Hàng nghìn cơ hội việc làm cho lao động từ Hàn Quốc, Nhật Bản trở về
- Bài thuốc hay
- 13:59 - 21/07/2018
Về nước lương không cao nhưng không muốn ở lại cư trú bất hợp pháp
Ngay từ sáng sớm, Hội chợ thu hút khá đông người lao động đến đăng ký tìm việc. Tại bàn tư vấn, anh Trần Xuân Công (Văn Chấn, Yên Bái) cho biết đang tìm một công việc phù hợp sau khi từ Hàn Quốc trở về. Sang Hàn Quốc từ năm 2007, làm việc trong ngành nhựa, hết 4 năm 10 tháng theo hợp đồng, Công ở lại nhờ chính sách lao động trung thành cho đến 2017 mới trở về. Trong khi nhiều bạn bè bỏ ra ngoài làm chui thì Công quyết định trở về vì “Dù về nước không có được mức lương cao nhưng em không muốn mình trở thành người cư trú bất hợp pháp. Vả lại khi ra ngoài, cuộc sống nhiều rủi ro, không được pháp luật hỗ trợ, có thể bị xù lương nên nhiều khi bọn em phải cưu mang các bạn ấy".
Ban tổ chức nhấn nút Khai mạc Hội chợ
Công cho biết, khi ở Hàn Quốc được chủ sử dụng đối xử rất tốt, môi trường làm việc năng động và chuyên nghiệp lại được học hỏi nhiều về kỹ năng, với thâm niên 10 năm, mức thu nhâp cao gần 2000 đô la/ tháng (khoảng 45 triệu) nên khi về nước khá bỡ ngỡ, mọi thứ phải làm quen lại từ đầu. Đến Hội chợ, Công tìm một công việc trong ngành nhựa nhưng đang cân nhắc về mức lương. “Chỉ tiêu tuyển khá nhiều nhưng mức lương hơi thấp, em đang suy nghĩ xem có đủ cho cuộc sống,chi phí sinh hoạt hàng ngày không. Mặc dù mức lương có thể chưa được như mong muốn nhưng em muốn tìm được một công việc để mình được đi làm chứ ở nhà hơn một năm em chán lắm rồi. Nếu không phù hợp ở Việt Nam em sẽ lại tìm cách để sang Hàn Quốc làm việc”.
Cũng như Công, Ngô Văn Tịnh (Sóc Sinh) cũng làm việc ở Hàn Quốc trong 10 năm từ 2006-2016. Với thâm niên, biết việc và giỏi tiếng Hàn, mức thu nhập của Tịnh khoảng 30-40 triệu/ tháng, tuy nhiên, Tịnh cho rằng, mức thu nhập từ Hàn Quốc cao nhưng sẽ phải đánh đổi thời gian, công sức và cả tuổi xuân trong khi về Việt Nam thì sẽ được gần gia đình nhưng thu nhập sẽ phải chấp nhận thấp hơn. Sau khi về nước, lập gia đình, nhờ số tiền kiếm được từ những năm lao động bên Hàn Quốc mà Tịnh xây được nhà, phần còn lại mua xe chạy taxi. “Tuy nhiên, hơn 10 năm sống ở nước ngoài trở về, em rất bối rối vì phải bắt đầu lại, không tránh được những nhầm lẫn, sai sót, thua lỗ trong làm ăn, sau một năm cố duy trì, vừa rồi em đã phải bán xe và giờ đi tìm việc. Ở đâu thì phải chấp nhận theo đó, giờ em chỉ cần tìm một công việc với mức lương tầm 10- 15 triệu là ổn, rồi ở lại Việt Nam chăm sóc gia đình chứ không đi đâu nữa.”- Tịnh cho biết.
Người lao động trình bày nguyện vọng về công việc và mức lương với cán bộ Trung tâm Dịch vụ Việc làm
Vẫn có những vị trí việc làm với mức lương hấp dẫn dành cho người lao động
Bà Phạm Ngọc Lan- Phó Giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, tại hội chợ việc làm, người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS, thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản theo chương trình IM Japan về nước sẽ được tư vấn về việc làm và các kỹ năng phỏng vấn; tư vấn hướng nghiệp và các chính sách pháp luật; cung cấp thông tin thị trường lao động; đồng thời có cơ hội tìm kiếm, thay đổi việc làm, học nghề và xuất khẩu lao động; được tham gia phỏng vấn tuyển dụng trực tiếp với các nhà tuyển dụng là những doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Ngoài ra, người lao động còn được tham gia buổi tọa đàm tư vấn về việc làm do đội ngũ chuyên gia thực hiện với những nội dung thiết thực liên quan đến hướng nghiệp và việc làm.
Một doanh nghiệp liên doanh với Hàn Quốc tuyển lao động tại Hội chợ
“Phiên giao dịch việc làm với mục đích tạo cơ hội cho người lao động đặc biệt là những lao động đi làm việc tại Hàn Quốc và thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản về nước tìm được việc làm, có thu nhập để ổn định cuộc sống sau khi về nước. Đây cũng là một trong những giải pháp động viên, khuyến khích người lao động yên tâm về nước đúng quy định khi hết hạn hợp đồng lao động, góp phần làm giảm tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc và Nhật Bản”- Bà Lan cho biết.
Còn theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc TT Dịch vụ việc làm Hà Nội nguồn lao động từ Hàn Quốc, Nhật Bản trở về là những người cần cù, thông minh thích nghi nhanh với môi trường làm việc. Đồng thời, có tác phong làm việc chuyên nghiệp, có kỹ năng tay nghề cao và thành thạo về tiếng. Đây là cơ sở thiết yếu đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Hàn Quốc và Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam...
“Các vị trí tuyển dụng tại Hội chợ được đưa ra với mức lương từ 7-20 triệu tùy vị trí tuyển dụng. Đây là một mức lương tương đối hấp dẫn, là cơ hội để người lao động có thể tham gia vào thị trường lao động trong nước với một công việc ổn định và mức thu nhập tuy không cao như khi còn làm việc ở hàn Quốc và Nhật Bản nhưng so với mức thu nhập trong nước là tương đối cao và phù hợp với người lao động”- ông Thành cho biết.
Ban tổ chức trao giải cuộc thi "Lao động EPS tành công năm 2018"
Theo số liệu của Ban tổ chức, tổng số DN tham gia Hội chợ việc làm là 101 (trong đó 22 DN tại Sàn Hà Nội 215 Trung Kính, 45 DN tại các 12 Sàn vệ tinh của Hà Nội, 16 DN ở sàn Bắc Ninh, 8 DN ở Hải Dương, 5 DN ở Hòa Bình, 2 DN ở Thanh Hóa và 3 DN ở Bình Dương). Có 177 lao động EPS và 48 thực tập sinh tham gia với 179 lượt phỏng vấn, 136 người đạt sơ tuyển trên 6 Sàn giao dịch việc làm các tỉnh. Hội chợ kết hợp trao giải cuộc thi "Lao động EPS hồi hương thành công năm 2018" với giải nhất thuộc về anh Tạ Hữu Trang (Bắc Ninh) hiện đang là chủ xưởng sản xuất linh kiện đầu cốt chuyên cung cấp cho các côg ty điện lực. Giải nhì là anh Trần Văn Điềm, Quản đốc sản xuất cho CN công ty Dongju tại Việt Nam (TP. Hồ Chí Minh); Giải 3 là anh Nguyễn Quang Phượng chủ xưởng cơ khí tại Đông Anh và anh Nguyễn Văn Thuận chủ trang trại cây ăn quả tại Hải Dương. |