Hàng không liên tiếp "ngấm đòn" Covid-19, cầm cự chờ giải cứu
- Huyệt vị
- 03:54 - 13/03/2020
Hàng không điêu đứng vì dịch Covid-19
Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) ngày 5/3 ước tính dịch Covid-19 có thể khiến các hãng hàng không chở khách thất thu tới 113 tỷ USD trong năm nay, cao hơn gấp ba lần dự báo mà chính hiệp hội này đã đưa ra cách đây chỉ hai tuần khi Covid-19 chưa lan rộng ở Châu Âu, Châu Mỹ.
Tại Việt Nam, cách đây hai tháng, Cục hàng không ước tính con số thiệt hại là 25.000 tỷ đồng doanh thu trong năm nay. Khoảng 100 tàu bay của các hãng đã phải ngừng hoạt động, nhiều đường bay quan trọng tới các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản tạm dừng khai thác.
Trong khi hãng phải trả tiền thuê máy bay từ 0,4 triệu đến 1 triệu USD/tháng, thiệt hại hơn 50 triệu USD/tháng.
Trong đó, Vietjet Air là hãng hàng không khai thác nhiều đường bay từ Việt Nam đến Hàn Quốc nhất với 11 đường bay thẳng, tần suất 480 chuyến bay/tháng trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
Lãnh đạo công đoàn của Đoàn bay 919 cũng chia sẻ, có đội bay của Vietnam Airline bị giảm sâu giờ bay tới gần 30% so với sản lượng kế hoạch. Giờ bay trung bình của phi công một số đội bay không đạt định mức đề ra, có thời điểm, số lượng phi công dư tới gần 200 người.
Cảnh tượng vắng vẻ, ảm đạm bên trong ga quốc tế Tân Sơn Nhất vào trưa 10/3. (Nguồn ảnh: Hải Long).
Các con số ước tính có thể chưa dừng lại, khi dịch Covid-19 tiếp tục phức tạp và được Tổ chức y tế thế giới (WHO) cảnh báo là đại dịch toàn cầu. Hàng không Việt tiếp tục hạn chế đường bay đến Châu Âu khiến cho mức thiệt hại của các hãng có thể trầm trọng hơn.
Vietnam Airlines cho biết, hãng sẽ tạm thời giảm tổng cộng 14 chuyến bay mỗi tuần giữa Việt Nam và châu Âu.
Các đường bay bị cắt giảm bao gồm giữa Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và London (Anh), Paris (Pháp), Frankfurt (Đức) từ ngày 25/3/2020. Đây là nỗ lực mới nhất của Vietnam Airlines nhằm góp phần hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, trong khi vẫn duy trì vai trò cầu nối hàng không giữa Việt Nam và châu Âu.
Với 116 triệu lượt khách trong năm qua, trong đó, Vietjet là 25 triệu lượt khách, hàng không đã tạo ra doanh thu khoảng 180.000 tỷ đồng và nộp ngân sách khoảng 20.000 tỷ đồng trong năm 2019. Nhưng năm nay, trước những đòn liên tiếp từ Covid-19, hàng không Việt đang lâm vào cảnh điêu đứng.
Ở khu vực ga trong nước tại sân bay Tân Sơn Nhất, quầy làm thủ tục vắng bóng khách. (Nguồn ảnh: Hải Long).
Cuối tuần qua, Thủ tướng đã ký ban hành chỉ thị số 11 cấp bách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có nhấn mạnh các Bộ, ngành liên quan có giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không; rà soát, xử lý đúng pháp luật về giảm giá, phí, lệ phí, chi phí của ngành hàng không; phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy nhanh tiến độ kết nối hàng không trực tiếp với các thị trường trọng điểm.
Để giảm gánh nặng thiệt hại, Cục Hàng không đã đề xuất giảm các loại phí - thuế như thuế nhập khẩu và thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, giảm 70% giá đối với các khoản phí cất/hạ cánh, phí phục vụ hàng không, phí điều hành bay tại các cảng hàng không.
Ngoài ra, đề xuất tạm hoãn nộp các loại thuế (thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp, bảo vệ môi trường) đến hết năm 2020, ban hành gói vay với lãi suất ưu đãi cho các hãng.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cũng được yêu cầu rà soát, chủ động hỗ trợ, cho các hãng kéo dài thời gian thanh toán hàng hóa, dịch vụ, áp dụng mức giá thấp nhất trong khung giá, khung phí cho thuê quầy làm thủ tục, thuê mặt ở nhà ga.
Hàng loạt biện pháp và kịch bản khôi phục hàng không đã được các Bộ, ban ngành và chuyên gia đưa ra, tuy nhiên, việc thực hiện hỗ trợ vẫn còn khá chậm.
PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, doanh nghiệp hàng không đang chịu rất nhiều thuế, phí vì thế cần thiết cân nhắc việc giảm hoặc miễn thuế để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Chung quan điểm, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, cần sự hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt là về thuế. Tuy nhiên, các công tác hỗ trợ cần triển khai nhanh chóng để doanh nghiệp có thể khôi phục hoạt động kinh doanh, sản xuất.
"Tài khóa ngân sách của Chính phủ đang bị ảnh hưởng, nguồn thu sụt giảm trong những tháng đầu năm 2019. Tuy nhiên, chính sách tài khóa và tiền tệ cần phải được điều chỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp", ông Hiếu nói.
PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, Chính phủ coi chống dịch như chống giặc, vì thế, việc chậm triển khai hoặc vì lợi ích nhóm mà không kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, thì cần xử như quân luật.
"Chúng ta cần phải tăng chi viện, tăng nguồn lực và cần có chế tài mạnh như quân luật trên mặt trận hàng không nói riêng và mặt trận kinh tế nói chung. Nếu không, chúng ta không phát huy được thắng lợi trên mặt trận phòng chống dịch bảo vệ sức khỏe nhân dân và sẽ thua trên mặt trận kinh tế", ông Thiên nói.