THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:50

Hàng hóa Tết Nguyên đán sẽ phong phú và ổn định giá

 

Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao, đây là thời điểm người chăn nuôi kỳ vọng vào sự tăng giá của các sản phẩm từ chăn nuôi như: Thịt lợn, gà, bò và trứng gia cầm. Thông thường, một lứa lợn thương phẩm phải nuôi trong vòng 3 - 4 tháng, còn đối với các loại gà lai, gà ta thả vườn, sau 3 - 4 tháng, gà đạt trọng lượng từ 1,5 - 2,5 kg có thể xuất bán đúng vào dịp Tết Nguyên đán. Nghĩa là ngay từ tháng 9 Âm lịch, người dân đã chủ động xử lý chuồng trại để tái đàn mới kịp có gà, lợn phục vụ người tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán. Đến thời điểm hiện tại, không có những đợt dịch bệnh kéo dài nên các đàn gia súc gia cầm phục vụ Tết Nguyên đán phát triển tốt.

Là một trong những hộ chăn nuôi với quy mô lớn, để phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết Nguyên đán sắp tới, gia đình anh Nguyễn Đình Quốc, ở Gia Lâm, Hà Nội đã tái đàn hơn 4.000 con gà ta và hơn 100 con lợn. Anh Quốc cho biết: “Hoạt động tái đàn được gia đình tôi thực hiện quanh năm nhưng, thời điểm tháng 8, tháng 9 hàng năm là nhiều hơn cả. Vì vậy, ngay sau khi xuất bán xong, gia đình tiến hành dọn dẹp, khử trùng chuồng nuôi và môi trường xung quanh bằng vôi bột để đầu tư vào đợt chăn nuôi mới phục vụ Tết. Đây là vụ nuôi nhiều nhất trong năm và kỳ vọng giá cả cũng sẽ cao hơn so với ngày thường. Hiện, đàn vật nuôi đang phát triển khỏe mạnh”.

 

Hàng hóa Tết Nguyên đán dự kiến ít có biến động về giá.

 

Các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo lớn cho biết đã chủ động nguồn nguyên liệu từ rất sớm cho nên sẽ hạn chế tăng giá và đẩy mạnh khâu phân phối, kết hợp với các nhà bán lẻ, hệ thống đại lý “đẩy” hàng ra thị trường với số lượng dự kiến tăng khoảng 10 - 20% so với Tết 2016. Sức mua thị trường cuối năm nay sẽ tăng khả quan nên các doanh nghiệp tăng nhẹ sản lượng cung ứng nhưng không có kế hoạch tăng giá. Nếu tăng thì chỉ với vài mặt hàng có biến động giá đầu vào quá cao.

Các nhà bán lẻ, siêu thị đã có kế hoạch phân phối, tích trữ hàng hóa dịp Tết để phục vụ người dân. Để thu hút người tiêu dùng, các siêu thị bật mí sẽ phối hợp với nhà sản xuất đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn dịp Tết để phục vụ người tiêu dùng và hạn chế tối đa việc tăng giá bán sản phẩm.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, nhu cầu tiêu dùng cho 1 tháng Tết của người Hà Nội rất lớn, ước tính khoảng 88.000 tấn gạo, 15.500 tấn thịt lợn hơi, 4.600 tấn thịt bò; 6.400 tấn thịt gà, 100 triệu lít rượu bia… Dự kiến, số lượng hàng hoá chuẩn bị để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong kịp Tết 2017 (tính cho 2 tháng, từ 15/12/2016 – 15/2/2017) gồm: gạo 176.000 tấn; thịt lợn là 30.600 tấn; thịt gà 12.800 tấn; thịt bò 9.200 tấn; rượu bia nước giải khát là 200 triệu lít…  Tổng giá trị hàng hoá phục vụ Tết trên địa bàn TP vào khoảng 23.500 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hoá năm 2016.

Để phục vụ Tết Nguyên đán, Sở Công thương sẽ phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức 5 hội chợ hàng Việt phục vụ Tết nguyên đán Đinh Dậu tại các huyện, thị xã: Đông Anh, Quốc Oai, Mỹ Đức, Mê Linh, Sơn Tây. Dự kiến thời gian tổ chức từ ngày 13 – 23/1/2017. Cùng với đó, Hà Nội sẽ tổ chức 60 điểm chợ hoa Xuân trên địa bàn TP, thời gian tổ chức từ ngày 7 – 27/1/2017. Ngoài ra, Sở CôngThương cũng tổ chức 2 tuần hàng Việt tại huyện Thường Tín, Thạch Thất để phục vụ Tết Dương lịch 2017; 4 phiên chợ Việt và 200 chuyến bán hàng lựu động về khu vực nông thôn, ngoại thành Hà Nội, các khu công nghiệp, khu chế xuất để đáp ứng nhu cầu mua sắm phục vụ Tết của nhân dân.

 

Hàng hóa Tết Nguyên đán phong phú.

 

Còn theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp đã chuẩn bị lượng hàng tăng 15 đến 20% so với kế hoạch thành phố giao; các mặt hàng tăng 25 đến 45% so với kết quả thực hiện vào dịp Tết Bính Thân 2016. Tổng cộng, hơn 17.000 tỷ đồng hàng hóa sẽ được dự trữ, sản xuất và cung ứng trong hai tháng Tết (riêng hàng bình ổn chiếm gần 7.000 tỷ đồng). Các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường lương thực, thực phẩm Tết đã hoàn tất các khâu chuẩn bị, nguồn hàng dồi dào, phong phú… để đáp ứng nhu cầu mua sắm có thể tăng nhanh sau Tết Dương lịch.

Sở Công Thương thành phố cũng dự báo giá cả hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết sẽ ổn định, khó xảy ra tình trạng đột biến, bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn thị trường. Nhiều nhóm hàng như thịt gia cầm, đường, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, thịt gia súc, dầu ăn, gạo…, được chuẩn bị với khối lượng lớn, chi phối 35 đến 52% nhu cầu thị trường. Thành phố cũng sẽ tổ chức hơn 1.500 đợt khuyến mãi với tổng giá trị khoảng 1.200 tỷ đồng được doanh nghiệp đăng ký thực hiện trong tháng cận Tết, tập trung ở các mặt hàng nước giải khát, bánh kẹo, mứt, quần áo… 

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh