THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:59

Hà Tĩnh: Nỗi niềm của người thợ cơ khí bậc 7 không có "đất dụng võ”!

 

Ông Phan Viết Minh đã 75 tuổi vẫn say mê với nghề cơ khí

 

Ông Minh (Phan Viết Minh, sinh năm 1944 , trú quán thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn, (Hà Tĩnh) là thợ nguội bậc 7 về hưu) bộc bạch  rằng, dù cuộc đời ông "tréo ngoe"  nhưng ngọn lửa yêu nghề cơ khí trong ông không bao giờ tắt nguội. "Tréo ngoe" thứ 1 là: “Tui ham mê bóng đá. Năm 1960 học xong cấp 2 được tuyển chọn vào đội bóng trẻ Trường HL Hà Nội do Đội trưởng Kimốp- Chuyên gia Liên Xô huấn luyện và sau đó đội bóng có kế hoạch sang Liên Xô học tập, nhưng do xét lại, nên chuyến đi bị hoãn. Năm 1963, tôi chuyển về học tập và làm việc ở nhà máy Cơ khí Hà Nội. Năm 1967 được cử sang Tiệp Khắc học chế tạo máy. Năm 1971 về lại nhà máy cơ khí Hà Nội. Đó là bước ngoặt trong cuộc đời tôi, từ giấc mộng bóng đá chuyển sang nghề cơ khí”.

“Tréo ngoe thứ 2 là đang say mê với nghề thì năm 1974, tôi về Hà Tĩnh. Yêu một cô ở Đoàn văn công Hà Tĩnh. Thợ cơ khí Hà Nội, yêu văn công ở quê, thế là bỏ Hà Nội, bỏ cơ khí về Đoàn văn công giữ chân chạy máy nổ và phụ trách điện. Được hai năm, hai vợ chồng chuyển về Bưu điện tỉnh. Chưa ấm chỗ lại chuyển về Lâm trường Hương Sơn, tôi được sung vào đội bóng và mẹ cháu (bà Trần Thị Như) sung vào đội văn nghệ. Đó là những năm hoàng kim của Lâm trường Hương Sơn, dưới thời ông Như làm Giám đốc”. Ông Minh nói.
Dưới thời ông Như, ông Minh “đá hai cân đều dẻo”. Buổi chiều tập với đội bóng. Có thi đấu thì đi. Thời gian còn lại làm việc tại xưởng sửa chữa.

 

Ông Phan Viết Minh tâm sự về nghề cơ khí nguội của mình 

 

Thời lâm trường còn ăn nên làm ra, xưởng sữa chữa cơ khí của lâm trường hiện đại. Với tay nghề thợ nguội bậc 7, ông Minh có nhiều dịp trổ tài. Ấy là năm 1980, Bộ Lâm nghiệp đầu tư cho Lâm trường 2 máy San tự hành hiện đại. Sau khi lắp xong vận hành thử, nắp hộp số bị vỡ. Lãnh đạo lâm trường hết sức lo lắng. Thợ cơ khí trong xưởng bó tay. Ông Minh đã sử dụng những công cụ hiện có như máy khoan cần tay đòn dài, tự sáng tạo công cụ để tiện và sau một tuần ông đã khôi phục được máy.

Thế là từ đó, ông tự chế máy khoan, máy tiện, và nhất là sửa chữa gia công phụ tùng máy nổ, búa đóng gỗ phục vụ lâm trường. Nhưng khi gỗ trên rừng đã hết, cửa rừng đóng, lâm trường “tan đàn sẻ nghé”, nhà xưởng tan hoang, máy móc thiết bị cơ khí bán rẻ, người thợ bậc cao về hưu, “ngứa chân, ngứa tay, nhớ nghề lại lúi húi ở nhà xưởng chữa nông cụ cho bà con nông dân”. Ông Minh tâm sự.

Trái khoáy thứ ba là thợ cơ khí bậc 7, nhưng “không có đất dụng võ”. “Cánh bay thiếu những chân trời”. Thị trấn Tây Sơn nằm trên đường 8A có Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo sang nước bạn Lào, nhân dân ở đây trước thì bám vào rừng và nay “phất” nghề làm ăn buôn bán chứ không mấy ai mặn mà với học nghề. Mà nhất là nghề nguội chính xác như ông Minh lại càng là của độc, của hiếm.

 Khi được hỏi có ai học nghề của ông không? Ông Minh nhìn vào xa vắng và buồn rầu: “Tui có ba đứa con, không đứa mô theo nghề tui cả. Những năm trước bà con có gửi các cháu đến học nghề. Nhưng nghề này máy móc phải kiên nhẫn, phải kiên trì tỉ mỉ. Các cháu muốn học cho nhanh làm ra tiền nhanh như kiểu “mì ăn liền” cho nên dăm bữa nửa tháng là các cháu bỏ”. Ông Minh tiếc rẻ.

Một trong những vấn đề trọng tâm của xây dựng nông thôn mới là đào tạo nghề ngắn hạn cho nông dân lao động theo chương trình mục tiêu của Thủ tướng chính phủ. Theo điều tra của chúng tôi, nông thôn hiện nay bà con nông dân đã sử dung rất nhiều máy móc từ máy cày, bừa , máy cấy, máy gặt, máy cắt cỏ… và việc dạy sữa chữa nông cụ cho bà con là một nhu cầu cấp bách.

Tôi đã trao đổi với ông Minh là nếu Trung tâm DN-HN Hương Sơn mời ông trực tiếp dạy nghề cho nông dân lao động thì ông sẵn sàng. “Ôi được thế thì tuyệt quá. Nghề nguội của tôi không nguội mà có cơ hội để hâm nóng”.

LÊ VĂN VỴ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh