CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:43

Đề xuất cho phép phẫu thuật chuyển đổi giới tính

 

Chỉ người độc thân mới được phẫu thuật chuyển giới

Tính trung bình mỗi người sử dụng hormone thay đổi giới tính theo đường tiêm hay uống mỗi năm tiêu tốn khoảng từ 1-17 triệu đồng. Người có mong muốn được chuyển giới phải chi trả kinh phí khoảng 4.000-5.000 USD (khoảng 90-110 triệu đồng), thậm chí là từ 30.000-35.000 USD (khoảng hơn 700 triệu đồng) cho một cuộc phẫu thuật chuyển đổi giới tính.

Nhằm bảo đảm quyền được sống đúng với giới tính của mình cho những người có mong muốn chuyển đổi giới tính,vừa qua, Bộ Y tế đã công bố  Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính để lấy ý kiến cộng đồng. Theo đó sẽ có ba phương án được đưa ra để công nhận các trường hợp chuyển đổi giới tính trong Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính gồm: Điều trị nội khoa bằng sử dụng hoóc môn; sử dụng hoóc môn và điều trị ngoại khoa (phẫu thuật) và giải pháp ba là không can thiệp gì về mặt y tế (sử dụng hoóc môn hoặc phẫu thuật ngực, bộ phận sinh dục) mà chỉ kiểm tra tâm lý theo bảng chuẩn, nộp đơn lên cơ quan có thẩm quyền ghi rõ nguyện vọng là có mong muốn được xác nhận là người chuyển đổi giới tính thì được công nhận là người chuyển đổi giới tính.

Với quy định tình trạng hôn nhân trước khi can thiệp y học để được công nhận là người chuyển giới, theo TS Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng sẽ có 3 giải pháp đề xuất, một là người độc thân chưa từng kết hôn; là người độc thân chưa từng kết hôn hoặc đã ly hôn; không quy định tình trạng hôn nhân (chấp nhận cả người đang trong tình trạng hôn nhân). Theo đó, phương án những trường hợp chưa kết hôn, đã ly hôn hoặc góa chồng/vợ thì sẽ có đủ điều kiện để chuyển đổi giới tính.

TS Nguyễn Huy Quang cho biết, thông thường, cá nhân phải trải qua 3 bước để được công nhận chuyển đổi giới tính, gồm: Tư vấn tâm lý để kiểm tra và xác nhận là có mong muốn chuyển đổi giới tính; sử dụng hormone; phẫu thuật ngực hay bộ phận sinh dục (can thiệp một phần) hoặc đã phẫu thuật cả ngực và bộ phận sinh dục (can thiệp toàn phần). Trong đó, bước 1 sẽ giúp cho người có mong muốn chuyển giới xác định được rõ mình là ai, mình thực sự có mong chuyển giới không, mình đã thử nghiệm vai trò làm người mới thế nào.

Về những trường hợp đã phẫu thuật bên nước ngoài có được công nhận tại Việt Nam hay không, ông Nguyễn Huy Quang cho biết, khi Luật Chuyển đổi giới tính có hiệu lực, các cá nhân sẽ phải đến cơ sở khám chữa bệnh được cấp quyền, trình giấy chứng nhận về y học đã chuyển đổi giới tính để xem xét và khám sơ bộ. Nếu được cấp giấy chứng nhận chuyển đổi giới tính, lúc đó, cá nhân sẽ ra cơ quan hộ tịch để thay đổi họ tên, giới tính, làm lại giấy khai sinh.

Người đồng tính có cơ hội được trở về dúng giới tính thật của mình

Phẫu thuật chuyển giới là một nhu cầu

Bà Đinh Hồng Hạnh, cán bộ pháp lý, Trung tâm ICS (Tổ chức làm vì quyền lợi của người đồng tính, song tính, chuyển giới), nhìn nhận phẫu thuật chuyển giới là nhu cầu thực tế đang diễn ra phổ biến. Pháp luật chưa cho phép nên nhiều người phải sang nước ngoài thực hiện với chi phí cao gấp 8-10 lần. Khi về nước họ lại gặp rất nhiều khó khăn về giấy tờ nhân thân bởi thông tin giới tính không trùng khớp với diện mạo mới. Những người không có điều kiện thì tự tiêm hormone, silicon hoặc phẫu thuật chui ở những nơi chưa được cấp phép, tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe. Thực tế từng xảy ra nhiều trường hợp tử vong.

Khảo sát về "Nhu cầu pháp lý của người Chuyển giới" do Viện nghiên cứu Kinh tế - Xã hội và môi trường (iSEE), Trung tâm ICS và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) thực hiện năm 2014, với 230 mẫu phỏng vấn trực tiếp ở Hà Nội và TP HCM. Kết quả cho thấy 78,1% người chuyển giới mong muốn phẫu thuật chuyển giới. 11,1% đã phẫu thuật ít nhất một bộ phận trên cơ thể (ngực, cơ quan sinh dục hoặc cả hai). Trong đó 100% các ca phẫu thuật liên quan tới bộ phận sinh dục thực hiện ở nước ngoài, 83,3% ca cấy và cắt bỏ ngực thực hiện trong nước.

Bày tỏ ý kiến về vấn đề này, Nguyễn Thiện Phong, một người chuyển giới từ nữ sang nam cho biết, việc cho phép thực hiện chuyển đổi giới tính ở Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho mình và các bạn trong cộng đồng được sống với giới tính mong muốn, song song đó là đổi tên trong giấy tờ cho phù hợp giới tính mới. Bên cạnh đó, việc cho phép chuyển giới không chỉ bảo vệ quyền được là chính mình của người chuyển giới mà còn đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe, giảm kỳ thị, giảm tệ nạn xã hội do người chuyển giới gây ra. Đồng thời ngành y tế có thêm một dịch vụ mới, hạn chế "chảy máu tiền tệ".

Còn bạn Susu - một chuyển giới nam - chia sẻ: “Việc thay đổi một con người về cơ thể sinh học, giấy tờ hộ tịch... là sự thay đổi lớn. Do đó, bắt buộc phải kiểm tra tư vấn tâm lý trước khi được công nhận là người chuyển đổi giới tính, giúp họ xác định rõ mình là ai, có thật sự mong muốn chuyển đổi giới tính, thử nghiệm vai trò làm người mới thế nào... Trên thực tế, có người sau khi chuyển đổi giới tính do chưa có sự chuẩn bị trước về tâm lý nên cảm thấy bị cô lập, bế tắc, trầm cảm dẫn đến tự tử...

Để đảm bảo phẫu thuật chuyển giới được quản lý chặt chẽ, không theo "phong trào" bà Đinh Hồng Hạnh đề xuất Việt Nam nên tham khảo mô hình Quy trình Chuyển giới hoàn chỉnh trong hai năm tại Mỹ. Theo đó, người muốn chuyển giới cần được tham vấn với bác sĩ tâm lý để xác nhận giới tính thật, sau đó dùng liệu pháp hormone, làm bài kiểm tra cuộc sống thực rồi mới phẫu thuật chuyển đổi giới tính nếu muốn.

MINH CHÂU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh