Hai nhiệm vụ trọng tâm của công ty TNHH MTV lọc - hóa dầu Bình Sơn (BSR) trong năm 2016
- Huyệt vị
- 21:33 - 26/07/2016
Ký Hợp đồng Tư vấn lập thiết kế tổng thể (FEED)
Ngày 28/8/2015, tại Trụ sở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Công ty BSR đã cùng đối tác Amec Foster Wheeler Energy Limited (Anh) ký kết Hợp đồng Tư vấn lập thiết kế tổng thể (FEED) cho Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất. FEED là hạng mục công việc rất quan trọng trong việc triển khai Dự án, là cơ sở để thực hiện các công tác thiết kế chi tiết, mua sắm, lắp đặt máy móc thiết bị, xây dựng nâng cấp mở rộng Nhà máy sau này. Tổng giá trị Hợp đồng FEED khoảng 25,6 triệu USD, thời gian thực hiện 15 tháng (từ tháng 8/2015 đến tháng 11/2016).
Ký hợp đồng Tư vấn giám sát giai đoạn FEED
Ngày 21/9/2015, tại Quảng Ngãi, Công ty BSR đã cùng Liên danh Quad Personnel Consultants – Công ty TNHH Giác Thành ký kết Hợp đồng Tư vấn giám sát (PC) giai đoạn thiết kế tổng thể (FEED) Dự án Nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất.Liên danh Quad và Công ty TNHH Giác Thành sẽ đảm nhiệm vai trò hỗ trợ công tác giám sát lập thiết kế tổng thể (FEED) với hợp đồng trị giá hơn 1,6 triệu USD và 15 tỷ đồng, thời gian thực hiện là 15 tháng. Công việc sẽ được triển khai song song với Hợp đồng FEED mà Công ty BSR đã ký kết với Nhà thầu Amec Foster Wheeler Energy Limited vào ngày 28/8/2015 vừa qua.
Khởi động FEED cho Dự án
Trong hai ngày 12 và 13/10/2015, tại Anh Quốc, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Công ty BSR/Ban quản lý Dự án Nâng cấp, mở rộng dự án NMLD Dung Quất (DQRE) đã tổ chức họp để khởi động Dự án với Công ty Amec Foster Wheeler Energy Limited.
Nội dung được các bên đề cập trong cuộc họp bao gồm: Các mục tiêu chính của dự án; Tối ưu hóa cấu hình và công suất nhà máy; Phương thức triển khai tối ưu hóa cấu hình và công suất nhà máy; Chiến lược hợp đồng cho giai đoạn lựa chọn nhà bản quyền công nghệ; Kế hoạch triển khai dự án; Kế hoạch huy động nhân sự cho dự án; Các vấn đề liên quan đến quản lý dự án và Phương pháp phối hợp và bàn giao tài liệu dự án.
PVN, BSR họp với tỉnh Quảng Ngãi về nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất
Sáng 6/11/2015, tại Hà Nội, PVN và Công ty BSR đã có buổi họp với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi về Dự án Nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất.
Cuộc họp tập trung 3 vấn đề chính, bao gồm: Tiểu dự án bồi thường, tái định cư Dự án NCMR NMLD Dung Quất, Công tác an sinh xã hội (ASXH) của BSR trên địa bàn tỉnh và tỉnh Quảng Ngãi giới thiệu 6 địa điểm xây dựng Trung tâm khí điện miền Trung. Hiện có 6 phương án bồi thường ở 4 vị trí mở rộng nhà máy và 2 khu khác là Khu nghĩa địa Bình Trị và Khu tái định cư. Bên cạnh đó, các bên cũng thảo luận để đưa ra các giải pháp về thẩm định, phê duyệt Tiểu dự án; Kế hoạch và quy định tạm ứng vốn và việc ủy quyền, xin cơ chế đặc cách cho Tiểu dự án.
Cổ phần hóa
Từ năm 2010, Chính phủ đã có chủ trương kêu gọi các nhà đầu tư /đối tác nước ngoài mua cổ phần của BSR nhằm thu hồi lại một phần vốn của nhà nước phục vụ cho các dự án, đặc biệt là Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất. Tuy nhiên, với một doanh nghiệp có vốn trên 3 tỷ USD như BSR thì phải là các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, khoa học công nghệ và nhân lực mạnh mới có nhu cầu tham gia. Thời gian qua, BSR đã có những cuộc tiếp xúc, làm việc với nhiều nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Đông Âu, Nga, Venezuela... nhưng do quan điểm khác biệt giữa các bên nên đến nay vẫn chưa có bước tiến mới nào.
Tổng Giám đốc Trần Ngọc Nguyên.
Năm 2015 với sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ và theo Đề án tái cơ cấu ngành Dầu khí Việt Nam tầm nhìn đến năm 2035, PVN vẫn do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ với thương hiệu Petrovietnam, Thủ tướng yêu cầu PVN thực hiện cổ phần hóa Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn và chỉ giữ tối thiểu 65% vốn điều lệ.
