Khách thập phương về dâng hương tưởng nhớ Chiêu Trưng Đại vương- Lê Khôi
Lễ hội đền Lê Khôi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2018. Lê Khôi, thụy là Võ Mục, con ông Lê Trừ (anh thứ hai của Lê Lợi). Cha mẹ mất sớm, Lê Khôi ở với chú ruột Lê Lợi và tham gia nghĩa quân Lam Sơn từ ngày đầu cho đến lúc giải phóng hoàn toàn đất nước; ông có tên trong Hội Thề Lũng Nhai và danh sách 35 công thần khởi nghĩa. Lê Khôi làm quan trải 3 triều (Lê Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông) lên tới chức: "Khâm sai tiết chế thủy lục như dinh, Hộ vệ thượng tướng quân".
Năm 1443 Lê Khôi được phái vào làm Tổng trấn Hoan Châu, thời gian này ông chú trọng phát triển
nông nghiệp đắp đập khai hoang lập làng. Năm 1446 phụng mệnh vua Nhân Tông cầm quân đi đánh giặc Chiêm Thành, trên đường trở về ông bị bệnh nặng, đoàn chiến thuyền đến Cửa Sót dưới chân núi Nam Giới thì ông mất, được triều đình làm quốc tang; thi hài ông an táng tại chóp núi Long Ngâm, ngọn núi cuối cùng của dãy Nam Gới, nay thuộc xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh).
Đền Chiêu Trưng Đại vương -Lê Khôi
Đền Chiêu Trưng còn gọi là đền Võ Mục, gồm 3 toà được xây dựng năm Đinh Mão (1477) một năm sau khi ông mất. Đến nay, mặc dù đã được nhiều lần trùng tu song ngôi đền vẫn giữ được dáng vẻ ban đầu. Năm 1487, Lê Khôi được vua Lê Thánh Tông truy phong hiệu “ Chiêu Trưng Đại vương”.
Hàng năm vào ngày 1, 2, 3 tháng 5 âm lịch là ngày giỗ và hội đền Chiêu Trưng Đại vương- Lê Khôi. Trước ngày chính giỗ, thường vào sáng hoặc chiều tối ngày 1/5 ÂL, khu vực này thường xuất hiện 1 trận mưa rào rất to, nhân dân địa phương gọi đó là mưa “ tắm tượng” “ rửa đền” hay là cơn mưa "mộc dục" làm cho không khí trở nên mát mẻ.
Các em nhỏ được chuyển từ tàu xuống thuyền thúng đưa vào bờ tham gia Lễ hội đền Chiêu Trưng Đại vương -Lê Khôi
Được biết, trong dịp này huyện Thạch Hà tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao như bóng đá, bóng chuyền, thơ. nhạc...với sự hưởng ứng tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân trên khắp địa bàn.