CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:24

Hàng hiệu có xuất hóa đơn GTGT hay không?

 

Trong các loại hình cạnh tranh không lành mạnh, có hình thức bán hàng không xuất hóa đơn GTGT của một số doanh nghiệp kinh doanh hàng hiệu, hàng chính hãng như mỹ phẩm, giày dép, quần áo, túi xách, đồng hồ, mắt kính… đã diễn ra trong nhiều năm nay nhưng dường như việc kiểm tra của các cơ quan chức năng kiểm soát về giá cả, thuế và quản lý thị trường đã bỏ sót, điều này gây thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp đang tuân thủ luật pháp kinh doanh và có trách nhiệm nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ cho ngân sách nhà nước.

Bằng hình thức lách luật khôn khéo như khai thấp giá sản phẩm ngay tại cửa khẩu hải quan, nhờ người quen xách tay hàng hóa, khai giảm số lượng… các doanh nghiệp làm ăn kiểu gian lận này đã bỏ túi hàng trăm triệu đồng trên một sản phẩm hàng hiệu. Đến khi bán ra cho người tiêu dùng thì cửa hàng chỉ có hóa đơn bán lẻ chứ không có hóa đơn GTGT, nếu như khách hàng là người cần hoàn thuế yêu cầu xuất hóa đơn GTGT thì sẽ được cửa hàng hẹn ngày khác đến lấy và xin phụ thu thêm phần trăm trên hóa đơn. Hoặc gặp được những khách hàng không quan tâm về việc hóa đơn GTGT chỉ quan tâm đến giá của sản phẩm cùng thương hiệu và chất lượng bảo hành toàn cầu như nhau, nhưng giá lại thấp hơn cửa hàng khác thì xem như lợi nhuận của doanh nghiệp này tăng vùn vụt vì không phải đóng thuế đầu vào và đầu ra cho ngân sách nhà nước.

Doanh nghiệp cùng Chi cục TP.Hồ Chí Minh thuế trao đổi khó khăn trong việc thanh tra thuế hiện nay

 

Theo định nghĩa tại khoản 4, Điều 3, Luật Cạnh tranh, hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng.

Hóa đơn GTGT

 

Mặc dù Luật đã có chế tài xử phạt, nhưng những doanh nghiệp này vẫn ngang nhiên bằng nhiều hình thức tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới hoạt động kinh doanh của đối thủ cạnh tranh, nhưng họ vẫn không bị xử lý gì. Nếu để tình trạng này tiếp diễn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sự nghiêm minh của pháp luật và các doanh nghiệp làm ăn chân chính vẫn tiếp tục kêu rằng: “Chờ được vạ thì má đã sưng”…

Trong kinh tế học, bản chất của cạnh tranh là tìm kiếm lợi nhuận cao hơn mức lợi nhuận trung bình mà doanh nghiệp đang có. Kết quả quá trình cạnh tranh là giá cả có thể giảm đi, doanh số tăng lên, nhưng  trên cơ sở phải là lành mạnh, cạnh tranh theo đúng quy định của pháp luật, đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh. Cạnh tranh có tính chất thi đua, thông qua đó mỗi chủ thể nâng cao năng lực của chính mình mà không dùng thủ đoạn triệt hạ đối thủ. Phương châm của cạnh tranh lành mạnh là “không cần phải thổi tắt ngọn nến của người khác để mình tỏa sáng”… Thế nhưng, hiện tượng cạnh tranh thiếu lành mạnh vẫn diễn ra hàng ngày. Để ngăn ngừa điều đó, các cơ quan chức năng nên có biện pháp để bảo vệ cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Ngọc Tánh/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh