THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 09:16

Hành trình những chuyến đi dài

 

Hery Luce một chủ bút vô cùng nổi tiếng và quyền lực ở Mỹ, từng có câu nói nổi tiếng: “Tôi trở thành nhà báo để có thể tiến gần tới trái tim của nhân loại”. Chúng tôi là nhà báo, chúng tôi phải đích thân đến tận nơi để tìm hiểu vấn đề mà chúng tôi muốn mang tới với độc giả. Tôi là người mới vào nghề, chưa có những đóng góp lớn hay những bài báo xuất sắc, nhưng tôi được bạn bè đồng nghiệp trong làng báo ở xứ Nghệ, đánh giá là người lăn lộn, chịu đi và chịu viết. Trong nhiều chuyến đi của chúng tôi, đã có rất nhiều câu chuyện xúc động và cũng có nhiều câu chuyện cười ra nước mắt.

Kỷ niệm chuyến đi điều tra tái trồng cây thuốc phiện ở biên giới Việt-Lào.

 

Còn nhớ năm 2010, lúc này tôi là người mới vào nghề, kinh nghiệm “chinh chiến” chưa nhiều. Đ3ầu tháng 6 năm đó, cơ quan cử tôi lên miền tây Nghệ An, điều tra về tình trạng tái trồng cây thuốc phiện. Lúc đó vì mới vào nghề, địa bàn nắm chưa rõ lắm, tôi rất lo lắng. Rất may lúc đó tôi gặp được đồng nghiệp Đình Tiệp, công tác tại báo Tài Nguyên và Môi Trường, là người bản địa. Tôi rủ Đình Tiệp cùng đi. Khi lên đến huyện Quế Phong, chúng tôi tìm hiểu qua nhiều người dân thì được biết xã Nậm Giải, giáp biên giới Việt-Lào là địa bàn tái trồng cây thuốc phiện nhiều. Chúng tôi vào UBND huyện, đề nghị được cán bộ huyện dẫn đường, chúng tôi được lãnh đạo huyện đồng ý ngay.

Sáng hôm sau, chúng tôi được một đồng chí cán bộ huyện dẫn đường. Đường đi vô cùng gian khổ, nên đi được một quãng thì chúng tôi dừng lại uống nước. Lúc này đồng chí cán bộ huyện mang điện thoại ra, gọi cho Chủ tịch xã Nậm Giải. Nói bằng tiếng Thái, có gỗ lạt và cây thuốc phiện thì mang giấu đi, nhà báo đang vào. Rất không may cho đồng chí cán bộ huyện là phóng viên Đình Tiệp lại là người đồng bào Thái, nên hiểu hết. Chúng tôi vẫn im lặng chẳng nói gì. Khi vào đến xã, chúng tôi nói thật là đã hiểu hết những gì các anh trao đổi với nhau. Sau đó được chủ tịch xã và cán bộ huyện dẫn lên tận rừng khu vực mà người dân lén lút tái trồng cây thuốc phiện. Huyện và xã đã nắm được nhưng yêu cầu nhổ bỏ chỗ này, bà con lại lén lút trồng chỗ khác. Chuyến đi đó chúng tôi rất thành công với loạt phóng sự điều tra ba kỳ và được cán bộ xã khen nức nở: “Nhà báo là phải, cái gì cũng biết, tiếng của đồng bào ta mà cũng nói được”.

Kỷ niệm những chuyến đi dài

Nhiều chuyến đi với rất nhiều kỷ niệm vui, buồn. Còn nhớ năm 2011, đầu năm tôi về quê chơi. Nghe mọi người kể về một anh trong xã bị tai nạn lao động rồi bị liệt hai chân, phải nằm một chỗ. Tôi đến nhà thăm, sau đó có viết một bài ngắn nhờ bạn đọc giúp đỡ. Sau đó nhiều bạn đọc, đọc được bài báo và gửi tiền ủng hộ gia đình. Lúc này tôi vẫn chưa biết tin. Cuối năm đó tôi về quê, ra chợ định mua ít trái cây về ăn, thì gặp vợ của anh ấy cũng đi chợ. Nhìn thấy tôi, chị buông bó rau đang cầm trên tay, chạy đến, nắm lấy tay tôi khóc, cảm ơn tôi vì đã giúp đỡ gia đình chị, để có tiền lo thuốc thang và lo ma chay khi anh qua đời. Thế là từ đó mỗi lần tôi về quê, nhà tôi lại rất đông khách, toàn những người có hoàn cảnh khó khăn đến nhờ viết báo.

Một kỷ niệm mà bao giờ nhớ lại tôi cũng rùng mình và cảm thấy mình thật may mắn, không chết trong vụ đó.

