Hà Tĩnh: Nông dân bị ép giá thuê máy gặt lúa mùa
- Dược liệu
- 22:38 - 16/09/2016
(Video) Mâu thuẩn xảy ra do giành dật máy gặt và đẩy cao mức gặt tại những thửa ruộng ngập nước
Mưa lớn trên diện rộng bất ngờ ập đến ngay giữa chính vụ thu hoạch lúa mùa của nông dân huyện Cẩm Xuyên, nơi được coi là vựa thóc của Hà Tĩnh, càng làm bà con ở đây phải chạy đua với lũ lụt để vớt vát lấy phần nào mồ hôi công sức của mình từng đổ ra bao tháng ngày trước đó trên những thửa ruộng của họ. Thế nhưng, khi nhu cầu của họ càng bức thiết bao nhiêu, thì các chủ máy gặt đã được chính quyền địa phương "ưu ái" cho ký kết hợp đồng với các thôn càng đẩy giá lên cao.
Đặc biệt, tại xã Cẩm Hưng, chính quyền địa phương ra văn bản chỉ đạo các thôn, ép bà con nông dân phải trả chi phí cho mỗi đầu máy gặt/ 1 sào ( 500m2) từ 120.000- 140.000 đồng, và chỉ được phép lựa chọn thuê những máy móc được hợp đồng với thôn, tuyệt đối không được tự thuê máy gặt ngoài tự thỏa thuận giá cả.
Người dân Cẩm Xuyên đang bước vào vụ thu hoạch
Ông Hà Huy Cường, nông dân thôn 11 xã Cẩm Hưng bức xúc nói: "Gia đình tôi nhận 1,4 mẫu ruộng khoán ( 700.000m2) nếu thuê máy gặt theo giá thỏa thuận chỉ có giá chỉ mất khoảng 100.000 đồng/ 1 sào, như vậy vị chi toàn bộ diện tích lúa thu hoạch chỉ mất khoảng 1,4 triệu đồng, nếu so với giá UBND xã đưa ra mức quy định ít nhất cững giảm được từ 300.000- 500.000 đồng. Tuy nhiên, đó là lúc chưa xảy ra mưa lũ, còn hiện tại do nhiều diện tích lúa của dân đang bị ngập lụt thì giá cả người ta thét trên trời với giá 200.000 đồng, thậm chí 250.000 đồng cũng phải nghe, bởi nếu ai muốn thuê máy gặt khác đến lập tức có người đứng ra ngăn cấm ngay. Vì lẽ đó, sau khi tính đi tính lại, sản lượng không đủ cho tiền thuê, nên tôi quyết định bỏ lại một số diện tích lúa bị ngập cho trâu bò ăn, không gặt hái gì nữa".
Văn bản của UBND xã Cẩm Hưng, ngược với chủ trương của Huyện Cẩm Xuyên
Ông Lê Ngọc Hà, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên cho biết: Vụ mùa năm nay cả huyện Cẩm Xuyên có 9.000ha lúa đang vào mùa gặt, nếu tính theo đầu máy gặt hiện có trên địa bàn 160 chiếc (hầu hết là các loại máy gặt hiện đại có công suất lớn được sản xuất tại Nhật Bản), và khoảng 20 chiếc từ địa phương khác đến thì chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày là thu hoạch xong. Trước khi vào vụ gặt Phòng NN&PTNT huyện cũng đã tham mưu cho UBND huyện chủ động các phương án huy động tối đa các phương tiện sẵn có, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để bà con thu hoạch sớm, trên cơ sở người dân và chủ các phương tiện tự thỏa thuận giá cả được thuê, nhưng phải đảm bảo mặt bằng giá cả thị trường không được ép, phá giá…
Ông Hà cũng thừa nhận liên tiếp trong những năm qua tình trạng các băng nhóm hoạt động bảo kê máy gặt trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên vẫn xảy ra, nhưng chưa có địa phương nào như chính quyền xã Cẩm Hưng lại đứng ra giàn xếp việc này bằng văn bản. Rõ ràng UBND xã Cẩm Hưng đã đi ngược với chủ trương của Đảng ủy, HĐND, UBND huyện Cẩm Xuyên, cũng như đi ngược lại với lợi ích của người dân trong xã.
Máy gặt của một cán bộ xã Cẩm Hưng được điều đến gặt cho ông Hà Huy Cường theo giá quy định của xã, nhưng ông Cường không đồng tình
Được biết, số máy gặt hiện có của người dân Cẩm Xuyên tự mua sắm đều được hỗ trợ 40% tiền vốn theo Nghị quyết 90 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh. Tuy không ra điều kiện bắt buộc các chủ phương tiện phải giảm giá gặt lúa cho dân, song các chủ phương tiện cần phải biết rõ 40% tiền hỗ trợ cho họ mua sắm máy móc của họ được trích ra từ ngân sách của địa phương nên họ cần phải có trách nhiệm phục vụ dân, nhất là trong khi lúa của dân đang bị ngập lụt. Biết rằng, để gặt được 1 sào lúa bị ngập thời gian thực hiện phải kéo dài lên gấp 2 gấp 3 lần, theo đó chi phí cho nhiên liệu, hao mòn máy móc, tiền công lao động chi trả cho công nhân lái máy cũng cũng cao hơn... người nông dân Cẩm Xuyên cũng biết rõ điều đó, nên họ sẵn sàng bỏ tiền ra để chi trả. Thế nhưng, trong lúc mưa lũ trắng đồng, người nông dân đang ngửa mặt lên trời kêu cứu thì những cỗ máy gặt vẫn nằm chình ình ra giữa ruộng, để chờ giá đẩy lên cao.
(Video)Máy gặt của ông Cường thuê theo giá thỏa thuận nhưng chỉ gặt xong ruộng khô tìm cách khước từ đề nghị của ông gặt ruộng ướt
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc chính quyền xã Cẩm Hưng quy định mức giá từ 120.000 đồng đến 140.000 đồng cho mỗi sào gặt là không quá cao so với ruộng khô, nhưng vô tình gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến những xung đột không đáng có. Cuối cùng thiệt thòi lớn nhất vẫn đổ lên đầu người dân. Đơn cử sau khi nhận được thông tin phản ánh của một số hộ dân ở xã Cẩm Hưng vào chiều 13/9. Phóng viên Báo Dânsinh đã gặp và trao đổi trực tiếp với ông Phạm Đăng Nhật, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên về nội dung phản ánh. Sau khi xác nhận thông tin phóng viên cung cấp là đúng, ngay lập tức ông Nhật đã điện thoại chỉ đạo chủ tịch UBND xã Cẩm Hưng chấn chỉnh lại việc làm sai trái của chính quyền xã.
Người dân Cẩm Xuyên xuống đồng thu hoạch lúa mùa
Qua đó, ngày 14/9 chính quyền xã Cẩm Hưng đã có những điều chỉnh cho phép các máy gặt khác được hoạt động tự do trên địa bàn và tự thỏa thuận giá cả với dân. Tuy vậy, tới ngày 16/9, số chủ phương tiện không được hợp đồng gặt lúa từng đưa ra mức 100.000 đồng/ 1 sào, thậm chí còn thấp hơn trước vẫn ra ruộng gặt cho dân, nhưng họ chỉ gặt vài sào ruộng khô rồi bỏ của chạy người. Như ông Hà Huy Cường, trước đó cũng được một chủ máy gặt là một công an viên trong xã thuê công nhân từ Bình Định ra điều khiển, đã đưa ra mức giá 100.000 đồng/1 sào, sau khi máy gặt cho ông 7 sào ruộng khô, còn những sào ruộng ngập nước cũng bị từ chối, mặc dù ông sẵn sàng chi trả 200.000 đồng/ 1 sào, nên càng làm cho ông Cường thêm phẫn nộ!
Lúa bị ngập của nông dân xã Cẩm Hương vừa gặt vừa phơi tránh bị lên mầm
Không riêng ở Cẩm Hưng, mà một số địa phương khác như Cẩm Quang, Cẩm Lộc, Cẩm Lĩnh... ở huyện Cẩm Xuyên, người nông dân đang phải đối mặt với nạn bảo kê máy gặt và giá cả. Nhưng xót xa hơn, vào thời điểm hiện tại, khi mà hàng ngàn ha lúa mùa của bà con đã vào vụ gặt đang bị ngập nước, họ vẫn không có quyền tự quyết định được thành quả của mình trước cơ chế thị trường!