THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:42

Hàng trăm cháu bé được cứu sống ngay “cửa tử”

Anh Phụng người thường tìm gặp những người phụ nữ lầm lỡ về chăm nuôi

Khóc, cười chuyện “cứu” bà bầu

Trước ngày ngược về Hà Nội, tôi gọi điện cho anh Phụng hỏi xem các anh có ở khu mộ Đồng nhi không để qua chào, anh bảo: “Chú chờ chút, tôi mang thức ăn qua cho mấy bà bầu rồi về liền”. Tôi giật mình, sao lại mang cơm? Sao lại có tới mấy bà bầu? Lúc này, tôi càng thêm tò mò về những con người “kỳ quái” nơi đây.

Qua hỏi chuyện “ngoại Tâm”, người dọn dẹp ở khu mộ, tôi được biết, trong quá trình đi thu gom các thai nhi xấu số bị bỏ đi, anh Phụng từng gặp nhiều người phụ nữ ngỏ ý muốn anh chôn cất thai nhi của họ sau khi phá bỏ, để bớt phần ăn năn. Ban đầu anh hơi sốc nhưng rồi anh quyết tâm bằng mọi cách thuyết phục những phụ nữ đó giữ lại những mầm sống của mình. Biết họ là những người lầm lỡ, nghèo khó nên anh thuê một khu nhà trọ nhỏ ven thành phố. Rồi anh đưa các bà bầu cơ nhỡ có ý định phá bỏ thai về nuôi. Đến khi “mẹ tròn con vuông”, anh để những người phụ nữ ấy về quê hương, làm lại cuộc đời. Còn những cháu nhỏ, anh gửi vào chùa nuôi hoặc cho những gia đình hiếm muộn nhận làm con nuôi.

Cứ thế, những trường hợp thai nhi được anh Phụng cứu giúp từ trong bụng mẹ đã lên tới con số 18. Có cháu bắt đầu vào mẫu giáo, có cháu năm nay đã đi học cấp 2 và xem anh Phụng như ba nuôi. Điều đáng nói, 18 người mẹ sinh ra các cháu đều được anh tự bỏ công, bỏ tiền ra nuôi từ khi có bầu đến khi sinh con. “Phải nuôi thôi, chứ các cô đó một thân một mình, chỉ nghĩ đến việc phá bỏ, tôi khuyên bảo nhiều các cô mới chịu để lại sinh”, anh Phụng nói.

Rồi tôi đi cùng anh đến thăm một bà bầu tên T., quê ở Đắk  Lắk mà anh đang chăm nuôi. Ban đầu T. rụt rè nhưng được anh Phụng động viên, chia sẻ, T. đã cởi mở hơn. T. chia sẻ, cô trót dại với người yêu và có bầu. Người yêu cô cũng còn trẻ tuổi nên không dám nhận trách nhiệm. Cô thì sợ lộ chuyện cả nhà sẽ bị làng phạt vạ theo phong tục địa phương nên phải trốn đi. Ban đầu T. định phá thai nhưng không đành. Rồi mọi người giới thiệu T. gặp anh Phụng và anh đồng ý chăm nuôi cô đến ngày sinh nở. Anh Phụng cũng hứa sẽ chăm nuôi cháu bé cẩn thận và T có thể về nhà sau khi sinh. Đó vừa là giải pháp cũng vừa là niềm động viên, an ủi lớn lao đối với T. lúc này.

Nhiều phụ nữ đã vượt qua sóng gió

Anh Phụng nói: “Thỉnh thoảng tôi lại qua thăm T. xem thai nhi có phát triển đều không, sức khỏe của hai mẹ con thế nào. Tôi cũng khuyên T. sinh ra hãy nuôi lấy con, nếu khó khăn quá tôi sẽ phụ giúp. Nếu T. nhất quyết bỏ con thì tôi đành gửi cháu vào chùa để nhận được sự chăm sóc”.

Hơn 10 năm qua, khi làm việc thiện này, anh Phụng cũng gặp nhiều chuyện trớ trêu, có cô không chỉ một lần mà có khi đến 3, 4 lần “lỡ dại”. Như trường hợp một cô bán vé số dạo, 3 lần mang thai ngoài ý muốn, 2 lần phá bỏ. Đến lần thứ ba, anh Phụng khuyên bảo và đứng ra chịu trách nhiệm lo thuốc men chăm sóc cho cô và thai nhi cho đến khi sinh. Khi sinh xong cô bán vé số vội đi mất, để lại anh và đứa bé mới sinh ba ngày tuổi. Rồi anh lại phải mang cháu bé lên chùa nhờ các sư cô nuôi dưỡng.

