấy, tôi chỉ là người... “ăn theo”, vì giai đoạn ấy tôi ở xa. Và mặc dù tôi đã ở nơi mũi nhọn của một mặt trận ác liệt trên miền Bắc (bảo đảm giao thông đoạn đường lên đèo Mụ Giạ nổi tiếng), tôi xin được nghiêng mình tỏ lòng kính phục các anh chị đã từng chiến đấu trong “Phong trào đô thị” trước đây. Nhắc lại một chút quá khứ của bản thân không phải để “khoe”, mà để làm bật nổi thêm tính chất cuộc chiến đấu đặc biệt của anh chị em hoạt động trong đô thị miền Nam trước 1975, hầu như không một tấc sắt cầm tay, đương đầu với đối phương được “trang bị tận răng” chỉ với “vũ khí” là lòng yêu nước, tinh thần quả cảm và lẽ phải, nhiều khi lại phải lén lút như làm việc phi pháp, phải giấu cả vợ con, bạn bè... Vậy mà nếu tôi không nhầm, đội quân này chưa được tôn vinh một cách xứng đáng.
Dù là người... “ngoài cuộc”, tôi tự tin viết những dòng này vì cùng trong năm 2015, được đọc hai cuốn sách của hai nhân vật nổi tiếng trong phong trào đô thị trước 1975: Cuốn hồi ký “Năm tháng tình người” của Lê Công Cơ (NXB Hội Nhà văn, 2015) và cuốn “Phan Duy Nhân - Thơ và Đời” (NXB Hội Nhà văn, 2015). Nếu cuốn “Lịch sử Phong trào đô thị Huế 1954-1975” trình bày toàn cảnh “mặt trận” đặc biệt này ở một trung tâm lớn của miền Nam thì hai cuốn sách vừa kể cung cấp rất nhiều những câu chuyện, tình tiết sinh động cùng những số phận cụ thể đã tỏ rõ phẩm chất anh hùng và sự hy sinh cao quý của anh em “phong trào” ngày ấy.
Xúc động trước những hy sinh khó kể hết, không chỉ của anh em “phong trào”, mà của cả các mẹ, các chị từng che giấu, nuôi dưỡng anh chị em giữa những lúc gian nan nhất, thầy giáo Phan Hữu Lượng từng là cựu sinh viên Trường Nghệ thuật Huế trước 1975, trong khi dẫn chương trình buổi giới thiệu cuốn sách tại hội trường Thành ủy Huế, ngày 6/12 vừa qua đã tuôn tràn nước mắt, nghẹn ngào một lúc lâu.
Gần nửa thế kỷ đã qua từ thời kỳ gian nan đó. Cuộc sống thay đổi đến chóng mặt, sự đua đòi chạy theo hưởng thụ vật chất ngày một lây lan càng dễ trùm lấp những hy sinh cao cả “ngày xưa”. Nhưng hôm nay, ở đây, thì không! Những gia đình có con em hy sinh trong “phong trào” đã được mời lên sân khấu nhận sách tặng trước tiên. Trong hàng người thay mặt những gia đình “có công với cách mạng” đó có ông già 100 tuổi N.T.T. Ông có con là liệt sĩ; còn bản thân ông bị ngồi tù nhiều năm, rồi được thả mà chẳng biết có tội gì!
Tôi bỗng nghĩ Phan Hữu Lượng đã rớt nước mắt còn vì những số phận oái oăm như thế! Mà đâu chỉ có N.T.T. Người hoạt động lẫy lừng như Lê Công Cơ (còn có tên là Lê Phương Thảo), từng giữ chức Chủ tịch Liên hiệp Sinh viên học sinh Giải phóng khu Trung Trung bộ (1963-1966), Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng (1964 - 1965); khi được cử ra hoạt động ở Thừa Thiên - Huế giữ chức vụ Bí thư Ban Thanh vận kiêm Bí thư Tỉnh Đoàn (1969 -1972), Ủy viên Thành ủy Huế (1972 -1976) sau 3 năm học Trường Nguyễn Ái Quốc, chuyển về công tác ở Mặt trận Tổ quốc Quảng Nam - Đà Nẵng, thì trớ trêu thay người đảng viên đã qua hàng chục năm thử lửa ấy - mặc dù được một số đồng chí lãnh đạo có uy tín ở Quảng Nam - Đà Nẵng như Bí thư Hồ Nghinh bảo vệ, bất ngờ bị đình chỉ công tác để điều tra, không phải một hai tháng mà 3 năm trời! Trong 3 năm, tức hơn 1.000 ngày, cứ thứ 7 mỗi tuần là phải đến T.26 ngồi viết tự khai, rồi “phải đi tìm lại những người đã cùng hoạt động hoặc là cơ sở do tôi tổ chức để họ xác nhận... Khổ nhất là những người cùng thời đã mất. Tôi lại phải gặp các anh Trần Anh Liên (lúc ấy ở tận Hà Nội), anh Hồ Nghinh... “Nếu ai nói đồng chí Thảo là CIA thì tôi xin lấy sinh mệnh chính trị của tôi bảo đảm ngàn lần không” - anh Trần Anh Liên viết...” (Trích từ sách “Năm tháng tình người”). Rút cục, không tìm ra chứng cớ gì, anh trở lại cơ quan cũ và có thể nói LCC đã lập thêm nhiều “chiến công” mới trong thời bình và nay là Hiệu trưởng trường Đại học Duy Tân nổi tiếng ở miền Trung!...
Còn Phan Duy Nhân, sau thời gian hoạt động ở Huế và Đà Nẵng, khi dẫn đầu đoàn biểu tình trong Tết Mậu Thân bị bắn gãy chân, rồi bị tù Côn Đảo suốt từ 1968 đến 1974, nhưng khi được điều ra Ban Tôn giáo của Chính phủ, chuẩn bị lên giữ chức Trưởng Ban (hàm Bộ trưởng) thì bị “ách” lại vì một “nghi án”, nhưng sau mới biết là lầm!
Đã đành, làm cách mạng thì phải cảnh giác, nhưng phải nghi ngờ cả đồng chí của mình thì thật đau xót. Mấy năm trước, nhà văn Tô Nhuận Vĩ, trong tiểu thuyết “Vùng sâu” (NXB Hội Nhà văn 2012 – tác phẩm vừa được giải thưởng trong cuộc thi tiểu thuyết 2011- 2015), cũng đã viết về sự đau đớn của một nhân vật hoạt động nội thành trung kiên, sau giải phóng được “ngồi chơi xơi nước” trước sự nghi kỵ của bà con, bạn bè... Mà với cả những anh hùng cống hiến lớn lao cho đất nước như Phạm Xuân Ẩn, sau ngày chiến thắng vẫn còn bị theo dõi nữa là...! (xin xem “Điệp viên hoàn hảo”, NXB Thông tấn, 2007). Có thể nói, đây là sự hy sinh lớn lao của những chiến sĩ hoạt động trong lòng đối phương mà không có sự vinh danh nào bù đắp nổi.
Phan Hữu Lượng đã khóc trên hội trường Thành ủy Huế có lẽ còn vì thế. Ánh hào quang một thời oanh liệt và cả những giọt nước mắt ngày gặp lại đều gợi nghĩ đến những điều sâu xa về cách sống của mỗi con người và cả về đường lối sử dụng đoàn kết mọi lực lượng yêu nước của dân tộc để đủ sức vượt qua những thách thức có khi còn gay go hơn “ngày xưa”...