THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 01:43

Hàng loạt nhà thuốc bị đóng cửa có ảnh hưởng đến người bệnh?

 

Để chấn chỉnh hoạt động quản lý dược, bảo vệ sức khỏe người dân Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017 – 2020 cùng kế hoạch triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối những điểm cung ứng thuốc trên toàn quốc thông qua Cơ sở Dữ liệu Dược Quốc gia.

 

Đến nay, TPHCM có 94,5% số nhà thuốc kết nối Dữ liệu Dược Quốc gia


Hệ thống sẽ giúp ngành y tế quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng thuốc từ sản xuất, nhập khẩu, phân phối bán buôn, bán lẻ; kiểm soát ngăn chặn thuốc giả, thuốc hết hạn, thuốc kém chất lượng; kiểm soát việc kê đơn, bán thuốc theo đơn, hạn chế tình trạng lạm dụng kháng sinh, kê thêm thuốc không hợp lý, kê tập trung vào 1 số nhà cung cấp; truy xuất nguồn gốc xuất xứ… giúp người dân tra cứu thông tin về nguồn gốc, chất lượng, hạn sử dụng, giá cả từ đó có sự lựa chọn phù hợp.

Tại TP.HCM, Sở Y tế đã ra “tối hậu thư” cho tất cả các nhà thuốc trên địa bàn phải hoàn tất kết nối thông tin vào hệ thống dữ liệu trước ngày 1/4/2019. Tuy nhiên, đến nay còn rất nhiều nhà thuốc “ngó lơ” chỉ đạo này. Thống kê được Sở Y tế báo cáo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường trong chuyến thị sát việc triển khai đề án tại TPHCM ngày 30/5 cho thấy: “TPHCM hiện có 6.548 nhà thuốc đang hoạt động, số cơ sở thực hiện kết nối dữ liệu là 6.188, còn 360 nhà thuốc chưa thực hiện chỉ đạo sẽ buộc phải đóng cửa”.

 

Nhà thuốc công khai thông tin trên hệ thống dữ liệu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng trong việc tra cứu, so sánh giá

Trước việc cùng lúc đóng cửa hàng loạt nhà thuốc, nhiều ý kiến lo ngại sẽ ảnh hưởng đến khả năng cung ứng thuốc phục vụ người bệnh. Tuy nhiên, ông Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế cho rằng: Những nhà thuốc bị đóng cửa phân bố ở nhiều quận huyện khác nhau. Trên cơ sở so sánh thì tỷ lệ nhà thuốc chưa kết nối dữ liệu chỉ chiếm 5,5% trên tổng số nhà thuốc của toàn thành phố nên việc đóng cửa các nhà thuốc cố tình không kết nối Dữ liệu Dược Quốc gia gần như không tác động đến thị trường cung ứng thuốc phục vụ người bệnh. Ông Dũng cũng khẳng định Sở Y tế sẽ tiến hành kiểm tra, kiên quyết đóng cửa, không có bất kỳ sự du di nào cho các cơ sở cố tính né tránh việc kết nối dữ liệu.

Người bệnh gần như không bị tác động khi 5,5% nhà thuốc trên toàn thành phố ngưng hoạt động

Từ thực tế thị sát việc kiểm soát kê đơn, bán thuốc kê đơn, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối nhà thuốc ở một số bệnh viện và chuỗi nhà thuốc tại TPHCM, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho hay: “Theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp có quyền định giá và chịu trách nhiệm về giá thuốc, cơ quan quản lý có trách nhiệm công khai đến cộng đồng. Tuy nhiên, khi đi kiểm tra thì nhiều doanh nghiệp lại cho rằng việc công khai trong hệ thống dữ liệu dược sẽ khiến doanh nghiệp bị lộ thông tin, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh”.

Thứ trưởng khẳng định: “Công khai thông tin để đảm bảo tính minh bạch, từ chất lượng cho đến giá thành và các nội dung liên quan của từng loại thuốc. Người dân truy cập dữ liệu sẽ biết được cùng một loại thuốc với danh mục cụ thể từ tên thuốc, dạng bào chế, tên nhà sản xuất, tên nhà phân phối… Nếu các thông tin đều giống nhau thì người dân có quyền cân đối, lựa chọn cơ sở chào mức giá bán hợp lý nhất, đây là mục tiêu bảo vệ quyền lợi của người bệnh, tránh tình trạng mỗi nơi một giá thuốc”.

Thứ trưởng Quốc Cường làm việc với Sở Y tế, TPHCM

Thứ trưởng cho biết, trước khi kiểm tra ở TPHCM, đoàn đã kiểm tra tại Hà Nội với tỷ lệ kết nối dự liệu quốc gia đạt 95% tổng số nhà thuốc. Để triển khai thành công nghị quyết Trung ương và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, ông đề nghị TPHCM khắc phục khó khăn, sớm hoàn tất kết nối dữ liệu dược quốc gia. Ông cũng trực tiếp chỉ đạo Cục quản lý Dược và đơn vị liên quan nhanh chóng khắc phục những tồn tại của phần mềm để các nhà thuốc trên cả nước dễ dàng cập nhật dữ liệu dược theo đúng quy định.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh