CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:14

Hàng nội lép vế trước hàng ngoại ?

Hàng ngoại về chợ truyền thống…

Tại CitiMart, khu vực trưng bày thực phẩm công nghệ, bánh kẹo, nước giải khát... hàng ngoại chiếm đến hơn 70%; trong đó có nhiều mặt hàng được quảng bá là khuyến mãi "khủng". Tại hệ thống Maximark, tình trạng này cũng tương tự; thậm chí khu vực trưng bày hàng điện máy, điện gia dụng, bánh kẹo, nước giải khát, rượu, quần áo thời trang... hàng ngoại còn lấn lướt hơn hàng nội về số lượng và diện tích trưng bày.

Đặc biệt, khu vực trưng bày các sản phẩm sữa bột, sữa nước và các sản phẩm liên quan đến sữa có thêm rất nhiều loại mới, mà phần lớn xuất xứ từ nước ngoài. Chẳng hạn, nếu dòng sữa nước trước đây chủ yếu là hàng nội thì nay la liệt các sản phẩm mới nhập từ New Zealand, Đức, Hàn Quốc, Thái Lan...

Không chỉ chiếm ưu thế tại các siêu thị, gần đây nhiều sản phẩm như bánh kẹo nhập từ Trung Quốc, Indonesiaa, Malaysia, Thái Lan đã có mặt trên các cửa hàng, chợ truyền thống, kênh online.

Tại Hà Nội, có rất nhiều cửa hàng “made in Thái Lan” được người tiêu dùng lựa chọn làm điểm đến để mua sắm. Khảo sát trên một số tuyến phố như Cầu Giấy, Tô Hiến Thành, Pháo Đài Láng… cho thấy, các cửa hàng bán đồ Thái Lan có quy mô tuy không lớn nhưng lượng hàng hóa mua- bán khá đa dạng về chủng loại, từ giày dép, quần áo, mỹ phẩm, bột giặt, xà phòng đến bánh kẹo, mỳ tôm…

Đồ gia dụng nhập khẩu tràn ngập các siêu thịĐồ gia dụng nhập khẩu tràn ngập các siêu thị

Điều khiến hàng tiêu dùng Thái được người tiêu dùng chấp nhận và ưa chuộng là giá cả không quá cao như hàng Nhật, châu Âu, nhưng chất lượng ở mức khá tốt.

Do vậy, dù giá cả những mặt hàng này thường cao hơn khoảng 30-40% so với hàng sản xuất trong nước nhưng vẫn “được lòng” khách hàng. Đa phần hàng Thái Lan nhập vào Việt Nam chủ yếu là hóa mỹ phẩm, chất tẩy rửa, bánh kẹo, đồ hộp, quần áo, đồ nhựa và thậm chí cả phụ tùng xe máy.

Cạnh tranh khốc liệt giành thị phần

Theo cam kết Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) trong giai đoạn 2015-2018,  năm 2015 Việt Nam sẽ phải mở cửa gần như hoàn toàn cho hàng nhập khẩu từ ASEAN.

Như vậy, chính sách mở cửa về thương mại hàng hóa sẽ tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong nước, nhưng việc cắt giảm thuế cũng gây ra cuộc cạnh tranh khốc liệt cho các doanh nghiệp nội. Khi không thể cạnh tranh, khả năng mất thị phần của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường nội địa là hoàn toàn có thể.

Theo Hiệp định ATIGA, các nước trong khối ASEAN sẽ xóa bỏ thuế quan đối với phần lớn các mặt hàng, trừ nông sản chưa chế biến đưa về 0-5%. Đối với nhóm 4 nước: Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam, thuế suất được đưa về 0-5% đối với các mặt hàng thuộc danh mục cắt giảm từ 1/1/2009 và sẽ đưa về 0% từ 1/1/2015.

Hiệp định quy định rõ số dòng thuế được lùi thời hạn xóa bỏ thuế quan đến 2018 với 4 nhóm nước trên; đồng thời, cho phép tạm dừng hoặc điều chỉnh cam kết thực hiện nghĩa vụ cắt giảm, xóa bỏ thuế quan giữa các nước trong khối ASEAN.

Theo Bộ Tài chính, kể từ khi Hiệp định ATIGA có hiệu lực (ngày 17/5/2010), Việt Nam đã cắt giảm 6.859 dòng thuế (chiếm 72% tổng số trong biểu thuế xuất nhập khẩu) xuống thuế suất 0%. Từ ngày 1/1/2015, Việt Nam sẽ đưa thêm 1.720 dòng thuế (khoảng 18% tổng số dòng thuế) xuống thuế suất 0%.Số còn lại bao gồm 687 dòng thuế (chiếm 7% biểu thuế) sẽ xuống 0% vào năm 2018.

Chia sẻ với báo chí, Giám đốc Cty cổ phần Thực phẩm Nước giải khát Dona Newtower Đỗ Phan Thanh Bảo, cho biết: Khi thuế suất bằng 0%, hàng tiêu dùng các nước sẽ ồ ạt vào Việt Nam, trong đó có ngành nước giải khát. Doanh nghiệp nội địa ngành  này sẽ bị cạnh tranh khốc liệt.

Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, thuế quan dỡ bỏ ở một số ngành hàng là điều thuận lợi. Doanh nghiệp có thể giảm được chi phí, nâng cao tính cạnh tranh. Tuy nhiên, về cơ cấu mặt hàng, các Cty Việt sẽ cạnh tranh kém vì phụ thuộc vào việc nhập một số nguyên liệu trong khu vực, sản xuất xong rồi lại xuất sang nước họ.

"Đối với thị trường nội địa, doanh nghiệp Việt cần giữ thị phần thật tốt bằng giải pháp nâng cao chất lượng mẫu mã, chất lượng tiện ích, dịch vụ sau bán hàng… cũng như tìm thị trường ngách để đầu tư phát triển", TS Nguyễn Minh Phong nói.

Châu Anh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh