Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021
- Huyệt vị
- 14:46 - 16/02/2021
Trong bản Báo cáo Kinh tế Vĩ mô quý IV và cả năm 2020, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý IV/2020 đạt mức 4,48%, cao hơn so với quý III/2020 (2,62%).
Tính chung năm 2020, GDP Việt Nam tăng 2,91%, mức tăng trưởng dương, thuộc nhóm tốt nhóm tốt nhất so với các nước trong khu vực và quốc tế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều trắc trở và khó khăn
Theo VEPR, với điều kiện Covid-19 tiếp tục được khống chế ổn định ở trong nước và kinh tế thế giới bắt đầu khởi sắc do các biện pháp phong tỏa được dần gỡ bỏ, chúng tôi dự kinh tế Việt Nam năm 2021 có thể đạt mức tăng trưởng trong khoảng 5,6 - 5,8%.
Tuy nhiên, nếu dịch Covid-19, đặc biệt với biến thể mới, diễn biến phức tạp ở trong nước khiến hoạt động kinh tế nội địa bị gián đoạn, thì năm 2021 có thể không đạt được mức tăng trưởng của năm 2020.
VEPR cho hay, dựa vào những yếu tố tích cực cũng như tiêu cực đang tác động lên nền kinh tế Việt Nam hiện nay, có hai kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2021:
Kịch bản cơ sở: Trong kịch bản này, bệnh dịch không lan rộng trong nước trong phần lớn thời gian của năm và hoạt động kinh tế nội địa tiếp hoạt động bình thường với sự dần trở lại trạng thái bình thường của kinh tế toàn cầu.
Đặc biệt, bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới có thể tái xuất hiện cục bộ trên quy mô nhỏ ở một số quốc gia.
Theo đó, mức độ tác động của Covid-19 lên các ngành nông lâm ngư nghiệp, sản xuất chế biến chế tạo và các ngành trong khu vực dịch vụ sẽ không nghiêm trọng hơn so với năm 2020.
Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 5,6 - 5,8%.
Kịch bản bất lợi: Ở kịch bản này, dịch Covid-19 trong nước bùng phát với biến thể mới của virus SARS-CoV-2 trong năm 2020 khiến hoạt động kinh tế bị gián đoạn.
Đồng thời, bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế-tài chính quan trọng trên thế giới không có nhiều cải thiện, dù các nỗ lực đưa vaccine ngừa Covid-19 vào đời sống đã diễn ra, nhưng hiệu quả tới người dân chưa đạt quy mô lớn.
Bên cạnh đó, việc đi lại trên thế giới chưa phục hồi. Do đó, dịch vụ lưu trú và ăn uống không có động lực hồi phục do thiếu khách du lịch nước ngoài, trong khi nhu cầu trong nước với các loại hình dịch vụ này cũng bị hạn chế do tình trạng hạn chế đi lại và sinh hoạt do bệnh dịch.
Ngoài ra, hệ thống doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân, bắt đầu bộc lộ những tổn thương lớn do khả năng chống chọi dần suy kiệt. Đầu tư công tiếp tục được thúc đẩy nhằm hỗ trợ tổng cầu.
Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 1,8 - 2,0%.
"Chúng tôi vẫn nghiêng về kịch bản cơ sở hơn cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam nhiều khả năng sẽ đạt mức tăng trưởng trong khoảng 5,6-5,8% trong cả năm 2021", theo VEPR.
"Lưu ý rằng, cả hai kịch bản nêu trên đều giả định hệ thống y tế trong nước vẫn chống chọi được với dịch bệnh trong nước. Nếu quy mô dịch bệnh vượt quá tải của hệ thống y tế, thì các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, khó dự báo được hậu quả sẽ ra sao", VEPR nhấn mạnh.