THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:21

Mối lo của doanh nghiệp nội

Tràn từ phố, vào siêu thị 

Trong hàng chục quốc gia có mối quan hệ thương mại với Việt Nam, Thái Lan luôn nằm trong top 10 thị trường lớn nhất. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan vừa công bố cho thấy, nhập khẩu (NK) của Việt Nam từ Thái Lan trong năm 2014 đạt 7,118 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2013, trong khi đó Việt Nam XK sang thị trường này chỉ đạt 3,48 tỷ USD.

Hàng hóa nước này “tấn công” vào thị trường Việt Nam chủ yếu tấn công phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình đến trung bình khá. Các cửa hàng chuyên bán các mặt hàng Thái đang ngày càng nhiều. Đến nay, hàng hóa made in Thái Lan không chỉ có mặt ở các cửa hàng trên phố mà đã tràn vào các siêu thị, có mặt trên tất cả các kênh phân phối tại thị trường Việt, trở nên quen thuộc đối với sự lựa chọn của người tiêu dùng, và là đối thủ cạnh tranh đáng gờm với hàng nội địa.

Hệ thống siêu thị Metro... "về tay" người Thái.  Ảnh: Mạnh Dũng

Mặc dù giá các mặt hàng Thái đắt hơn hàng Việt khoảng từ 10- 15% nhưng vẫn rất được lòng người tiêu dùng Việt, bởi theo TS. Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) nhận định: “Mẫu mã, chất lượng hàng Thái vượt trội hơn hẳn hàng trong nước. Tuy chỉ đắt hơn 10-15% nhưng chất lượng, độ bền gấp 3, 4 lần nên đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Để có được chỗ đứng như hiện nay, người Thái chuẩn bị khá bài bản cho chiến lược thâm nhập thị trường Việt Nam. Trước hết, ngay từ khi bắt đầu hình thành Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), người Thái đã đầu tư nhiều vào lĩnh vực sản xuất, hàng chế biến nông sản thực phẩm, đồ uống, kể cả một số lĩnh vực bao bì, logistic...

Hàng năm, tại các thành phố lớn của Việt Nam, hội chợ hàng Thái được tổ chức quy mô, thêm nữa, họ mạnh dạn đầu tư các cửa hàng tại các thành phố, thị trấn của Việt Nam... Từ làm ăn nhỏ, để người tiêu dùng Việt Nam quen dần với thương hiệu hàng Thái Lan, các doanh nhân Thái đã nhanh chóng phát triển làm ăn lớn, bằng cách mở rộng thị trường thông qua việc mua lại hệ thống siêu thị có tiếng tại Việt Nam”.

Như vậy, với thương hiệu tạo dựng được tại thị trường Việt Nam trước khi hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) trong năm 2015 (sẽ cắt giảm hàng loạt dòng thuế), thì việc hàng hóa Thái đã có thị phần nhất định tại Việt Nam sẽ có đà để xâm lấn mạnh hơn khi AEC hình thành. Đây là bước đi đã được tính toán bài bản của các doanh nghiệp Thái.

 Cần sự giúp sức DN Việt từ phía cơ quan quản lý  

Theo Bộ Công Thương, tính đến hết 2014, đã có hơn 200 thương hiệu quốc tế đăng ký nhượng quyền thương mại tại Việt Nam, trong đó Thái Lan có những bước đi ngoạn mục tại Thị trường Việt Nam. Đáng chú ý, năm 2014 là thời điểm Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ, nên ở hình thức kinh doanh nhượng quyền thương mại, Việt Nam đang chứng kiến Thái Lan mua lại hàng loạt các thương hiệu lớn, đáng chú ý nhất là mua lại Metro Cash & Carry, và mua 49% cổ phần Công ty Đầu tư Phát triển công nghệ và Giải pháp mới NKT (NKT) - đơn vị sở hữu Công ty thương mại Nguyễn Kim. Nguyễn Kim hiện có 21 siêu thị điện máy trên cả nước, chiếm thị phần bán lẻ điện máy hàng đầu tại Việt Nam.

Điều này dấy lên lo lắng ngoài các mặt hàng tiêu dùng, gia dụng và nông sản ra, nay đến lượt lĩnh vực điện máy- vốn đã phủ sóng hầu khắp các hệ thống phân phối tại Việt Nam - rất có thể năm 2015, thông qua hệ thống cửa hàng Nguyễn Kim, các mặt hàng điện máy của Thái sẽ chiếm lĩnh thị trường mạnh hơn nữa. Chẳng nói đâu xa, hàng chục năm qua, sản phẩm ô tô, xe máy, đồ điện tử nhập từ Thái Lan về luôn được ưa chuộng, tốt hơn hẳn sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam.

Chuỗi siêu thị Metro Cash & Carry với chiến lược sẽ bán 70% hàng hóa Thái Lan. Ảnh: Mạnh Dũng

Như vậy, ở mọi lĩnh vực, hàng Thái Lan đang dần thâu tóm.Trước bối cảnh này, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan đã rất nhiều lần cảnh báo, việc xâm chiếm thị trường nội địa và thay thế hàng Trung Quốc tại Việt Nam chỉ còn là ngày một ngày hai. Vì thế, theo bà Loan, đối sách quan trọng nhất để cạnh tranh trong bối cảnh xóa bỏ hàng rào thuế quan, thì DN Việt phải nâng cao chất lượng sản phẩm, không được làm ẩu, ham lợi trước mắt mà làm ẩu sẽ chỉ là “tham bát bỏ mâm”, đặc biệt DN nội phải tổ chức hiệu quả các chuỗi phân phối.  

Cùng chung nhận định, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương cũng cho rằng: “Trước sức cạnh tranh của DN nội còn yếu, nguyên do cũng là vì hàng nội chất lượng không ổn định, mẫu mã lại nghèo nàn, nên đánh mất lòng tin người tiêu dùng. Khi các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ phần lớn trong năm nay 2015, cơ quan quản lý phải dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ DN Việt. Phía DN cũng phải vươn lên, tìm tòi các phân khúc cạnh tranh hợp lý về giá cả, chất lượng, tiếp thị... để chiếm lĩnh thị trường”.      

Nguyễn Thanh

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh