THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:02

Nhiều UBND xã, trường học, doanh nghiệp nợ bảo hiểm "đầm đìa"

Điều này đồng nghĩa hàng ngàn lao động đang bị chiếm dụng công sức và xâm hại quyền lợi.

Công ty TNHH một thành viên đóng tàu Bến Thủy đang nợ bảo hiểm xã hội lên tới hơn 12 tỷ đồng

Đến UBND xã, trường học cũng nợ bảo hiểm

Theo số liệu thống kê tại Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Tĩnh tính đến tháng 10/2015, số nợ BHXH, BHYT, BHTN của tỉnh này đã lên tới hơn 75 tỷ đồng (chiếm đến 4,5% số thu năm 2015). Đây là năm mà số nợ bảo hiểm lũy kế cao nhất từ trước tới nay. 

Lẽ dĩ nhiên một khi các đơn vị không thực hiện nghĩa vụ đóng nộp bảo hiểm thì cơ quan bảo hiểm không thể giải quyết chế độ liên quan đến người lao động và rốt cục chịu thiệt vẫn là người lao động.

 

Cũng theo số liệu tại Bảo hiểm xã hội tỉnh, hiện đang có khoảng 400 doanh nghiệp và hợp tác xã nợ bảo hiểm xã hội với số tiền hơn 50 tỷ đồng. Trong đó có nhiều đơn vị kéo dài như: Công ty CP xây dựng và đầu tư Hà Tĩnh nợ 55 tháng với số tiền 3,1 tỷ đồng (tính cả lãi), Công ty CP Cường Đạt nợ 52 tháng với số tiền 185 triệu đồng (tính cả lãi), Công ty CP xây dựng 1 Hà Tĩnh nợ 48 tháng với số tiền 198 triệu đồng (tính cả lãi)...

Một điều đáng ngạc nhiên là trong danh sách nợ BHXH, BHYT, BHTN có tên của cả những đơn vị thuộc khối hành chính sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách cũng để xảy ra tình trạng nợ đọng.

Đến thời điểm hiện tại, số tiền mà khối hành chính sự nghiệp đang nợ bảo hiểm từ 1-2 tháng là trên 14 tỷ đồng. Nợ nhiều nhất vẫn là các trường học và UBND các xã. Cụ thể như: UBND xã Kỳ Thọ, Kỳ Tân (huyện Kỳ Anh), Hồng Lộc, Đức Dũng (huyện Lộc Hà)...

Theo ông Tôn Đức Hải, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Tĩnh cho biết: "Có nhiều lý do để các khối hành chính sự nghiệp nợ đọng bảo hiểm, rõ ràng chả có lý do nào giống lý do nào và đang đẩy tình trạng nợ bảo hiểm ngày càng gia tăng. Mới đây Bảo hiểm xã hội tỉnh đã có công văn gửi các ban ngành đề nghị tăng cường phối hợp chỉ đạo thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.

Đồng thời, trước đó một số biện pháp mạnh cũng đã được đưa ra như phối hợp với cơ quan điều tra tiến hành điều tra năng lực thực tế của một số doanh nghiệp. Hay như trong năm 2015, cơ quan bảo hiểm đã tiến hành khởi kiện 125 đơn vị, tuy nhiên kết quả mang lại vẫn còn hết sức hạn chế".

Doanh nghiệp nợ bảo hiểm, kiện ra tòa vẫn không đòi được?

Là đơn vị có số tiền nợ đọng BHXH lớn nhất trên địa bàn huyện Nghi Xuân, công ty TNHH một thành viên đóng tàu Bến Thủy hiện đang nợ BHXH, BHYT, BHTN lên đến trên 12 tỷ đồng. 

Hiện công ty này có 145 lao động. Làm việc trong môi trường độc hại, công việc hết sức nặng nhọc và luôn tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn lao động thế nhưng nhiều năm qua, những người lao động này không được hưởng bất cứ một quyền lợi gì.

Số tiền nợ bảo hiểm xã hội của Công ty TNHH một thành viên đóng tàu Bến Thủy là hơn 12 tỷ đồng

Anh Trần Đình Liệu, công nhân đóng tàu Bến Thủy cho biết: "Tổng công ty có tất cả 4 công ty con thì cả 4 công ty đều đang nợ BHXH, BHYT, BHTN với số tiền hàng trăm triệu đồng. Trong đó, Xí nghiệp sản xuất sản phẩm Compostite, Khách sạn Vinasin San Hô đỏ và Công ty CPĐT&XD Bến Thủy thì Công ty CPĐT&XD Bến thủy hiện chỉ còn vỏn vẹn 2 lao động nhưng số tiền nợ đọng bảo hiểm xã hội lại lên đến gần 1 tỷ đồng".

Ông Đặng Văn Cảnh, Tổng giám đốc công ty TNHHMTV đóng tàu Bến Thủy lý giải về việc nợ đọng bảo hiểm xã hội do: Làm ăn thua lỗ, kinh tế bị suy thoái, việc làm bấp bênh... Còn với công nhân thì họ cho biết, hàng tháng họ vẫn bị khấu trừ tiền đóng bảo hiểm xã hội qua lương thế nhưng công ty không đóng nộp về bảo hiểm xã hội và hậu quả là họ không được cấp thẻ bảo hiểm để hưởng những quyền lợi chính đáng.

Theo quyết định 87/2010/QĐ-TTg và quyết định 02/2011/QĐ-TTg, từ ngày 10/1/2011, các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thuộc Vinashin và doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam được chuyển giao từ Vinashin sang, được vay với lãi suất 0% để trả nợ lương, nợ BHXH, BHYT, BHTN trong thời gian 12 tháng. 

UBND tỉnh cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ với công ty này như tạm dừng đóng BHXH để tạo công ăn việc làm cho người lao động. Nhưng đến nay, số tiền nợ đọng doanh nghiệp này thanh toán được cho cơ quan bảo hiểm xã hội cũng chỉ là những con số rất ít ỏi. Chưa tính đến số tiền khoanh nợ BHXH hơn 7 tỷ đồng thì chỉ riêng trong năm 2015 công ty TNHHMTV đóng tàu Bến Thủy cũng đã nợ bảo hiểm đến trên 3 tỷ đồng.

Ông Hồ Văn Phong, Giám đốc BHXH huyện Nghi Xuân cũng cho biết: Doanh nghiệp thì tìm mọi cách để trốn tránh, chây ì nghĩa vụ đóng nộp bảo hiểm xã hội còn ngành Bảo hiểm xã hội thì trở thành chủ nợ với con số lên tới hàng chục tỷ đồng. Nợ BHXH đồng nghĩa với vi phạm pháp luật. Năm 2013 Bảo hiểm xã hội huyện cũng đã khởi kiện đối với Công ty TNHH một thành viên đóng tàu Bến Thủy về việc trả nợ bảo hiểm chậm nhưng đến nay vẫn chưa có tiến triển gì?

Trả lời trước vấn đề này, ông Tôn Đức Hải, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN khó hoàn trả ở cả doanh nghiệp và khối hành chính sự nghiệp, cơ quan bảo hiểm xã hội Hà Tĩnh đã đưa ra một số biện pháp mạnh như phối hợp với cơ quan điều tra tiến hành kiểm tra năng lực thực tế của một số doanh nghiệp. Hay trong năm 2015, cơ quan bảo hiểm đã tiến hành khởi kiện 125 đơn vị, tuy nhiên kết quả mang lại vẫn còn hết sức hạn chế. Nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục tìm các biện pháp để trốn tránh nghĩa vụ đóng nộp bảo hiểm xã hội. 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh