THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 04:33

Hàng hóa sau Tết ổn định do sức mua thấp

 

Những năm trước, sau Tết giá cả hàng hóa có xu hướng tăng do lượng cung giảm trong khi lượng cầu vẫn duy trì ở mức cao, thì năm nay lượng cầu duy trì ở mức thấp. Giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm cũng trong tình trạng tương tự. Mặc dù nhiều tiểu thương mở hàng từ ngày mùng 2, 4, 6 và mùng 8 tháng Giêng nhưng với đúng tinh thần mở hàng lấy ngày vì rất ít khách mua.

Tại Hà Nội, ra Tết, lượng rau, củ, quả về chợ chưa nhiều như dịp trước Tết, nhưng sức mua vẫn duy trì ở mức thấp. Chỉ một số loại rau thơm, hành lá, rau sống hay súp lơ tây, tỏi tây... tăng nhẹ khoảng 10% so với dịp trước Tết. Nhưng đến ngày mùng 10, giá cả rau xanh tại các chợ đã ổn định trở lại. Thậm chí, theo một số tiểu thương tại các chợ dân sinh, khí hậu thời tiết nắng nồm nên các loại rau, củ, hoa, quả phát triển thuận lợi nên giá rau xanh trong những ngày tới còn có xu hướng giảm xuống.

 Giá rau xanh sau Tết ổn định.


Tương tự, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt bò, thịt gà không đắt hơn so với thời điểm trước Tết. Giá thịt lợn hơi hiện vẫn duy trì ở mức thấp 30.000 – 40.000 đồng/kg nên giá thịt lợn ra Tết không tăng như mọi năm. Cá nước ngọt như: Cá trắm, các rô phi, cá chép không có nhiều biến động. Còn một số hải sản do nguồn hàng chưa nhiều nên giá tăng nhẹ so với ngày thường.

Để đáp ứng nhu cầu mua sắm, một số siêu thị: Aeon Mall, Lotte Mart vẫn mở cửa hoạt động từ ngày mùng 1 Tết. Không bỏ lỡ dịp kinh doanh đầu năm, các hệ thống bán lẻ hiện đại triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá, tặng quà cho khách hàng. Có nơi giảm giá đến 50% cho nhiều sản phẩm đồ chơi trẻ em, giảm 10%-20% cho một số mặt hàng thực phẩm tươi sống. Tại các siêu thị Big C, Vinmart, Metro, Fivimart, Intimex… mặc dù đã mở cửa từ ngày mùng 3, mùng 4 và lượng hàng cung ứng cũng đầy các kệ nhưng lượng khách đến mua không đông.

Không chỉ tại Hà Nội, giá cả hàng hóa ổn định sau Tết mà tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành giá cả hàng hóa đặc biệt là rau xanh và thực phẩm tươi sống không có nhiều biến động dù lượng hàng về các chợ chưa nhiều.

Tại TP. Hồ Chí Minh, những ngày đầu năm mới, các mặt hàng thực phẩm tươi sống và rau củ quả về chợ chỉ bằng 1 nửa so với thời điểm trước Tết. Thậm chí còn nhiều sạp hàng vẫn cửa đóng then cài, chủ cửa hàng không mặn mà với sức mua đầu năm mới tuy nhiên không vì thế mà giá cả hàng hóa tăng lên. Theo các tiểu thương tại chợ truyền thống, lượt khách đến các chợ truyền thống trong những ngày Tết chủ yếu đi vào buổi sáng, trong đó mặt hàng rau xanh, củ quả được lựa chọn nhiều nhất. Khách hàng đi chợ trong những ngày Tết chủ yếu là những người ở lại thành phố đón Tết, không đi chơi xa, hoặc không dự trữ rau xanh, thực phẩm trong nhà”. 

Mở cửa phục vụ khách hàng từ rất sớm (ngày mùng 2 Tết), các hệ thống bán lẻ hiện đại tại TP. Hồ Chí Minh khẳng định, sức mua sau Tết vẫn chưa mạnh và đang tăng dần các loại thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống, rau xanh. Trong đó, rau củ quả được lựa chọn nhiều nhất với phương án chống ngán dịp Tết. Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh cho hay, nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm Tết, tất cả các hệ thống của đơn vị đã mở cửa kinh doanh từ mùng 2 Tết.

Có thể nói năm nay, sức mua của người dân giảm cùng với việc điều tiết giá của cơ quan quản lý tương đối tốt vì vậy không có tình trạng khan hàng, tăng giá đột biến. Các chuyên gia kinh tế đánh giá, cùng với sự ảnh hưởng từ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm qua tăng thấp và việc dự đoán đúng nhu cầu mua sắm của người dân để chuẩn bị nguồn hàng cung ứng hợp lý trong thời điểm trước, trong và sau Tết là những nguyên nhân chính giúp giá cả giữ mức ổn định.

VÂN KHÁNH (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh