Hà Tĩnh: Tự hào là quê hương của Tổng Bí thư Hà Huy Tập
- Văn hóa - Giải trí
- 16:57 - 09/04/2016
Khu nhà thờ của cố Tổng bí thư Hà Huy Tập tại xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên
Người cộng sản kiên trung
Đồng chí Hà Huy Tập sinh ngày 24/4/1906 trong một gia đình nhà Nho nghèo tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Thân phụ Hà Huy Tập là ông Hà Huy Tương, đỗ cử nhân nhưng không ra làm quan mà ở quê dạy học và làm thầy thuốc; thân mẫu là bà Nguyễn Thị Lộc, một nông dân cần cù, chất phác, cả cuộc đời gắn bó với đồng quê lam lũ. Năm 1913 Hà Huy Tập bắt đầu đi học ở trường xã và đỗ đầu trong kỳ thi tốt nghiệp trường sơ học ở tổng Thổ Ngọa vào năm 1917. Sau khi tốt nghiệp sơ học Hà Huy Tập tưởng không thể tiếp tục theo đèn sách vì gia đình quá khó khăn, nhưng đến tháng 9 năm 1917, nhờ có người thân trong họ giúp đỡ, Hà Huy Tập được ra tỉnh lỵ (thị xã Hà Tĩnh) tiếp tục học bậc tiểu học. Và năm 1919, nhà trường mở đợt thi tuyển học sinh giỏi để xét cấp học bổng, Hà Huy Tập đỗ thủ khoa được đặc cách vào thẳng Trường Quốc học Huế. Năm 1923, Hà Huy Tập tốt nghiệp trường Quốc học Huế với tấm bằng hạng ưu. Không có tiền học lên tiếp, Hà Huy Tập đành phải xin làm giáo viên ở một trường tiểu học ở thị xã Nha Trang, sau chuyển về Trường Tiểu học Cao Xuân Dục, thị xã Vinh ( Nghệ An). Chính trong thời gian này Hà Huy Tập được tiếp xúc và đọc nhiều tài liệu, chủ yếu qua sách, báo về quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp và về cuộc sống bần hàn của nhân dân lao động. Từ đó, Hà Huy Tập luôn trăn trở và đi tìm lời giải đáp cho một câu hỏi lớn đặt ra là làm cách nào để đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi Đông Dương.
Một góc thị trấn Cẩm Xuyên- quê hương của đồng chí Hà Huy Tập
Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Hà Huy Tập luôn là tấm gương cộng sản kiên trung vì lý tưởng tự do hòa bình và độc lập dân tộc. Ngày 1/5/1938, trong một chuyến đi công tác, đồng chí bị bọn mật thám Pháp bắt và bị đẩy vào nhà giam ở Sài Gòn, sau đó bị trục xuất về quê. Tại quê hương, đồng chí luôn chịu sự kiểm soát, theo dõi gắt gao. Ngày 30/3/1940,thực dân Pháp lại bắt Hà Huy Tập đưa vào giam tại Khám Lớn (Sài Gòn). Ngày 22/10/1940, Tòa án thực dân Sài Gòn kết án Hà Huy Tập 5 năm tù, “tước quyền công dân và chính trị và 10 năm không được sống ở các vùng có âm mưu lật đổ”.
Hà Tĩnh đang ra sức xây dựng quê hương ngày một đẹp giàu
Ngày 25/3/1941, sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940), thực dân Pháp mở phiên tòa án binh, đưa ra xử án hàng trăm người bị bắt, trong đó có Hà Huy Tập. Dù không dính líu đến cuộc khởi nghĩa đó, nhưng thực dân Pháp vẫn buộc Hà Huy Tập “chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ”. Chúng tuyên án tử hình Hà Huy Tập cùng với các đồng chí: Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai. Và vào ngày 28/8/1941, thực dân Pháp đưa Hà Huy Tập ra xử bắn tại Sở Rác (nay là Bệnh viện huyện Hóc Môn, Gia Định). Hà Huy Tập ngã xuống ở tuổi 35, độ tuổi đang tràn đầy sức lực và tài năng sáng tạo cống hiến cho cách mạng. Hình ảnh của đồng chí Hà Huy Tập trước pháp trường thực dân đã đi vào lịch sử với khí phách hiên ngang và lời hô vang “Cách mạng muôn năm!”.