Đó là năm 2012, tôi cùng nhà báo Nguyễn Phê, báo Dân trí, nhận được tin báo của nhân dân là có một nhóm lâm tặc, lợi dụng một đơn vị đang khai thác gỗ theo kế hoạch được tỉnh giao để khai thác trộm gỗ. Chúng tôi quyết định lên đường, viết phóng sự điều tra: “Nhiều thủ đoạn khai thác gỗ trái phép”. Chúng tôi lặng lẽ vào sâu trong rừng và phát hiện nhiều phiến gỗ xẻ được giấu rất kỹ trong rừng. Sau đó chúng tôi đi theo một chiếc xe reo, chở ba cây gỗ lớn đường kính khoảng 1,2m. Chiếc xe đó là của lâm trường Cô Ba. Chúng tôi nghi người lái xe lại lén lút chở gỗ cho lâm tặc. Chúng tôi phát hiện được, khi chiếc xe chở gỗ ra bãi tập kết trung chuyển, thả hai cây gỗ xuống. Còn cây lớn nhất được chiếc xe reo, chở thẳng vào xưởng cưa trong rừng. Sau khi phát hiện ra, chúng tôi đang quay phim và chụp ảnh, thì mấy tên lâm tặc đuổi đánh. Chúng tôi chạy bán sống bán chết. Rất may cho chúng tôi là đã chạy đúng đường, khi gần đuối sức thì phát hiện ra trạm bảo vệ rừng của lâm trường Cô Ba. Sau này lâm trường Cô Ba báo cáo với sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn rằng đó là cây gỗ rỗng ruột bị đổ trong rừng nên anh em đưa ra cưa để đóng thúng xe. Còn số gỗ phiến trong rừng thì anh em xin vài tấm về làm nhà thôi, có gì nhiều đâu.

Những chuyến đi không thể nào quên. 

Và cũng năm 2012, tôi cùng nhà báo Đình Tiệp, đi điều tra ma túy và hàng giả hàng lậu tại làng buôn đồng nát từ Lào về. Chúng tôi được một người dân giấu tên báo rằng, những xe chở phế liệu từ Lào về. Tách heroin thành từng gói nhỏ, cho vào vỏ lon nước ngọt. Sau đó cho xe nghiền bẹp các vỏ lon nước ngọt. Khi về các xưởng tái chế thì cắt từng vỏ lon để lấy heroin. Và trong các xe đó thỉnh thoảng có chở thêm hàng lậu. Trong các xưởng tái chế đó thỉnh thoảng họ vẫn sản xuất hàng giả.

Tôi và nhà báo Đình Tiệp, đến làng đó khảo sát địa hình. Chờ khi trời tối, chúng tôi mật phục vài xưởng đèn mờ. Khi xe về, vào xưởng đổ phế liệu. Có khoảng 7 người vào bắt đầu phân loại phế liệu. Lúc này Đình Tiệp, chưa có kinh nghiệp “chinh chiến” nhiều nên đưa máy ảnh chụp nhưng lại để chế độ tự động. Khi bấm chụp thì đèn flat, lóe sáng. Thế là chúng tôi bị bắt vì đột nhập trái phép vào xưởng của gia đình họ. Chưa “làm ăn” được gì đã bị bắt và bây giờ không biết thoát thân bằng cách nào. Trời tối, bị giữ trong một xưởng tái chế phế liệu nằm giữa một khu công nghiệp nhỏ nhưng cũng mênh mông các xưởng tái chế phế liệu ầm ầm tiếng máy móc. Canh chúng tôi là đoàn khoảng hơn 20 thanh niên, đang trải chiếu uống rượu giữa sân. Hai chúng tôi lo lắng vô cùng. Thỉnh thoảng lại có người đi vào chỉ mặt hỏi: “Bây có biết choa bỏ ra đây mấy chục tỉ không hả, định phá hả?”. Chúng tôi chỉ khai là sinh viên ngành môi trường đi thực tập thôi.

Sau một hồi lâu, không nghĩ ra được mưu gì để thoát, tôi xin được đi tiểu. Mấy người canh nhất quyết không cho. Nhưng khi tôi bí thực sự thể hiện trên khuôn mặt thì họ cũng cho đi tiểu. Tôi mừng lắm vì vẫn còn giấu được một chiếc điện thoại nhỏ trong túi quần. Khi vào nhà vệ sinh tôi đã nhắn tin cho một người bà con làm ở công an huyện đó. Sau đó chúng tôi được một đồng chí công an xã xuống giải lên xã, thông cảm, trách móc, rồi xin lỗi và đưa chúng tôi về huyện.

Sau này không làm được bài điều tra đó, nhưng chúng tôi viết được vấn đề ô nhiễm môi trường và nhà báo Đình Tiệp đã đạt giải A báo chí viết về môi trường sau phóng sự điều tra nhiều kỳ về ô nhiễm môi trường trong chuyến công tác này.

Những chuyến công tác dài ngày của chúng tôi, có rất nhiều câu chuyện, rất nhiều kỷ niệm khó có thể kể hết được như chuyến đi làm phóng sự điều tra về bát nháo tìm mộ liệt sỹ bằng tâm linh ngoại cảm mà chúng tôi đã đạt giải C giải báo chí Quốc gia, hay đi điều tra về lao động nước ngoài tại Nghệ An với nhà báo Trần Hoài, báo Quân đội nhân dân…Đây chỉ là một vài kỷ niệm vui vui xin được tâm sự cùng bạn đọc nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam. 

HOÀNG TÙNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh