THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:36

Hạn chế tín dụng đen: Người lao động có thể được tạm ứng tới 3 tháng lương

 

 

Theo đó, Điều 112 của Dự thảo Bộ Luật Lao động 2012 sửa đổi đã nêu: “Người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do 2 bên thoả thuận và không bị tính lãi suất khi hoàn trả. Mức tạm ứng tiền lương tối đa không quá 3 tháng lương của người lao động”.

Cùng về nội dung trên, Điều 100 Luật Lao động 2012 quy định: “Người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thỏa thuận”.

Chia sẻ vấn đề này, anh Lương Trọng Dũng - công nhân tại một doanh nghiệp ở Hoà Bình - cho biết: "Dù không nêu cụ thể mức tạm ứng, tuy nhiên người lao động thường chỉ được tạm ứng với mức khoảng 1 tháng lương".

Điểm tích cực của quy định mới trong Dự thảo là quy định số kinh phí tạm ứng lên tới 3 tháng và người lao động không bị tính lãi suất khi hoàn trả.

Ngoài ra, Điều 112 của Dự thảo Bộ Luật Lao động 2012 cũng bổ sung thêm quy định tại các kỳ nghỉ hàng năm, theo đó: “Khi nghỉ hàng năm, người lao động được tạm ứng trước một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ”.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia lao động việc làm, các quy định trong Dự thảo về tạm ứng lương có sự điều chỉnh nhất định trước thực tế đời sống người lao động. Bên cạnh đó cũng hạn chế phần nào ảnh hưởng của tín dụng đen đối với người lao động.

Trước đó, dịp cuối năm 2018 và đầu năm 2019, báo giới đã nhiều lần nêu lên thực trạng về sự “bủa vây” của tín dụng đen đối với người lao động, đặc biệt là công nhân ở các khu công nghiệp.

Cảnh báo của Tổng LĐLĐ VN hôm 30/11/2018 cũng đã nêu ra thực trạng:  “Đã có nhiều công nhân lao động là nạn nhân của tín dụng đen, phải vay với lãi suất rất cao, thành con nợ không có khả năng thanh toán, bị hăm dọa, đánh đập, thậm chí họ phải bỏ trốn đi nơi khác hoặc nghỉ việc về quê...”. 

Liên quan tới vấn đề này, tại Kỳ họp Quốc hội tháng 10/2018, ông Ngọ Duy Hiểu - Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, đã bày tỏ sự lo lắng trước tình trạng tín dụng đen “bủa vây” công nhân và sinh viên, công khai thách thức chính quyền, gây bất an cho xã hội.

Lý giải về nguyên nhân khiến người công nhân phải tham gia tín dụng đen, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, nhiều công nhân gặp khó khăn đột xuất như con cái ốm đau, cần tiền cho con ăn học, đến ngày phải trả tiền thuê nhà hay cần tiền về quê giải quyết việc riêng, nên họ vẫn buộc phải vay, dù biết rằng lãi suất rất cao "hầu hết là trên dưới 200%/năm".

Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, lãi mẹ đẻ lãi con, người công nhân vốn khó khăn nay lại càng khốn khó bởi nợ nần chồng chất. Tình trạng khiến nhiều công nhân phải bỏ việc, chuyển nhà đi nơi khác hoặc không dám đến nơi làm việc do bị đòi nợ; nhiều trường hợp bị hăm dọa, đánh đập hoặc bắt giữ; có những gia đình tan nát vì tín dụng đen.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh