CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:03

Hạn chế thuốc lá, phải thu thuế tuyệt đối 2.000 - 5.000 đồng/bao

  

 

Giá thuốc lá chỉ tăng vào những năm tăng thuế là 2016 (giá trung bình tăng 11% so với năm 2015) và năm 2019 (giá trung bình tăng 2,5% so với 2018) sau khi tính yếu tố lạm phát, những năm còn lại 2017 và 2018 và sau 2019 giá thuốc lá có xu hướng rẻ đi do lạm phát và tăng trưởng kinh tế.

Bác sĩ, Ths Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc Văn phòng HealthBridge Canada tại Việt Nam (hoạt động trong các lĩnh vực: Phòng chống tác hại thuốc lá, sức khỏe sinh sản, dinh dưỡng, bình đẳng giới, phòng chống HIV và thành phố sống tốt) đánh giá, thuế thuốc lá Việt Nam hiện thuộc nhóm rất thấp so với thế giới và khu vực. Theo các quy định pháp luật về thuế hiện hành, thuế TTĐB của thuốc lá có thuế suất bằng 70% giá xuất xưởng.

Tuy nhiên, khi tính theo chuẩn quốc tế là thuế trong giá bán lẻ thì tỷ lệ thuế của Việt Nam (bao gồm cả VAT) chỉ chiếm khoảng 35,6% giá bán lẻ. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với trung bình thế giới là 56%, thấp hơn đa số các nước ASEAN và rất xa so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Chính vì thuế thấp nên giá thuốc lá ở Việt Nam cũng thuộc loại rẻ nhất trên thế giới và trong khu vực. Giá trung bình 1 bao Malboro 20 điếu ở Việt Nam chỉ khoảng 1,1 USD, cao hơn một chút so với giá ở Campuchia (~1 USD) và thấp hơn so với tất cả các nước còn lại trong khu vực ASEAN.

Kết quả một khảo sát gần đây do Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài Chính thực hiện tháng 8 - 9/2016 tại 600 cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho thấy, nhiều nhãn hiệu thuốc lá trong nước hiện có giá rất thấp, chỉ 5.000 đồng/bao 20 điếu như: Du lịch đỏ bao mềm, Hoàn Kiếm bao cứng, Trị An bao mềm và War horse xanh.

 

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm vận động tăng thuế thuốc lá tại Ninh Bình. 

 

Bộ Tài chính chuẩn bị sửa đổi một số luật thuế trong đó có thuế TTĐB thuốc lá. Bộ đưa ra 2 phương án để xin ý kiến các bộ, ngành cũng như các doanh nghiệp: Phương án 1, áp dụng thu thuế TTĐB theo phương pháp hỗn hợp (kết hợp thu theo thuế suất tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối). Theo đó, bổ sung mức thu thuế tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc 20 điếu; Phương án 2, tăng thuế suất thuế theo lộ trình từ ngày 1/1/2020 từ mức 75 lên 80%, từ ngày 1/1/2021 tăng từ mức thuế suất 80 lên 85%.

Về 2 phương án này, bác sĩ, Ths Phạm Thị Hoàng Anh cho biết: “Chúng tôi ủng hộ việc đề xuất tăng thuế TTĐB đối với sản phẩm thuốc lá của Bộ Tài chính vì những lợi ích y tế công cộng mà quyết định này có cơ hội mang lại”.

Tăng thuế sẽ giúp tăng giá bán lẻ, dẫn đến việc giảm tiếp cận đối với sản phẩm độc hại này của thanh thiếu niên và người nghèo, giảm tiêu dùng ở những người hút thuốc. Kết quả cuối là giảm gánh nặng về sức khỏe và chi phí liên quan đối với chính phủ và người dân; bên cạnh đó giúp tăng thu ngân sách.

Với 2 phương án mà Bộ Tài chính đưa ra, bà Phạm Thị Hoàng Anh ủng hộ phương án 1 là bổ sung thu thêm thuế tuyệt đối và sẽ áp dụng thu thuế TTĐB theo phương pháp hỗn hợp vì cơ cấu thuế hỗn hợp đem lại những ưu thế rõ ràng trong việc giúp giảm khoảng cách về giá giữa các dòng sản phẩm thuốc lá; loại trừ dần những sản phẩm thuốc lá siêu rẻ nhằm giảm sự tiếp cận của thanh thiếu niên và người nghèo; giảm nguy cơ chuyển giá giữa nhà sản xuất và các công ty phân phối.

Xu hướng chung trên thế giới, các nước áp dụng thuế tỷ lệ cũng đang dần chuyển dịch sang hệ thống thuế tuyệt đối và thuế hỗn hợp. Trong khu vực ASEAN, có 5 quốc gia hiện đang áp dụng hệ thống thuế tuyệt đối (Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore), 2 quốc gia áp dụng thuế hỗn hợp (Lào, Thái Lan) và chỉ có 3 quốc gia còn đang áp dụng thuế theo tỷ lệ, bao gồm Việt Nam. Vì vậy, đề xuất đổi sang mô hình thu thuế hỗn hợp của Bộ tài chính là vô cùng cần thiết và phù hợp với xu thế phát triển chung.

 

ảnh minh họa.

 

Tuy nhiên, Bác sĩ, Ths Phạm Thị Hoàng Anh cũng cho rằng thuế suất tuyệt đối bổ sung ở mức 1.000 đồng/bao thuốc lá là thấp so với nhu cầu thực tế và chưa đủ để đạt được mục tiêu y tế công cộng. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, phương án này sẽ giúp tăng thu ngân sách từ thuế nhưng tỷ lệ hút thuốc sẽ chỉ giảm được 1,6% vào năm 2020 so với năm 2015, rất thấp so với mục tiêu của Chính phủ đề ra trong chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2020 là giảm từ 45,3% (năm 2015) xuống 39% (2020) (tức là giảm 6,3%).

Bên cạnh đó, nếu chỉ tăng thuế vào năm 2020 và không có lộ trình tăng thuế trong các năm tiếp theo như đề xuất hiện tại thì do mức tăng thu nhập và lạm phát, giá thực của thuốc lá (nghĩa là giá sau điều chỉnh lạm phát) sẽ giảm và sức mua thuốc lá lại gia tăng. Như vậy là mục tiêu y tế công cộng chưa đạt được.

Để đạt được mục tiêu y tế công cộng, bà Phạm Thị Hoàng Anh khuyến nghị Bộ Tài chính cân nhắc sửa đổi phương án này như sau: Bổ sung mức thu tuyệt đối 2.000 đồng/bao thuốc lá và tiếp tục điều chỉnh mức thuế suất tuyệt đối ở các năm tiếp theo để ít nhất theo kịp lạm phát và tăng trưởng thu nhập.

Theo tính toán của các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), nếu áp dụng mức thuế TTĐB với thuốc lá là 75% giá xuất xưởng và bổ sung thêm mức thu tuyệt đối 2.000 đồng/bao 20 điếu thuốc lá sẽ làm khoảng 270.000 người bỏ hút thuốc và hơn 500.000 người không bắt đầu hút thuốc. Theo đó, sẽ phòng tránh được khoảng 230.000 trường hợp tử vong sớm do thuốc lá và qua đó tiết kiệm được cho xã hội hơn 2 tỷ USD. Nếu mức thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá là 75% và bổ sung thêm mức thu tuyệt đối 5.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu cũng có thể giúp cho gần 280.000 người bỏ hút thuốc và khỏang 1,3 triệu người không bắt đầu hút thuốc. Như vậy, sẽ có khoảng 450.000 trường hợp tử vong sớm do thuốc lá được phòng tránh và qua đó tiết kiệm hơn 4 tỷ USD.

 Mức thu thuế này đồng thời làm tăng đáng kể nguồn thu ngân sách, cụ thể: Nếu thu 2.000 đồng/ bao vào năm 2020 thì nguồn thu của Chính phủ sẽ tăng khoảng 6.352 tỷ đồng; nếu thu 5.000 đồng/bao vào năm 2020 thì nguồn thu của Chính phủ sẽ tăng khoảng 10.800 tỷ vào năm 2020. Quan trọng hơn, tỷ lệ hút thuốc ước sẽ giảm 6,5% vào năm 2020 - Đạt mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc trong nam giới Việt Nam đến năm 2020.  

PHƯƠNG THU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh