THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:57

Nhà thuốc số 8 của BV Bạch Mai bị tố bán thuốc rởm: Bệnh viện nói gì?

 

Bệnh nhân nghi ngờ thuốc rởm

Chiều ngày 8/4, anh Nguyễn Văn Thoại (sinh năm 1977, trú tại Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) bức xúc phản ánh về việc nhà thuốc số 8 của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) bán thuốc rởm cho bệnh nhân.

Theo bệnh nhân, từ năm 2018, anh được bác sĩ chẩn đoán u gan máu, kê đơn gồm hai loại thuốc là Urdoc và Provini 500mg. Trong đó, thuốc Provini 500mg là dạng viên nhộng. Cả hai loại thuốc được anh mua ở nhà thuốc số 8 của Bệnh viện Bạch Mai.

Nhà thuốc số 8 của BV Bạch Mai bị tố bán thuốc rởm với viên con nhộng bám đầy bột, khẽ động vào tách làm đôi: Bệnh viện nói gì? - Ảnh 1.

Hóa đơn thanh toán tiền thuốc của bệnh nhân

Tuy nhiên, mới đây, bệnh nhân đem thuốc lên cơ quan uống, khi bóc thuốc Provini 500 mg ra khỏi vỉ, viên thuốc bị nát, vữa. Sau đó, người đàn ông này đã đem tới nhà thuốc số 8 trả lại. Tại đây, anh Toại được hoàn lại tiền thuốc Provini 500mg, còn Urdoc thì không được nhận lại.

"Tôi mua thuốc chữa bệnh tại nhà thuốc thuốc số 8, Bệnh viện Bạch Mai, hơn một năm nay mỗi tháng hết 5 triệu đồng. Thuốc ngoại nhập khẩu (mỗi viên thuốc 40.000 đồng) vậy mà bóc ra viên con nhộng bám đầy bột, khẽ động vào tách làm đôi", anh Thoại phản ánh.

Nhà thuốc số 8 của BV Bạch Mai bị tố bán thuốc rởm với viên con nhộng bám đầy bột, khẽ động vào tách làm đôi: Bệnh viện nói gì? - Ảnh 2.

Bác sĩ kê đơn bệnh nhân phải được kết hợp 2 loại thuốc

Bệnh nhân bức xúc nói thêm: "Khi chẩn đoán bệnh, bác sĩ kê cho tôi hai loại và phải kết hợp với nhau mới có tác dụng, tuy nhiên khi nghi một loại giống như là rởm thì tôi phải trả lại cả hai, làm sao có thể tiếp tục uống. Nhưng họ không chịu nhận và bắt tôi phải qua nhiều thủ tục, rồi hẹn đi hẹn lại nhiều lần".

Bệnh viện nói gì?

Trước sự việc trên, sáng 9/4, trao đổi với PV, TS Dương Đức Hùng (trưởng phòng KHTH Bệnh viện Bạch Mai - người phát ngôn của bệnh viện) xác nhận, đây là trường hợp bệnh nhân đã mua thuốc ở bệnh viện nhiều lần.

Ngày 8/4 bệnh nhân đến quầy thuốc nói rằng bán thuốc kém chất lượng, hết date (hạn sử dụng)... Bên quầy thuốc chứng minh rằng đó là thuốc còn hạn sử dụng.

"Nói thật bệnh viện không bán thuốc hết date đâu. Thật sự một mã thuốc đó không hề có ý nghĩa về mặt doanh số đối với cả hệ thống quầy thuốc ở Bệnh viện Bạch Mai. Bây giờ làm ăn ai chẳng muốn giữ thương hiệu, uy tín. Hơn nữa, đối với hệ thống nhà thuốc lớn như ở viện thì 1 mã hàng, một mặt hàng thuốc không có ý nghĩa gì về mặt doanh số cả. Vì thế, động cơ nhà thuốc bán như người bệnh phản ánh là không có", ông Hùng nói.

Theo TS Dương Đức Hùng, trong ngày hôm nay bệnh viện sẽ cho kiểm tra lại và sẽ có báo cáo trong ngày. Hôm qua, khi xảy ra sự việc bệnh viện đã mời bệnh nhân đó vào làm việc cùng với đại diện quầy thuốc và cả công an để cùng nhau xem xét.

Nhà thuốc số 8 của BV Bạch Mai bị tố bán thuốc rởm với viên con nhộng bám đầy bột, khẽ động vào tách làm đôi: Bệnh viện nói gì? - Ảnh 3.

Khi đến phản ánh, bệnh nhân bị sự ngăn cản của bảo vệ nếu quay lại clip.

Với quan điểm của bệnh viện, khi xác định sự việc phải làm nghiêm túc, phải làm rõ chứ không thể làm cho qua, ông Hùng phân tích:

- Thứ nhất là phải xem lại mã hàng, code, seri có phải lô mà bệnh viện nhập không. Ví dụ cũng là tên loại thuốc đó, nhưng không phải là code, seri mà bệnh viện nhập từ nhà phân phối.

- Không thể loại trừ trường hợp họ mua thuốc đó ở đâu, xong giờ bỏ ra rồi mang đến cho bệnh viện nói là bệnh viện chẳng hạn. Vì thế phải xem xét kỹ lưỡng. Tôi tin hệ thống nhà thuốc Bạch Mai không làm như vậy.

- Còn một trường hợp khác có thể xảy ra ở tất cả hệ thống bán lẻ. Đơn giản như việc 1 lọ thuốc 40 viên, nhưng bệnh nhân mua lẻ 10 viên họ cũng bán và khi đó bao bì bảo quản đã bị xé ra mất.

- Ngoài ra, trong trường hợp này bệnh nhân mua thuốc từ hồi tháng 1, sau 3 tháng mới đem đến phản ánh.

Khi đó nếu bảo quản đúng cách thì sẽ xảy ra tình trạng ẩm mốc ngay, dù hạn vẫn còn. Đó là chưa kể, 1 vỉ thuốc sẽ được dập chìm date sử dụng ở góc, vỉ thuốc có 10 viên nhưng khi mua chỉ lấy 4 viên và nhân viên bán lẻ cắt vỉ thuốc.

Vậy khi cắt cho người này phần date thì người mua sau sẽ không có. Những trường hợp đó chỉ có thể xảy ra ở khối bán lẻ ngoài bệnh viện. Còn trong bệnh viện, theo quy định mới của Bộ Y tế, hệ thống nhà thuốc ở trong bệnh viện cũng phải đấu thầu như thuốc điều trị nội trú.

Vì thế, nguồn gốc xuất xứ, giấy phép nhập khẩu chặt hơn rất nhiều so với hiệu thuốc ở ngoài. Vì thế không thể có chuyện đưa thuốc kém chất lượng vào để bán cho người bệnh. Mục đích của bệnh viện Bạch Mai luôn luôn bán thuốc tốt, đảm bảo và giá rẻ nhất cho với người bệnh.

Nhà thuốc số 8 của BV Bạch Mai bị tố bán thuốc rởm với viên con nhộng bám đầy bột, khẽ động vào tách làm đôi: Bệnh viện nói gì? - Ảnh 4.

Noi bán hàng cho bệnh nhân

Riêng về phần nhà thuốc, ông Hùng khẳng định: "Lãnh đạo khoa dược đã từng nói, nếu cùng 1 loại thuốc, cùng hãng sản xuất... mà thuốc trong bệnh viện bán đắt hơn ở ngoài thì sẵn sàng chịu phạt và nhà thầu cũng sẽ bị phạt. Việc hôm qua khi nghe nói tôi cũng thấy giật mình.

Nhưng khi ngồi suy nghĩ lại mọi vấn đề tôi nghĩ chắc có vấn đề gì ở đây. Vì thế đã mời công an vào làm việc. Chúng tôi sẽ mang thuốc đó đi thử ngay xem lô thuốc đó có đúng thuốc bệnh viện nhập không? Lý do vì sao như vậy... Khi có sự việc như vậy, bệnh viện sẽ xem xét nghiêm túc để xem lỗi ở đâu để mọi người còn chấn chỉnh".

Người phát ngôn bệnh viện Bạch Mai thông tin thêm, trong hôm nay sẽ có báo cáo sơ bộ về sự việc này.

Minh Ngọc

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh