CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:30

Hạng mục công trình dành cho NKT: Đừng để chính sách nằm trên giấy

Rất hiếm hạng mục dành cho NKT…

Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ NKT cao hơn so với các nước trong khu vực. Ngoài những rào cản mà NKT khó có thể hòa nhập xã hội như về tâm lý, giáo dục, việc làm và cả cái nhìn của xã hội..., hầu hết những NKT cho rằng, rào cản lớn nhất với họ chính là việc tiếp cận các công trình công cộng.

Khảo sát tại địa bàn Hà Nội cho thấy, hầu hết các công trình công cộng như bệnh viện, trường học, chung cư, công viên, siêu thị, nhà chờ xe buýt… có rất ít những hạng mục hỗ trợ lối đi, cũng như các biển chỉ dẫn dành cho người NKT, hoặc nếu có thì lại không đạt chuẩn, chưa tạo thuận lợi cho người sử dụng. Nhiều toà nhà, trung tâm mua sắm không có nhà vệ sinh dành cho NKT, trong khi các nhà vệ sinh thông thường lại không có tay vịn, hoặc diện tích không đủ rộng nên những người đi xe lăn không thể vào được. Chưa kể, hầu hết các toà nhà, trung tâm mua sắm lớn có lối dẫn lên các tầng bằng cầu thang cuốn, nhưng ngay cả những người lành lặn sử dụng cũng còn nguy hiểm nói gì đến NKT.

Qua quan sát, để lên được các tầng cao trong nhiều tòa nhà chung cư mới, người khiếm thị phải vất vả vượt qua những bậc thang ở tiền sảnh để vào được thang máy. Những người đi xe lăn nếu không có sự trợ giúp của người thân thì đành chịu thua. Tại các chung cư không có thang máy thì còn khốn khổ hơn, NKT muốn lên được các tầng trên chỉ còn biết trông chờ vào lòng tốt của những người xung quanh.

Vì không có lối đi riêng lên NKT phải luôn nhờ người trợ giúp mỗi khi ra đường.  

Không chỉ với nhà chung cư, mà ngay cả loại dịch vụ thông dụng nhất như xe buýt cũng được xem như một “rào cản” đối với NKT. Chị Nguyễn Thị Hiền (phường Trung Kính) tâm sự: “Tại các nhà chờ xe buýt hay cả trên xe buýt, cũng không lắp đặt, thiết kế, trang bị một số tiện ích hỗ trợ NKT. Do vậy, mỗi lần NKT lên xuống xe đều phải nhờ đến sự trợ giúp của nhân viên nhà xe, tuy nhiên không phải ai cũng là người dễ cảm thông với NKT, gặp phải những người hành xử thiếu văn hóa khiến chúng tôi càng tủi thân”.

NKT cần được bình đẳng về quyền lợi

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT, tạo căn cứ pháp lý khẳng định cam kết bảo vệ và thực thi quyền của NKT tại Việt Nam. Công ước đã đề ra mục tiêu đến 2020, 100% công trình là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục thể thao; nhà chung cư bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với NKT.

Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Thông tư hướng dẫn, ban hành kèm theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về “Xây dựng công trình đảm bảo NKT tiếp cận sử dụng”. Các công trình xây dựng để đảm bảo NKT tiếp cận sử dụng là nhà chung cư, công trình công cộng.

Vụ trưởng vụ Khoa học công nghệ & Môi trường (Bộ Xây dựng) Nguyễn Trung Hòa cho biết, việc triển khai xây dựng công trình tiếp cận cho NKT gặp một số trở ngại do nhận thức của các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn thiết kế, xây dựng công trình chưa cao. Hầu hết kiến trúc sư vẫn có thói quen thiết kế theo kinh nghiệm, không quan tâm các quy chuẩn, tiêu chuẩn, tâm lý e ngại giá thành công trình tăng lên...

Ông Lê Văn Thịnh, nguyên Trưởng phòng Giám định 1, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng: “Thời gian gần đây, tại một số công trình công cộng, tuyến đường mới được đầu tư đã quan tâm, thiết kế xây dựng đường dành cho người khiếm thị tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… nhưng sự cẩu thả trong thi công đã làm mất chức năng của đường này.” Theo lời ông Thịnh, trong quá trình đi kiểm tra các công trình, ông đã chụp lại được các bức ảnh mà các tuyến đường dành cho người kiếm thị bị thi công sai kỹ thuật về tiêu chuẩn gạch lát, nhiều đường dẫn không trùng vào vạch cho người đi bộ qua đường, nhiều đường đã đâm thẳng vào hộp kỹ thuật điện, hoặc chỗ đậu xe ô tô.

 NKT có quyền được sử dụng các công trình công cộng như những người bình thường khác một cách bình đẳng. Đó là quyền lợi chính đáng họ được hưởng chứ không phải do sự giúp đỡ hay ban ơn của xã hội. Việc NKT chưa được quan tâm đúng mức là do nhận thức của xã hội nói chung về quyền lợi của NKT chưa đầy đủ và còn nhiều hạn chế. Điều này đã khiến NKT thêm mặc cảm, khó hòa nhập với cộng đồng. Do vậy, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của mỗi người dân về quyền của NKT, đồng thời, nhà nước nên có chế tài và giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về xây dựng công trình tiếp cận NKT của các chủ đầu tư, tránh tình trạng quy định chỉ nằm trên giấy.

CHÂU ANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh