THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 08:01

Hàng ngàn đầu việc chờ người lao động những tháng cuối năm

Tính đến tháng 9 năm 2020, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến người lao động đang làm việc trong hầu hết các ngành, trong đó một số ngành có tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng lớn như: ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí (88,6%), dịch vụ lưu trú và ăn uống (81,7%), vận tải kho bãi (79,7%), hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (72,7%), công nghiệp chế biến chế tạo (70,1%), bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô và xe máy (68,5%), giáo dục đào tạo (68,5%), hoạt động kinh doanh bất động sản (67,8%). Trong đó,  lao động trong một số ngành dịch vụ như vận tải kho bãi, lưu trú và ăn uống, nghệ thuật, vui chơi và giải trí bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch COVID-19.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, với tốc độ tăng trưởng 2,62% trong quý III, mặc dù là mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, nhưng đã cho thấy, kinh tế đang dần phục hồi sau khi rơi vào điểm đáy trong quý II (chỉ tăng 0,39%). Điều đáng mừng là, tất cả các khu vực kinh tế đều tăng trưởng, đặc biệt là thương mại và dịch vụ - khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh - vẫn tăng 2,75% và xuất khẩu trong quý III tăng trưởng rất ấn tượng (tăng 11% so với cùng kỳ 2019, tăng 34,4% so với quý II).

Một điểm đáng lưu ý nữa là, niềm tin của khu vực doanh nghiệp chế biến, chế tạo vào triển vọng quý IV đã được cải thiện rất nhiều, với 82,5% số doanh nghiệp dự báo sản xuất tăng, 82,3% dự báo số lượng đơn đặt hàng trong quý IV tăng, 79,6% dự báo đơn hàng xuất khẩu mới tăng, nên có tới 88,5% số doanh nghiệp dự kiến tăng quy mô lao động hoặc ít nhất là giữ ổn định như quý III.

"Thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp, thu nhập của người lao động trong quý IV chắc chắn sẽ sáng sủa hơn so với quý III và 9 tháng đầu năm. Nhưng muốn giải quyết việc làm, tăng thu thu nhập cho người lao động, Chính phủ nên sớm triển khai gói hỗ trợ thứ hai", bà Hương đề xuất.

Hàng ngàn đầu việc chờ người lao động những tháng cuối năm - Ảnh 1.

Người lao động tham gia phỏng vấn xin việc tại Sàn giao dịch việc làm

Tập đoàn tuyển dụng và tư vấn nhân sự Manpower Việt Nam ngày 10/10 cho biết trong quý IV/2020, có nhu cầu tuyển dụng 1.000 lao động phổ thông để cung ứng cho các doanh nghiệp hoạt động các ngành nghề như: lắp ráp linh kiện điện tử, nhân sự làm kho bãi và nhân viên bán hàng thời trang…

Đặc biệt, các hợp đồng làm việc rất linh hoạt cho người lao động từ tạm thời, thời vụ, ngắn hạn, dài hạn và cả các vị trí thực tập sinh được hưởng lương. Dự kiến, mức thu nhập bình quân hằng tháng của người lao động từ 7 - 10 triệu đồng, cùng với nhiều chính sách hỗ trợ và ưu đãi khác như phụ cấp đi lại, nhà ở và thưởng quý…

Tại TP. HCM, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. HCM (Falmi) cho biết, xuất phát từ những tín hiệu tích cực về tình hình dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh tại TP. HCM hứa hẹn trong những tháng cuối năm 2020 sẽ có nhiều khởi sắc.

Theo dự báo của nhiều tổ chức, chuyên gia về lĩnh vực lao động – việc làm, ước tính trong quý IV năm 2020, TP.HCM  sẽ có khoảng 65.000 vị trí việc làm trống, tập trung ở các nhóm nghề: Kinh doanh - thương mại, dịch vụ vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng, chế biến lương thực - thực phẩm, dịch vụ phục vụ, công nghệ thông tin - bưu chính - viễn thông, điện - điện tử - điện lạnh, dịch tư vấn chăm sóc khách hàng, tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm, cần tuyển nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, các hoạt động xuất – nhập khẩu đang được cải thiện nhờ các nỗ lực mở cửa, phục hồi kinh tế của thị trường trọng điểm như EU, Hoa Kỳ. Đồng thời, hiệp định EVFTA vừa có hiệu lực, mở ra cơ hội lớn để Việt Nam tiếp cận thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới; Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đang dần khởi động, bắt đầu lên kế hoạch tuyển dụng lao động mới để phục vụ cho đợt sản xuất cao điểm cuối năm. 

HÀ PHƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh