CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:34

Hạn mặn, nhiều mặt hàng nông thủy sản giảm giá mạnh

 

Lúa bị thiệt hại vì hạn mặn, nay còn giảm giá


Hiện tại, người nuôi vịt chạy đồng ở Đồng Tháp bán trứng chỉ khoảng 500 đồng/quả, giảm hơn 1.500 đồng/quả so với tháng 12.2015. Ông Phạm Cao Sơn (xã Mỹ Đông, Tháp Mười, Đồng Tháp) nuôi vịt theo tiêu chuẩn VietGAP than thở: "Từ sau Tết đến nay, mỗi ngày tôi lỗ gần 1,5 triệu đồng do giá trứng vịt lao dốc mạnh. Tổng vốn đầu tư trang trại 5.000m2 đạt chuẩn VietGAP để nuôi 5.000 con vịt vào khoảng 400 triệu đồng. Nhưng vịt nuôi đến ngày đẻ trứng thì giá trứng giảm giá mạnh. Giá thành sản xuất 1 quả trứng vịt khoảng 1.600-1.800 đồng, nhưng bán chỉ được 800-1.200 đồng/trứng loại 1, còn loại 2 thì 500 đồng/trứng. Với cái đà này thì xem như thua lỗ vẫn tiếp diễn và phải xin ngân hàng giảm lãi suất".

 

Trứng vịt bị ép giá?


Trứng được thương lái thu mua giá thấp, nguyên nhân là do hạn, mặn khốc liệt, thiếu thức ăn tự nhiên cho vịt nên thương lái ép giá. Trong khi đó, các công ty thu mua thì vẫn ở mức giá cao. Đây là một nghịch lý và chỉ có doanh nghiệp mới cứu nổi người nuôi vịt chạy đồng.

Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt cho biết: "Giá trứng vịt có giảm nhưng không đến mức quá thấp vì hiện tại công ty vẫn thu mua ở mức 1.600-2.200 đồng/trứng. Việc giá trứng của người nuôi vịt bán chỉ được 400-600 đồng là khó tin. Có thể vịt nuôi cho trứng nhỏ, chất lượng không cao nên thương lái thu mua giá thấp?".

Bên cạnh đó, người nuôi cá lóc ở miền Tây cũng khóc ròng vì giá bán thấp hơn giá thành sản xuất. Hiện tại, giá cá lóc nuôi ở khu vực ĐBSCL được các thương lái thu mua với giá 31.000-32.000 đồng/kg, trong khi đó giá thành sản xuất phải ở mức 34.000 đồng/kg.

 

Càng thu hoạch nhiều cá càng lỗ


Ông Nguyễn Văn Thanh, người nuôi cá lóc ở thị trấn Trà Cú, Trà Vinh cho biết: "Từ sau Tết đến nay, giá cá lóc thương phẩm giảm dưới mức giá thành sản xuất. Với mức giá trên sau khi trừ mọi chi phí thì tôi lỗ nặng. Bình quân 1.000m2 mặt nước sau 5 tháng thả nuôi cá lóc, người nuôi thua lỗ từ 100 triệu đồng/vụ".

Theo thống kê của Chi cục Nuôi trồng thủy sản Trà Vinh, đến nay trên địa bàn đã có 1.129 lượt hộ thả nuôi cá lóc trên diện tích 182,76 ha, đạt 60% so kế hoạch. Tổng sản lượng cá lóc đã thu hoạch được hơn 19.618 tấn cá. Với giá hiện tại thì sau 5 tháng nuôi, bà con thua lỗ khoảng 2.000-3.000 đồng/kg.

Nông dân nuôi bò ở huyện Ba Tri (Bến Tre) cũng đang tiếc nuối khi giá bò đã giảm mạnh theo mùa xâm nhập mặn. Khoảng 1 tháng trở lại đây, nước mặn bao vây làm cho hơn 12.000 ha lúa đông xuân thiệt hại, mất nguồn rơm cho bò ăn. Nhiều hộ dân đã chọn giải pháp bán bò thịt, bò nghé để lấy tiền mua rơm nuôi bò sinh sản. 
Thiếu rơm cho ăn, bò cũng bị ép giá 

Nếu như trước đây con bò thịt 5 tháng tuổi có giá từ 18-20 triệu đồng/con thì nay giảm chỉ còn khoảng 15 triệu đồng/con. Nhưng nếu không bán, nông dân nuôi bò cũng rất đau đầu vì thiên tai xâm nhập mặn làm mất nguồn rơm để làm thức ăn cho bò.
Lúa cũng hạ giá theo... hạn mặn?

Còn nông dân trồng lúa ở ĐBSCL cũng khó tìm được lợi nhuận cao khi giá lúa đông xuân hiện đã giảm và đang đứng ở mức 4.600 đồng/kg lúa chất lượng cao. Với mức giá này, nếu đạt năng suất nông dân chỉ lãi dưới mức 30% trong khi nhiều diện tích lúa ở ĐBSCL giảm năng suất hoặc mất trắng do hạn, mặn.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh