Hàng nghìn người chờ đợi Luật chuyển đổi giới tính được thông qua
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 13:41 - 28/12/2018
Hoa hậu Hương Giang là một trong hàng nghìn người chuyển giới mong mỏi Luật được thông qua.
Tại Hội thảo, bà Vũ Thị Thanh Nhàn, Trung tâm SCDI chia sẻ, trong quá trình tiến hành khảo sát nhu cầu và thực trạng về cung cấp dịch vụ cho người chuyển giới tại Việt Nam, kết quả cho thấy, phần lớn người chuyển giới đều đã từng sử dụng các dịch vụ y tế như uống hóc môn, phẫu thuật ngực, phẫu thuật bộ phận sinh dục… nhưng tất cả đều được thực hiện “trong bóng tối”.
Sở dĩ có tình trạng nêu trên theo bà Nhàn, là do một phần do rào cản về chính sách, rào cản về kỳ thị nên người chuyển giới gần như không có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế công. Vì vậy họ bất chấp rủi ro tính mạng tìm đến những dịch vụ không chính thức, dịch vụ chui hay sử dụng các thông tin không chính thức từ mạng xã hội hoặc các bạn chuyển giới khác.
“Rất nhiều người chuyển giới lựa chọn nước bạn Thái Lan để thực hiện phẫu thuật. Tuy nhiên điều này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi ngành phẫu thuật chuyển giới không được chính phủ Thái Lan công nhận. Nhiều bạn bay qua, bay lại Thái Lan để phẫu thuật nhưng khi có các vấn đề tai biến, bảo hành lại rất khó xử lý do cách biệt về khoảng cách địa lý”, bà Nhàn nói.
Chưa kể, theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, hiện có thực tế nhiều người chuyển giới thường tự mua hóc môn qua đường xách tay, qua mạng Internet, liều dùng do họ tự ấn định, nếu họ càng khao khát thay đổi, họ càng sử dụng nhiều… “Vì không có định hướng của bác sĩ chuyên môn, chất lượng, nguồn gốc hóc môn không đảm bảo nên nhiều bạn đã gặp tai biến không mong muốn, có bạn đã tử vong”, ông Nguyễn Huy Quang lo ngại.
Theo ông Quang, qua kết quả khảo sát, phần lớn những người chuyển giới nằm trong độ tuổi 21 - 30 tuổi, là độ tuổi có nhu cầu làm đẹp và yêu đương mãnh liệt nhưng học vấn và thu nhập của nhóm đối tượng này tương đối thấp. Trong khi đó, hầu hết cách dịch vụ làm đẹp, chuyển đổi giới tính… lại rất cao.
“Với chi phí cho một cuộc phẫu thuật nâng ngực có thể từ 70 -100 triệu đồng và phẫu thuật vùng kín dao động từ 300 triệu - 1 tỉ đồng là con số quá lớn so với thu nhập của phần lớn cộng đồng người chuyển giới. Nhiều người chấp nhận vay lãi và sống cả quãng đời còn lại trong nợ nần chỉ để có cuộc phẫu thuật như mong muốn”, Vụ trưởng Vụ Pháp chế nêu.
Bên cạnh dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, người chuyển giới gặp nhiều rào cản trong tiếp cận tư vấn tâm lý. Những người chuyển giới thường rơi vào trạng thái lo lắng, căng thẳng, sợ hãi, nhiều người bị trầm cảm, bi quan và có ý định tự tử nhưng không thể tìm được nơi giải thoát, lắng nghe. Điều này xuất phát từ việc hiện có rất ít các trung tâm tư vấn dành cho người chuyển giới.
Ths. Nguyễn Cao Minh, Viện Tâm Lý học cho biết, hiện có rất nhiều người chuyển giới gặp các vấn đề về tâm lý trước và sau khi phẫu thuật. Họ bị căng thẳng do giới tính sinh học không trùng khớp với bản sắc giới hoặc họ mong muốn được can thiệp chuyển đổi giới tính.
Ngay sau khi chuyển giới, họ cũng gặp nhiều vấn đề về tâm lý, việc sử dụng hóc môn cũng có thể khiến người chuyển giới chưa kịp thích nghi. Theo nghiên cứu, có từ 1 - 7 % người chuyển giới sau phẫu thuật cảm thấy hối tiếc, rối loạn tâm lý nghiêm trọng và có đến 2% có mong muốn tự tử.
Nhưng khi gặp các vấn đề tâm lý, họ lại không biết tìm ai hoặc ngại không biết tìm ai, kể cả người thân trong nhà. Nhiều gia đình đưa con đến bệnh viện nhưng không phải nghe tư vấn tâm lý mà để bác sĩ cố gắng chữa hết bệnh về giới cho con của họ”.
Thông tin về số lượng người Việt muốn chuyển đổi giới tính theo bà Định Thị Thu Thủy, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, hiện không thể có con số chính xác về số lượng người chuyển giới ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Con số 290-480.000 người hiện chỉ là số ước tính bởi người chuyển giới còn nhiều rào cản, không dám công khai mình.
Theo bà Thủy, người chuyển giới phải đối mặt rất nhiều khó khăn như sự kỳ thị, phân biệt đối xử, tình yêu hôn nhân, cơ hội việc làm, các vấn đề pháp lý cũng như rủi ro về sức khỏe. Do chưa được pháp luật công nhận, họ buộc phải sử dụng các loại thuốc hormone trôi nổi ngoài thị trường theo cách truyền tai nhau. Thậm chí, đã có 8-10 người chuyển giới chết vì những biến chứng phát sinh trong quá trình sử dụng hormone, tiêm silicon.
Bên cạnh đó, theo bà Thủy, hiện Bộ Luật Dân sự sửa đổi năm 2015 đã thừa nhận quyền của người chuyển giới, song chưa có các quy định cụ thể về các quyền ở các lĩnh vực khác nhau của người chuyển giới.
Cũng theo bà Thủy, hiện nhiều người chuyển giới Việt Nam đã phải chọn cách phẫu thuật ở những cơ sở chui hay tại các cơ sở y tế nước ngoài với chi phí đắt gấp 8-10 lần nếu được thực hiện và chăm sóc ngay tại Việt Nam. “Vì thế, khó khăn với những người này, chính là dù đã phẫu thuật thành công nhưng họ chưa được pháp luật Việt Nam công nhận”, bà Thủy nói.
Được biết, Dự thảo Luật Chuyển đổi Giới tính đang được Bộ Y tế soạn thảo và dự kiến trình Chính phủ và Quốc hội thông qua vào năm 2019 để người chuyển giới Việt Nam được sống và làm việc theo pháp luật.