THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:14

Hành trình dẫn vốn đến với người nghèo

 

Số liệu thống kê từ NHCSXH, nguồn vốn tính dụng chính sách được giải ngân nhanh chóng, kịp thời, đến đúng đối tượng thụ hưởng giúp hàng triệu người nghèo và các đối tượng chính sách có vốn sản xuất kinh doanh, tạo thêm được việc làm, tăng thêm thu nhập, cải thiện và dần ổn định cuộc sống. Đến nay, đã có 187.151 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) của 4 tổ chức đang quản lý. Thông qua việc thực hiện dịch vụ ủy thác, các hội, đoàn thể có điều kiện củng cố tổ chức và thu hút hội viên; tham gia giám sát đảm bảo chính sách tín dụng được thực hiện công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả trong sử dụng nguồn lực của Nhà nước cho mục tiêu giảm nghèo...

Theo bà Hồ Lan Hương, Phó Giám đốc Ban Tín dụng người nghèo NHCSXH, tín dụng chính sách xã hội đang là một cấu phần quan trọng trong Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững. Tính đến ngày 31/7/2017, NHCSXH đang triển khai 23 chương trình tín dụng chính sách theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng và một số chương trình, dự án khác từ nguồn vốn ủy thác của địa phương và các tổ chức nước ngoài. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH đạt gần 166.433 tỉ đồng với hơn 6,7 triệu khách hàng còn dư nợ. Riêng chương trình cho vay hộ nghèo đạt gần 39.330 tỉ đồng (chiếm 23,63% tổng dư nợ các chương trình) với hơn 1,5 triệu khách hàng còn dư nợ. Mức dư nợ bình quân của một khách hàng đang vay vốn là 25,8 triệu đồng, so với mức cho vay tối đa 50 triệu đồng/hộ mới chỉ đạt một nửa.

Người dân vay vốn từ NHCSXH.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân – Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, thực tế 15 năm qua đã khẳng định nguồn vốn ưu đãi có ý nghĩa to lớn trong việc giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới. Bởi muốn thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới thì yếu tố quan trọng là phải có thu nhập, mà muốn có thu nhập thì phải thực hiện sản xuất kinh doanh, hoặc có việc làm. Sản xuất, kinh doanh (trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ) đều phải mua giống, phân bón, thức ăn, các vật tư khác... đều cần đến tiền cả. Nếu không có sự hỗ trợ từ nhà nước, từ các đoàn thể, họ buộc phải đi vay nặng lãi, dẫn đến nhiều trường hợp trở thành bi kịch, lại càng nghèo thêm, nhất là khi gặp phải thất bát...

Hội Nông dân đã có những chương trình hỗ trợ này, từ mua phân bón, vật tư đầu vào trả chậm, hoạt động hỗ trợ vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân. Nhưng nguồn lớn nhất, quan trọng nhất, tác động to lớn nhất, hỗ trợ các hộ nghèo, hộ chính sách vẫn là nguồn vốn từ NHCSXH. Nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH hiện nay với tổng dư nợ hơn 163.000 tỉ đồng, có mức lãi suất thấp, đang giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác khắp các vùng miền trên cả nước tiếp cận nhanh chóng, đến đúng đối tượng thụ hưởng. Đây không chỉ là nguồn lực, mà còn là niềm tin và là động lực mạnh mẽ giúp họ vươn lên thoát nghèo... Nguồn vốn này cũng đã góp phần rất tích cực đẩy lùi bớt nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Cũng theo thông tin từ ông Thắng, đến hết tháng 7/2017, Hội Nông dân Việt Nam quản lý 60.633 Tổ TK&VV với trên 2,1 triệu hội viên, nông dân. Dư nợ tín dụng chính sách ủy thác qua Hội đạt 52.850 tỷ đồng, chiếm 32,28% tổng dư nợ của NHCSXH ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội. Tác động của tín dụng chính sách đối với công cuộc giảm nghèo bền vững trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn hơn 10 năm qua là hết sức khả quan. Nhờ có nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời, các hộ nghèo nói chung, hội viên nông dân nghèo nói riêng có điều kiện để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đây là nhân tố tích cực nhất góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước từ 22% năm 2005 xuống dưới 10% năm 2006.

Bà Bùi Lan Anh, Trưởng Phòng Giảm nghèo, Ban Kinh tế, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thông tin, tính đến ngày 30/6/2017, tổng dư nợ tín dụng chính sách đơn vị nhận ủy thác là hơn 64.000 tỷ đồng hỗ trợ cho hơn 2,6 triệu hộ nghèo tại 71.000 Tổ TK&VV.

Liên quan tới nội dung về vay hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và hỗ trợ tín dụng chính sách trong lĩnh vực này, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Thanh niên nông thôn, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho biết, về nguồn vốn từ NHCSXH, Chính phủ đã có Nghị định 61/2015/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, trong đó có mục hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp. Các chương trình cho vay của NHCSXH đều thực hiện theo các Nghị định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Thủ tục và quy trình cho vay đã được NHCSXH đơn giản đến mức tối đa nhưng vẫn phải đảm bảo các quy định của pháp luật. Đối với những trường hợp vay vốn sản xuất kinh doanh mức trên 50 triệu đồng thì vẫn phải thực hiện các biện pháp bảo đảm tiền vay theo quy định hiện hành của pháp luật về giao dịch bảo đảm, đăng ký giao dịch bảo đảm.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh