Hàng nghìn con heo bị tiêm thuốc an thần: Có 'vòng nguồn gốc' vẫn bị tiêm
- Dược liệu
- 02:44 - 01/10/2017
Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng thanh tra chuyên ngành Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ tin báo của nhân dân và sau hơn 1 tháng trinh sát, tối 28/9, Thanh tra Bộ NN&PTNN phối hợp với C45 Bộ công an đã tổ chức thanh tra đột xuất với cơ sở giết mổ Xuyên Á, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TPHCM.
Khi đột kích vào cơ sở này, cơ quan chức năng phát hiện có 2 nhân viên đang tiêm thuốc an thần cho heo, thuốc này là chất gây ngủ, ức chế thần kinh cho heo ngủ.
Qua kiểm tra, thuốc có dung dịch màu vàng trong chai nhựa có chứa thành phần Acepromazine, các mẫu nước tiểu có thì có đến 13/21 thương lái có heo dương tính với hoạt chất thuốc an thần với tổng cộng 3.750 con heo.
Trong đêm, lực lượng chức năng cho cơ sở này giết mổ 587 con heo không có chất an thần. Bên cạnh đó, các cơ sở có cam kết và tự nhận không có thuốc an thần vẫn lấy mẫu kiểm tra. Các hộ không cam kết thì yêu cầu giữ lại.
Đối với các thương lái bị phát hiện có chất an thần trong heo đã bị cơ quan chức năng lập biên bản xử phạt hành chính từ 30-35 triệu đồng. Trong đó, có 2 trường hợp thương lái đã cam kết không sử dụng chất cấm nhưng vẫn vi phạm bị lập biên bản xử phạt mức cao nhất là 35 triệu đồng mỗi trường hợp, 9 hộ còn lại phạt 32 triệu/hộ.
Heo bị tiêm thuốc an thần nằm ngủ li bì trong lò mổ Xuyên Á.
Thuốc an thần có thể gây nhiều bệnh
Theo ông Dũng, các thương lái tiêm thuốc an thần vào heo nhằm tạo màu sắc bắt mắt hơn, dễ tiêu thụ hơn. Khác với việc bơm nước vào để tăng cân, thu lợi bất chính.
Về công dục và tác hại, thuốc an thần được sử dụng trong điều trị, chống co giật, an thần, giảm đau… “Tuy nhiên, có nhiều tác hại như làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt đường tiêu hóa, thận, thần kinh, đãng trí… sử dụng lâu dài, lượng lớn sẽ phát huy tác hại. Việc tiêm thuốc vào heo là hành vi đáng lên án, kiến nghị với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp này để người dân an tâm”, ông Dũng nói.
Ông Đào Hà Trung, Chủ tịch hội công nghệ cao TPHCM cho biết, gần đây trong số các thương lái bị phát hiện tiêm thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ, có nhiều thương lái đã đăng ký đeo vòng truy xuất nguồn gốc thịt heo.
Ông Trung cho rằng, việc đeo vòng truy xuất nguồn gốc thịt heo chỉ là người tiêu dùng có thể bao quát được quá trình con heo được nuôi dưỡng cho đến khi giết mổ. Còn từ khi giết mổ đến lúc ra thị trường tiêu thụ thì vòng vẫn chưa được triển khai. Việc đảm bảo an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm của Chi cục thú y.
Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó chi cục trưởng chi cục Thú y TPHCM cho biết, từ đầu năm đến nay, cơ quan Thú y đã phát hiện 7 trường hợp tiêm thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ.
Về việc phát hiện heo bị tiêm thuốc lần này, hiện đơn vị đang phối hợp với cơ quan công an, yêu cầu các cán bộ thú y làm việc tại cơ sở giết mổ Xuyên Á viết giải trình. Nếu có dấu hiệu thông đồng với các thương lái sẽ xử lý theo quy định.
Trong số 13 thương lái bị phát hiện tiêm thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ, có nhiều thương lái đã từng cam kết không sử dụng chất cấm, đăng ký đeo vòng truy xuất nguồn gốc thịt heo. Lò mổ Xuyên Á cung cấp 50% lượng thịt tiêu thụ tại thị trường TPHCM. |