Hàng loạt địa danh Việt Nam xuất hiện trong bảng đề cử Giải thưởng Du lịch Thế giới 2022 - Khu vực châu Á và châu Đại Dương
- Văn hóa - Giải trí
- 06:40 - 08/09/2022
World Travel Awards là giải thưởng uy tín hàng đầu thế giới trong lĩnh vực du lịch, được ví như giải Oscar của du lịch thế giới. Được thành lập từ năm 1993, giải thưởng này nhằm ghi nhận, khen thưởng và tôn vinh những tên tuổi xuất sắc hàng đầu trong tất cả lĩnh vực của ngành du lịch trên toàn cầu.
Trước đó, từ năm 2017 đến nay, Việt Nam đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng danh giá của World Travel Awards như: Điểm đến di sản hàng đầu thế giới; Điểm đến Golf tốt nhất thế giới; Điểm đến hàng đầu châu Á; Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á; Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á... Tổng cục Du lịch Việt Nam 2 lần được vinh danh là Cơ quan quản lý du lịch quốc gia hàng đầu châu Á vào các năm 2017 và 2021. Tháng 11/2021, Thành phố Hồ Chí Minh đã vinh dự nhận giải thưởng Điểm đến du lịch MICE tốt nhất châu Á 2021 của World Travel Awards bình chọn.
Đây là lần thứ hai Việt Nam vinh dự được lựa chọn tổ chức Lễ trao giải thưởng World Travel Awards của châu Á (lần đầu tổ chức tại Phú Quốc). Trong năm 2022, Việt Nam lần đầu tiên tổ chức các lễ trao giải thưởng World Travel Awards toàn cầu, gồm: World Culinary Awards, World Travel Awards, World Mice Awards, World Influencer Awards, World Social Media Awards.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Lễ trao giải: “Lễ trao giải năm nay đánh dấu cột mốc quan trọng của ngành du lịch thế giới và Việt Nam khi được tổ chức trong thời điểm du lịch toàn cầu đang phục hồi sau đại dịch COVID -19.
Những giải thưởng được đề cử lần này đã góp phần tạo động lực phát triển và khẳng định vị trí của Việt Nam trên bản đồ du lịch Thế giới. TP.HCM rất vinh hạnh là nơi đăng cai sự kiện du lịch uy tín này. Chúng tôi xem đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá hình ảnh thiên nhiên hấp dẫn tươi đẹp cùng với con người Việt Nam thân thiện mến khách đến với bạn bè thế giới. Tôi cũng mong Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố du lịch sống động sẽ mang đến cho quý du khách những kỷ niệm đẹp, đáng nhớ trong thời gian lưu lại nơi đây", ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Trải qua 324 năm hình thành và phát triển, vùng đất Gia Định - Sài Gòn và nay là Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều thành tựu và những đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của đất nước. Du khách đến thành phố, ngoài việc choáng ngợp với sự nhộn nhịp của đô thị còn ngạc nhiên trước sự ẩn chứa chiều di sản, di tích và những câu chuyện lịch sử hào hùng. Hiện tại, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn lưu giữ 185 di tích lịch sử văn hoá được xếp hạng cấp quốc gia, trong đó có 2 di tích khảo cổ.
Với loại hình di tích kiến trúc - nghệ thuật, lịch sử văn hóa, Thành phố Hồ Chí Minh có các công trình kiến trúc phục vụ hoạt động văn hóa của cộng đồng như các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, các công trình phục vụ đời sống người dân như: Bưu điện thành phố, Nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành, chùa Giác Viên, chùa Giác Lâm…
Đối với di tích lịch sử cách mạng, nổi bật nhất là các di tích: Hội trường Thống Nhất, Địa đạo Củ Chi, Khu căn cứ Rừng Sác, Mười Tám Thôn Vườn trầu, Bến Nhà Rồng… Ngoài ra, thành phố còn có gần 1.000 ngôi chùa và nhiều ngôi chùa cổ với bề dày lịch sử hơn 100 năm như: chùa Linh Sơn cổ tự, Sắc tứ Trường thọ…
Bên cạnh các di sản văn hóa vật thể, với khoảng 32 dân tộc đang sinh sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, sự giao thoa và tiếp biến văn hóa của cộng đồng các tộc người trong quá trình di dân đến thành phố đã hình thành nên loại hình di sản văn hóa phi vật thể khá phong phú và đa dạng. Đáng chú ý là nghệ thuật sân khấu Cải lương, nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ, nghệ thuật Hát bội và Múa bóng rối và các loại hình nghệ thuật dân gian của các dân tộc thiểu số; trong đó nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ngoài ra, tại TP Hồ Chí Minh còn có các di sản văn hóa phi vật thể như: Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ, Lễ hội Nguyên Tiêu của cộng đồng dân tộc Hoa ở quận 5: các nghề thủ công truyền thống tại một số làng nghề như: Nghề Thổi thủy tinh, thuộc da Phú Thọ (quận 11), chạm khắc gỗ Trung Mỹ Tây (quận 12); đúc đồng An Hội (quận Gò Vấp); làng mai (quận Thủ Đức)…
Hiện nay, tăng trưởng kinh tế của thành phố khá ổn định với tốc độ thường cao gấp 1,5 lần bình quân cả nước, đóng góp 22% trong tổng GDP và 28% ngân sách cả nước. GRDP bình quân đầu người ở TP Hồ Chí Minh năm 2020 đạt khoảng 7.000 USD, gấp 2 lần bình quân cả nước.
Sự kiện Thành phố Hồ Chí Minh được chọn trở thành nơi diễn ra Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới năm 2022 - khu vực châu Á và châu Đại Dương đánh dấu những thành công mới trong nổ lực vượt qua đại dịch COVID-19, tiếp tục tăng trưởng thần tốc trên mọi lĩnh vực, đặc biệt về du lịch.