Phương án nữa là PVN sẽ chuyển nhượng vốn để chuyển đổi Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn thành công ty hai thành viên, trong đó PVN chỉ giữ 51% vốn điều lệ. Cùng với đó là Dự án Nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất đã bắt đầu tiến hành công tác thiết kế, như vậy công tác cổ phần hóa BSR không thể chậm trễ. Và ngày 06/11 vừa qua, PVN đã chính thức ký quyết định về việc cổ phần hóa của BSR và nếu công tác này được hoàn tất theo đúng kế hoạch thì BSR sẽ IPO vào cuối năm 2016.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV LHD Bình Sơn, Trần Ngọc Nguyên khẳng định: Trước hết chúng ta phải nhìn thẳng vấn đề đó là giá trị bền vững mà BSR mang lại cho nền kinh tế đất nước và cho mọi người dân. Việc đầu tư một dự án lọc hóa dầu cho phép Việt Nam chế biến các loại dầu thô trong nước và nước ngoài, đảm bảo từng bước về an ninh năng lượng, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp xăng dầu từ nước ngoài, góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước. Đồng thời sự phát triển của BSR trong thời gian qua đã tạo một dấu ấn trong ngành công nghiệp lọc hóa dầu, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và của khu vực miền Trung. Đây còn là tiền đề thúc đẩy các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất trên các lĩnh vực công nghiệp hóa chất, công nghiệp cơ khí, chế tạo và lắp ráp, đóng và sửa chữa tàu biển, luyện cán thép, vận tải, điện tử, chế biến và các ngành công nghiệp phụ trợ khác. Với vị trí và tầm quan trọng đó, BSR được coi là trái tim của Khu kinh tế Dung Quất và của Khu vực miền Trung.
Hiện, BSR là một trong 7 doanh nghiệp có quy mô lớn nhất Việt Nam. Sau 5 năm vận hành sản xuất và kinh doanh, BSR đã đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 100 nghìn tỷ đồng (tương đương 5 tỷ USD). Tỷ trọng thu ngân sách hàng năm từ BSR chiếm khoảng 80-90% tổng thu ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi. Chỉ tính riêng năm 2014, BSR đã đóng góp vào tổng thu ngân sách quốc gia khoảng 3%, cơ cấu sản phẩm do nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất sản xuất từng bước được đa dạng hóa. Ngoài các sản phẩm truyền thống, hiện nay BSR đã nghiên cứu và sản xuất thành công các loại sản phẩm mới như: Xăng nhiên liệu sinh học E5-RON 92, nhiên liệu phản lực Jet A-1K và nhiên liệu Diesel L-62 dùng cho quốc phòng.
Hiện BSR đã thành lập Tổ giúp việc triển khai công tác cổ phần hóa. Tiếp theo BSR sẽ tiến hành lựa chọn đơn vị tư vấn, thẩm định giá có kinh nghiệm trong lĩnh vực cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và tiến tới ký kết hợp đồng để đến hết năm 2015 công tác xác định giá trị doanh nghiệp hoàn tất. Tất nhiên việc triển khai cổ phần hóa BSR phải tuân theo chỉ đạo của Tập đoàn và căn cứ Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần và các văn bản có liên quan.
Đối với công tác sản xuất kinh doanh, hiện BSR xác định có 3 hạng mục lớn sẽ được triển khai trong thời gian tới, đó là: Tiếp tục đảm bảo duy trì sản xuất, vận hành nhà máy ổn định, an toàn, hiệu quả bền vững; Đẩy mạnh và triển khai công tác nâng cấp mở rộng nhà máy đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, an toàn và kết nối tích hợp thành công với nhà máy hiện tại nhằm đưa tổ hợp vận hành vào năm 2021; Bắt đầu triển khai thận trọng đảm bảo tiến độ chất lượng hiệu quả việc cổ phần hóa BSR nhằm thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước, tạo nguồn vốn phục vụ cho các dự án phát triển lọc hóa dầu.
Từ khi Nhà máy được đưa vào vận hành thương mại năm 2010, công suất vận hành của Nhà máy luôn đạt mức cao và ổn định. Nếu như năm 2010 công suất vận hành của NMLD Dung Quất đạt mức bình quân là 95% thì năm 2013 đạt 101% và hiện nay đang vận hành ở mức 107% công suất thiết kế (mức tối đa cho phép hiện nay là 110%). Công tác bảo dưỡng sửa chữa theo đúng kế hoạch với hai đợt bảo dưỡng tổng thể vào năm 2011 và 2014 đã khẳng định tính chuyên nghiệp, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao của đội ngũ cán bộ kỹ sư BSR, cả hai đợt bảo dưỡng đều về sớm từ 2-5 ngày so với kế hoạch đã làm lợi hàng trăm tỷ đồng cho Nhà nước.
Công tác thương mại và thị trường, quản lý vốn nhà nước, quản lý vật tư và sản phẩm từng bước phát triển, tối ưu hóa, góp phần tăng thêm hiệu quả sản xuất kinh doanh, mang lại lợi nhuận ngày càng tốt hơn cho BSR. Đồng thời công tác tìm kiếm khai thác, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế được triển khai chủ động và có hiệu quả. Tổ chức bộ máy quản trị tài chính kế toán phù hợp với tình hình nhiệm vụ.