Toàn cảnh đập chính công trình Đại thủy nông Kẽ Gỗ tại xã Cẩm Mỹ huyện Cẩm Xuyên
Những đổi thay trên quê hương Hà Huy Tập
Xứng danh với quê hương của đồng chí, trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong cuộc kháng chiến vĩ đại và công cuộc xây dựng bảo vệ tổ quốc, Đảng bộ chính quyền, nhân dân Hà Tĩnh luôn quyết tâm phấn đấu từng bước đưa tỉnh nhà vượt qua mọi khó khăn thách thức. Xuất phát điểm từ một trong những địa phương nghèo và lạc hậu nhất nước, trong những năm qua Hà Tĩnh đã trở thành tốp đầu về phát triển kinh tế xã hội… đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.
Nhà thờ cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập tại xã Cẩm Hưng huyện Cẩm Xuyên
Chỉ tính riêng giai đoạn 2011 – 2015 tốc độ bình quân về kinh tể đạt trên 18%; cơ cấu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp; tái cơ cấu nền kinh tế được triển khai tích cực; GRDP bình quân đầu người đạt trên 44 triệu đồng; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được Trung ương đánh giá là điểm sáng của cả nước, được Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng Nhất; giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng bình quân tăng 38,3%, nổi bật nhất là 2 khu kinh tế Cầu Treo, Vũng Áng và 19 khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thu hút 426 dự án đầu tư trong và ngoài nước, với tổng số vốn đăng ký trên 40 000 tỷ đồng và 20 tỷ USD.
Bãi tắm Thiên Cầm
Các hoạt động trên lĩnh vực văn hoá - xã hội, giáo dục, an ninh quốc phòng… đều phát triển mạnh mẽ. Trong đó đáng chú ý là dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Đại Thi hào dân tộc Nguyễn Du được UNESCO vinh danh là danh nhân văn hóa thế giới và tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 250 năm Ngày sinh của ông; công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo và thực hiện các chính sách an sinh xã hội đạt thực hiện hiệu quả; công tác quản lý nhà nước về lao động, người nước ngoài, nhất là ở các khu kinh tế, khu công nghiệp, vùng biên giới được chú trọng… song song với đó, công tác chính trị tư tưởng được quan tâm, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội…
Người dân Hà Tĩnh ra sức xây dựng phong trào nông thôn mới
Đặc biệt đối với huyện Cẩm Xuyên, mảnh đất Hà Huy Tập sinh ra và lớn lên đã kế thừa những thành quả đạt được, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu vương lên mạnh mẽ một cách toàn diện, đóng góp vào sự phát triển chung. Trong đó kinh tế huyện nhà tiếp tục tăng trưởng đồng đều và chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông nghiệp từ 44,18% xuống còn 35,08%; công nghiệp, xây dựng tăng từ 23,85% tăng 26,98%; thương mại - dịch vụ - du lịch tăng từ 31,97% lên 37,94%; thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt trên 28,08 triệu đồng, tăng 2,6 lần so với năm 2010; thu ngân sách năm 2015 đạt trên 150 tỷ đồng, tăng 3,1 lần so với năm 2010.
Tàu về cập cảng Vũng Áng
Trong nhiều năm liền, Cẩm Xuyên luôn giữ vững ngọn cờ đầu và là Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Năm 2015, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất, được BCH Đảng bộ tỉnh tặng danh hiệu “Đơn vị trong sạch, vững mạnh tiêu biểu” 5 năm 2010- 2015; được Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc… Sự phát triển đồng đều, liên tục và toàn diện trong những năm qua, đã tạo tiền đề cho huyện nhà phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Nhà tưởng niệm cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, tại xã Cẩm Hưng huyện Cẩm Xuyên ( Hà Tĩnh)
Cụ Phan Đình Giát (97 tuổi sống tại xã Cẩm Quan huyện Cẩm Xuyên) là em trai của anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót không cầm nổi cảm xúc nói: Xưa kia cuộc sống người dân Cẩm Xuyên vô cùng cơ cực, hết thế hệ này đến thế hệ nọ phải bỏ làng bỏ xứ đi làm thuê cuốc mướn khắp nơi, nhưng bây giờ thì mọi thứ đã đổi thay, đời sống vật chất tinh thần của bà con đã phát triển đến không thể tin vào mắt mình nữa. Người dân Cẩm Xuyên chúng tôi luôn cảm thấy rất tự hào là quê hương của đồng chí Hà Huy Tập kính yêu! |