Hãi hùng thực phẩm bẩn được "găm" lại để... chờ Tết
- Y học 360
- 17:25 - 25/12/2015
Nơi chế biến đồ ăn bẩn như công trường
Cứ vào dịp giáp Tết, người dân xã Minh Khai (huyện Hoài Đức, Hà Nội) lại tất bật đêm ngày để cho ra đời hàng chục tấn miến phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Khi đến làng miến truyền thống này, không ít người rùng mình bởi mùi hỗn tạp từ nước thải cống rãnh của các hộ xả thải ra mà chưa qua xử lý.
Chúng tôi tiếp cận cơ sở sản xuất bột sắn để làm nguyên liệu sản xuất miến, mì, bánh kẹo của gia đình anh Đ.K.T (thôn Minh Hòa 4). Khung cảnh sản xuất ngổn ngang như… công trường xây dựng.
Anh Đ.K.T (thôn Minh Hòa 4, xã Minh Khai không trang bị quần áo bảo hộ mà chỉ có duy nhất đôi ủng khi tham gia sơ chế nguyên liệu. Ảnh: T.A
Cũng giống như nhiều lao động khác, anh T không trang bị quần áo bảo hộ, găng tay, khẩu trang mà chỉ có mỗi đôi ủng khi sơ chế nguyên liệu. Khi chúng tôi đến, anh T đang hì hục xúc từng xẻng sắn lên máy nghiền để kịp giờ chuyển hàng. “3 tháng giáp Tết là khoảng thời gian gấp rút vì lượng hàng các cơ sở sản xuất đặt tăng nhiều lần. Mỗi ngày, gia đình tôi xuất xưởng khoảng 1 tấn bột sắn” - anh T cho biết.
Tại cơ sở sơ chế nguyên liệu của gia đình anh T, củ sắn, dong riềng được đổ trực tiếp trên nền nhà bẩn thỉu rồi đưa lên máy nghiền thành bột. Một góc khác của căn nhà vung vãi những nguyên liệu sau khi được nghiền, thậm chí tràn ra lề đường bê tông. Trò chuyện với anh, chúng tôi được biết, củ sắn, dong chỉ rửa qua 1 lần nước rồi đưa vào nghiền luôn. Kết quả tạo ra một thứ nước bột sủi bọt đen đục. Thấy chúng tôi lo ngại về vấn đề sơ chế không đảm bảo, anh T trấn an: “Yên tâm, đến lúc đánh bột ra người làm sẽ rửa lại 4 - 5 lần nữa… Đến tay người tiêu dùng vẫn bảo đảm về chất lượng của sản phẩm” (?).
Trong vai người đến tìm nguồn hàng miến dong, mì gạo về bán lẻ, chúng tôi được anh Hiệp – chủ cơ sở sản xuất bún, miến Thủy Hiệp cho biết: “Miến năm nay rất đắt, đỉnh điểm gần đây nhất là 57.000 đồng/kg. Giá bánh kẹo phục vụ tết năm nay cũng sẽ bị đẩy lên một chút do giá nguyên liệu nhập vào rất cao. Anh Hiệp cũng cảnh báo, do giá nguyên liệu đắt đỏ nên không tránh khỏi hiện tượng nhiều nơi sản xuất độn thêm sợi sắn, sử dụng thêm bột đót và chất phụ gia làm miến trắng hoặc phẩm nhuộm màu miến.
Mỡ bẩn... vào mùa
Giáp tết cũng là lúc các lò chế biến mỡ thành phẩm ở ngoại thành Hà Nội phải làm việc hết công suất để có đủ hàng phục vụ nhu cầu của các cơ sở sản xuất thực phẩm phục vụ tết.
Ngày nào chị Nguyễn Thị P (xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội) cũng phải dậy từ rất sớm để đến chợ đầu mối Bắc Thăng Long và lò mổ ở các xã lân cận để gom mỡ, bì cho lò chế biến mỡ của gia đình. Chị P tiết lộ, mỗi cân thịt mỡ lấy vào với giá từ 3.000 – 8.000 đồng/kg tùy thuộc vào độ tươi, khoảng 1 – 2 tháng gần đây giá mỡ nguyên liệu cũng tăng thêm khoảng 2.000 – 3.000 đồng/kg do nhu cầu thu mua của các lò chế biến mỡ nhiều hơn nhằm “găm” hàng phục vụ Tết Nguyên đán.
Cơ sở sản xuất của chị T ngay mặt đường liên thôn nên mỗi khi lò nổi lửa là mùi khét lẹt của mỡ cháy, mùi hôi thối của nguyên liệu bốc lên khiến ai đi ngang qua cũng thấy khó chịu.
Thịt mỡ mà chị P nói thực chất là những đám mỡ bèo nhèo được các lò mổ cắt ra từ những mảng thịt thừa, trong đó bao gồm cả nội tạng, lòng mề còn chứa cả phân. Nguyên liệu này sau khi mua về sẽ được mang ra rán trực tiếp trong các chảo lớn rồi lọc lấy mỡ, tóp mỡ cũng được gom lại để bán cho các cơ sở sản xuất nhân bánh, patê... Mỡ thành phẩm được bán cho các đầu mối phân phối mỡ với giá 14.000 – 16.000 đồng/lít.
Một đầu mối chuyên thu gom mỡ nguyên liệu cho biết, ngoài chợ đầu mối Bắc Thăng Long, anh còn thu mua tại các chợ đầu mối ở Thạch Thất, Phùng Khoang để cung cấp cho các lò chế biến mỡ ở Kim Sơn (Gia Lâm); Thanh Trì và Văn Lâm (Hưng Yên). “Đợt này nguồn cung được giá, gom bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu vì các cơ sở vào mùa làm mỡ phục vụ tết, chính vì vậy, chỉ cần có thể ép ra mỡ, nguyên liệu như thế nào cũng dùng được, giá nào cũng có hàng” – đầu mối này tiết lộ.
Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế): Nâng cao nhận thức người dân Hiện Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã hoàn thành tập huấn cho cán bộ và sẽ triển khai mô hình thanh tra an toàn thực phẩm (ATTP) xã phường trong đầu năm 2016. Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của nhân dân về ATTP, không chỉ là cách lựa chọn thực phẩm an toàn mà còn là ý thức tẩy chay thực phẩm bẩn, tố giác cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm sai phạm. Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Công ty Đại Nam, Hà Nội: Luật chưa đủ răn đe Điều 244 Bộ luật Hình sự nêu rõ: Người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm biết rõ là không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người tiêu dùng, thì bị phạt tù từ 1 - 5 năm. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 7 - 15 năm. Tôi cho rằng chế tài này không có tính răn đe. Đơn cử như quy định khi gây thiệt hại nghiêm trọng mới truy cứu trách nhiệm hình sự là chưa đáp ứng được việc đấu tranh phòng ngừa. Bắt được hàng tấn mỡ bẩn, tuy nhiên việc chưa gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng (do bị phát hiện) là nằm ngoài mục đích của người vi phạm. Theo tôi, chỉ cần phát hiện là có thể xử lý hình sự, không cần đợi hậu quả xảy ra. Bộ luật Hình sự mới (khoản 1, Điều 317), có hiệu lực từ 1.7.2016, đã khắc phục được điều này. Bà Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia: Mỡ bẩn dễ gây ung thư Ăn phải mỡ bẩn người dân gặp rất nhiều nguy cơ về sức khoẻ. Trước hết, nếu mỡ hôi thối, có nấm mốc, người tiêu dùng có thể bị ngộ độc thực phẩm, nhẹ thì bị tiêu chảy, nôn, mất nước; nặng có thể gây sốc trụy tim mạch, nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, mỡ được bảo quản không tốt có thể bị ôxy hoá làm tăng các chất độc hại ảnh hưởng đến sức khoẻ như tăng mỡ máu, gan nhiễm mỡ… Mỡ dùng lại nhiều lần sẽ tạo ra nhiều chất độc hại, vào cơ thể sẽ phá hủy các men tiêu hóa làm khó tiêu, gây nhức đầu, huyết áp cao, ung thư, tiểu đường, tim mạch... Tuấn Kiệt - Lê Chiên (ghi) |