Số vụ bị quấy rối tình dục khi đi xe buýt tại Hà Nội giảm
- Dược liệu
- 13:34 - 28/06/2018
Tài liệu tập huấn "Thủ lĩnh của sự thay đổi".
Ngày 27/6, tại Hà Nội, Tổ chức Plan International Việt Nam, Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH), Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội (TRAMOC), Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng (LIGHT), UBND huyện Đông Anh tổ chức hội nghị sơ kết “Hành trình đến với ước mơ – Thành phố an toàn cho trẻ em gái”.
Bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý chương trình vùng Hà Nội Plan International Việt Nam phát biểu tại hội nghị.
Chương trình "Thành phố an toàn cho trẻ em gái" được thiết kế để đáp ứng với các thách thức ngày càng gia tăng của vấn đề đô thị hóa thông qua việc trao quyền cho các em gái, đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa các bên liên quan để xây dựng các cộng đồng trở nên an toàn và thân thiện hơn. Chương trình cũng nhằm giải quyết các vấn đề gốc rễ của xã hội dẫn đến nguy cơ không an toàn của các em gái cũng như hướng tới việc chuyển đổi các quan niệm, định kiến xã hội đã củng cố các phân biệt về giới và tình trạng bạo lực trên cơ sở giới.
Từ năm 2012, Tổ chức Plan International hợp tác với tổ chức UN HABITAT và Women in Cities thực hiện sáng kiến xây dựng "Thành phố an toàn với trẻ em gái". Đến nay, từ 5 thành phố ban đầu: Hà Nội, New Delhi, Kampala, Cairo, Lima, Tổ chức Plan International đã nhân rộng mô hình đến 8 thành phố khác và dự kiến sẽ phát triển mô hình tại 20 thành phố của các nước chưa phát triển và đang phát triển trên toàn cầu.
Bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý chương trình vùng Hà Nội Plan International Việt Nam cho biết, trong 4 năm, dự án đã đầu tư ngân sách 17,32 tỷ đồng để thực hiện dự án “Thành phố an toàn cho trẻ em gái” tại TP. Hà Nội. Dự án đã giảm được tỷ lệ các em gái bị quấy rối tình dục từ 31% năm 2014 xuống còn 19% năm 2018 và giảm được số người cho rằng việc 1 em gái bị quấy rối tình dục trên xe buýt không phải là việc của họ từ 20% năm 2014 xuống còn 9% năm 2018 ở cả nam và nữ.
Một kết quả khảo sát của Plan International Việt Nam thực hiện tháng 6/2013 cho thấy, 31% trong tổng số 1.128 em gái được hỏi đã từng bị quấy rối tình dục khi đi xe buýt và chỉ có 13% em gái và 8% em trai cho rằng các em luôn có cảm giác an toàn nơi công cộng.
Ngoài ra, 62% cán bộ nhà nước, 45% hành khách nam và 49% hành khách nữ được hỏi cho rằng quấy rối tình dục là một nguy cơ. Có tới 45% số người được hỏi cho biết, họ không làm gì cả khi nhìn thấy những sự việc ở nơi công cộng và 20% không can thiệp khi thấy em gái bị quấy rối trên xe buýt.
Đặc biệt, nhận thức của một bộ phận lái xe, phụ xe buýt đã được thay đổi. Hầu hết đều cam kết thúc đẩy an toàn của trẻ em gái ở cộng đồng đô thị. Có 58% lái xe phụ xe tham gia khảo sát năm 2018 cho biết họ đã cảnh báo nguy cơ bị xâm hại, quấy rối tình dục tại nơi công cộng cho hành khách.
Bà Trần Bích Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới: "Thành phố an toàn cho em gái" sẽ được triển khai nhân rộng đến 6 tỉnh, thành.
Sơ kết các hoạt động trong khuôn khổ Dự án "Thành phố an toàn - Thân thiện với trẻ em gái", bà Trần Bích Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới cho biết, dự án đã truyền thông và tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái với sự tham dự của hơn 100 đại biểu trong nước và quốc tế. Cùng với đó, dự án cũng đã xây dựng tài liệu hướng dẫn "Mô hình thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái". Hiệu đính và xuất bản bộ tài liệu của chương trình thành phố an toàn với trẻ em gái, 1.000 cuốn tài liệu dành cho cán bộ nhà nước; 1.000 cuốn tài liệu dành cho cán bộ, nhân viên ngành Giao thông vận tải; 7.750 cuốn "Em trai – Thủ lĩnh của sự thay đổi"; 9.300 cuốn "Em gái – Thủ lĩnh của sự thay đổi".
"Để đóng góp vào thực hiện đề án "Phòng ngừa và ứng phó bạo lực giới giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn 2030", không chỉ ở Hà Nội, sáng kiến "Thành phố an toàn cho em gái" sẽ được triển khai nhân rộng đến 6 tỉnh, thành phố gồm: Hải Phòng, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Cần Thơ, Khánh Hòa", bà Loan nhấn mạnh.
Tiểu phẩm "Hành trình thay đổi" do các em học sinh, sinh viên trường THPT Bắc Thăng Long, ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội thực hiện.
Liên hợp quốc ước tính vào năm 2030, cứ 3 người thì có 1 người sinh sống ở các thành phố, đô thị với ít nhất nửa triệu dân. Theo ước tính, vào năm 2030, sẽ có 700 triệu trẻ em gái sẽ sinh sống tại các khu vực đô thị trên thế giới. Báo cáo năm 2010 của Plan International toàn cầu cho thấy, khi sinh sống tại khu vực đô thị, các em gái sẽ có cơ hội được tiếp cận các dịch vụ giáo dục, nghề nghiệp, công nghệ tốt hơn, đồng thời, các em cũng phải đối mặt với các rủi ro cao hơn liên quan đến sự an toàn của các em khi sinh sống tại thành phố, đô thị. |