Nhân rộng yêu thương… 

Không riêng anh Phụng làm công việc này mà chính cha Đông, người sáng lập ra khu mộ Đồng nhi đã làm công việc chăm nuôi các bà bầu “lỡ dại” từ mấy chục năm trước. Thấy tình cảnh những người phụ nữ đi phá thai rồi những bà bầu lo sợ không có tiền sinh nở và nuôi con, cha Đông đã quyết định xây nhà tình thương cho các bà mẹ “trót dại”.

Mô hình này là cha đưa các cô gái trót mang bầu vào đây ở và cùng chăm sóc các bé mồ côi. Cha Đông hy vọng trong quá trình chăm sóc trẻ, những bà mẹ tương lai này sẽ có tình yêu thương với trẻ con và yêu thương đứa bé trong bụng mình, từ đó họ sẽ từ bỏ ý định phá bỏ bào thai.  

Từ năm 2004, ngôi nhà tình thương tại nhà tu của các nữ tu Chư Á, thành phố Pleiku đã đón cô gái mang thai đầu tiên. Hàng ngày các cô được giao làm những việc nhẹ nhàng để được khuây khỏa, quên bớt nỗi lo lắng ưu phiền. Trong đó, việc chăm sóc các cháu bé mồ côi được đặc biệt chú trọng để các bà mẹ này có dịp gần gũi, khơi dậy tình mẫu tử thiêng liêng. Tối đến, các bà mẹ tương lai này vẫn đọc kinh, cầu nguyện để tâm được an, thần được định.

Cháu Triệu con nuôi anh Phụng đã học tiểu học

Nhà tình thương mang tên Đồng Tâm xây cạnh Bệnh viện Gia Lai cũng xây dựng một mô hình tương tự: Ở đây có một nồi cơm tình thương do chính các bà mẹ “lỡ dại” đảm trách việc nấu nướng và chia cơm cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Công việc này giúp các bà mẹ có cơ hội tiếp xúc với những thân phận, cảnh đời đáng thương, mục đích là để đánh thức lòng trắc ẩn của họ, từ đó biết thương người thương mình mà bỏ đi ý định phá bỏ thai nhi.

Cứ như vậy, ngày nối ngày, nỗi buồn qua đi, rồi ngày “khai hoa nở nhụy” cũng đến. Những người mẹ sinh con ra nếu không nuôi thì cha Đông giữ lại nuôi. Rồi những người mẹ mang bầu khác lại tiếp tục chăm sóc các bé này. Lớn lên một chút, các cháu được cha gửi cho các nhà thờ, nhà chùa. Người mẹ nào sinh xong không chốn nương thân, ông nuôi cả mẹ lẫn con, giúp sức hỗ trợ tìm kiếm việc làm, chủ yếu vẫn là chăm sóc các cháu không cha không mẹ, hoàn cảnh éo le.

Số bà bầu “lỡ dại” được cha Đông cưu mang giúp đỡ đã lên đến hàng trăm người. Đến nay, cha Đông đã xây dựng được 3 ngôi nhà tình thương thương (2 ở Pleiku và 1 ở Kon Tum) để cưu mang những số phận lầm lỡ, những hoàn cảnh đáng thương.

Chiều Tây Nguyên tháng 10, mưa dai dẳng, tầm tã phủ xuống nghĩa trang hoang lạnh. Thế nhưng sau những cơn mưa nặng hạt ấy, người ta lại được nhìn thấy những con người thầm lặng xuất hiện từ trong “mái nhà” Đồng nhi, tay cầm những bó nhang nghi ngút hương khói, âm thầm cắm lên từng ngôi mộ, thắp sáng lên một vùng đất hoang vu, lạnh lẽo. Giây phút ấy, nghĩ về cha Đông, ông Sáu, ngoại Tâm, anh Phụng, anh Lễ, trong tôi dâng trào một cảm xúc, niềm vui và sự cảm phục…

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh