CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:17

Hà Tĩnh: Nao nức đào phai Hưng Thắng

 

Bà Nguyễn Thị Lý tỉa lá đào để đào có thể nở hoa đúng dịp tết

Làng "đào Nhật Tân" ở Hưng Thắng

Sắc xuân, khí xuân, hồn xuân….tất cả dường như đang hiện hữu dần trong sợi tơ kết nối của những làng đào. Mùa xuân ấm áp trong sự sung túc, đủ đầy và hình ảnh những cây đào đã trở thành một trong những biểu tượng không thể thiếu của mùa xuân…..Và những người trồng đào bằng niềm đam mê cũng được coi như là một trong những nghệ nhân gìn giữ phong vị Tết Việt.

Giáp liền với thị trấn Cẩm Xuyên, xã Cẩm Hưng là một vùng quê miền Trung đồng chua, nước mặn, bạc màu khí hậu vô cùng khắc nghiệt. Chính “cái khó ló cái khôn”, những người dân chân chất đã chịu khó cải tạo ruộng đồng, đất đai để ưu tiên đặc biệt cho việc trồng đào. Nhờ cách làm sáng tạo, tận dụng quỹ đất có sẵn để phát triển cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, địa hình nhiều hộ dân đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Chúng tôi đến thăm làng đào Hưng Thắng trong những ngày giữa tháng 11 (âm lịch) khi các “nghệ nhân” trồng đào đang tất bật công việc tỉa lá, chăm sóc từng gốc đào. Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến gia đình ông Nguyễn Đình Thắng (thôn 9 xã Cẩm Hưng) là một trong những hộ tiên phong trong việc đưa cây đào trở thành sản phẩm hàng hóa, và là hộ có số lượng trồng đào lớn nhất xã.

Thật may mắn cho chúng tôi khi đến thăm vườn ông Thắng, khi gia đình đang tất bật chăm chút từng gốc đào. Tay còn vương bùn đất, lấm thấm mồ hôi, bác vui vẻ mời chúng tôi vào nhà. Bên ấm trà nóng, ông chia sẻ cùng chúng tôi chuyện nghề, chuyện đời. Và có lẽ, nếu không gặp ông Thắng, chúng tôi sẽ không biết được câu chuyện thú vị đằng sau những gốc Đào phai này.

Nhâm nhi ly trà nóng, ông Thắng nhớ lại: “Những gốc đào này được một người họ hàng nhà tui mang từ Bắc về, nghe đâu là đào Nhật Tân. Thời điểm đó cậu tui là Nguyễn Đình Cầm (84 tuổi, hiện đang sinh sống tại Vũng Tàu) làm nghề lái xe tải đường dài. Cậu sinh và lớn lên tại xã Cẩm Hưng, khi chưa lập gia đình trong một lần lái xe ra giao hàng ở Hà Nội vào đúng dịp giáp tết, cậu tình cờ thấy đào Nhật Tân nở hoa rất đẹp đã nảy ra ý định mang một cây đào về Cẩm Hưng để trồng.

Bà Nguyễn Thị Lý  chia sẻ về nghề trồng đào của mình với phóng viên

Khi cậu Cầm mang một cây đào về, ở nhà ai cũng cười, thời điểm ấy cơm chưa đủ ăn lấy gì đến chơi đào. Ba mẹ, rồi đến anh chị ai cũng mắng cậu làm không lo tiết kiệm tiền để cưới vợ còn đua đòi chơi sang. Tết hết, cậu đem đào ra trồng ngoài vườn, gia đình chúng tôi ai cũng nghĩ đào xứ lạnh không thể sống nổi ở cái đất cằn sỏi đá này. Nhưng điều đáng làm chúng tôi ngạc nhiên nhất là 3 năm sau đào lại nở hoa. Hoa đào nở năm ấy không còn màu đậm như khi cậu mang về mà cánh hoa nhạt, nhiều nụ và cũng lắm chồi. Màu hồng nhạt, lại nhiều hoa nhìn thì miễn chê.

Thấy vậy, tôi cũng bắt chước chiết cành về trồng ở vườn nhà. Thời gian thấm thoắt đã hơn 20 năm, từ một gốc đào nhỏ giờ đây gia đình tui đã có tới hàng trăm gốc đào phai, mang lại lợi ích kinh tế cao”.

“Cũng may nhờ những gốc đào này mà gia đình tui thoát nghèo, nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. Tết năm nay, gia đình cũng có khoảng 600 gốc đào bán ra thị trường. Nếu thời tiết thuận lợi thì doanh thu năm nay có thể từ 70 – 80 triệu đồng/ năm”- Ông Thắng cho biết thêm.

Vợ ông Nguyễn Đình Thắng với vườn đào của gia đình

Cựa mình đón tết

Bên ấm trà chiều, ông Thắng không quên chia sẻ cùng chúng tôi những kinh nghiệm chăm sóc cây đào: “Đào là một cây thuộc họ thân gỗ, nên trồng đào cũng không khó, điều quan trọng là đất để trồng đào. Đào trồng thì có thể sống ở các loại đất tuy nhiên, để đào phát triển tốt thì đào phải được trồng ở nơi đất tươi xốp và vùng đất cao không trũng nước”- ông Thắng bật mí.

Để cho đào nở hoa đúng dịp tết, nghệ nhân có kinh nghiệm trồng đào này chia sẻ: “Các chú không biết đấy thôi, chứ để đào nở đúng dịp tết nhất thiết phải canh đúng thời điểm để tỉa hết lá. Thường thì tốt nhất là cách tết khoảng giữa tháng 11 (Âm lịch) tỉa lá thì sẽ cho ra hoa đúng dịp tết”.

Cách gia đình ông Thắng không xa, là gia đình bà Nguyễn Thị Lý cũng đang tất bật tỉa lá trên vườn đào của mình. Bàn tay thô ráp, dính đầy mủ lá đào, bà Lý vui vẻ chia sẻ: “Các chú vào thời điểm này chúng tôi đang lo tỉa lá, tạo thế đào nên người nào cũng lấm lem. Nhà tôi, có hơn 3 ha đào, năm nay thời tiết thuận lợi thì cũng cung cấp cho thị trường gần 500 gốc đào”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Dũng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Hưng phấn khởi: “Mấy năm trước Cẩm Hưng là một trong những xã nghèo, nhờ có cây đào đã giúp nhiều hội viên trong xã thoát nghèo, phát triển bền vững. Hiện nay, Cẩm Hưng có 200 hộ trồng đào, trung bình mỗi hộ có khoảng 4ha mang lại thu nhập hàng năm trên 30 triệu đồng. Hưng Thắng là xóm tiên phong trong trồng và phát triển đào phai”.

Những cành đào phai đang độ đón xuân về

Dù đào phai Hưng Thắng đã dần khẳng định được thương hiệu, tên tuổi của mình đối với những người yêu đào trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên ông Dũng vẫn không khỏi băn khoăn: “Lợi ích từ cây đào không nhỏ, bởi vậy ngày càng nhiều các hộ lựa chọn đào để phát triển kinh tế do đó sẽ khó khăn trong vấn đề đầu ra. Từ trước đến nay đào phai Hưng Thắng vẫn đang là thị trường tiêu thụ tự do. Là người đứng đầu xã, thấy bà con nhà nhà trồng đào để phát triển kinh tế, tui cũng vui mừng lắm, nhưng cũng lo, ít năm nữa khi diện tích trồng đào ngày càng nhiều thị trường tiêu thụ sẽ khó khăn hơn”.

Tạm biệt những chia sẻ của ông Thắng, những trăn trở của ông Dũng ra về, chúng tôi không quên chúc cho gia đình ông Thắng, bà Lý có một năm thu hoạch đào bội thu. Và cũng hi vọng rằng thương hiệu đào Hưng Thắng sẽ phát triển hơn nữa, để bà con làng đào tiếp tục gắn bó, làm giàu từ những gốc đào này

P. Nga

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh