Hà Tĩnh: Khai quật thương cảng cổ nổi tiếng một thời.
- Văn hóa - Giải trí
- 02:02 - 08/09/2016
Các nhà nghiên cứu Khảo cổ học học Việt Nam và Nhật Bản đang tiến hành mở các hố khai quật tại vị trí thương cảng cổ Hội Thống
Thực hiện chương trình hợp tác nghiên cứu khảo cổ học và lịch sử quan hệ Việt Nam-Nhật Bản với Trường Đại học Chiêu Hoà (Nhật Bản);Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với các nhà khảo cổ học Nhật Bản và Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh tổ chức khai quật thám sát khảo cổ học thương cảng cổ Hội Thống, thuộc xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, (Hà Tĩnh) một trong những thương cảng nổi tiếng trong khu vực từ hàng trăm năm trước đây.
Theo Quyết định số 2601/QĐ-BVHTTDL, ngày 22/7/2016 của Bộ VH-TT&DL cho phép Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học quốc gia Hà Nội) phối hợp với Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh và Trường Đại học Chiêu Hòa (Nhật Bản) tổ chức khai quật khảo cổ học tại hai địa điểm di tích đình Hội Thống và đền Cả thuộc xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Theo đó diện tích cho phép khai quật: 20m2 (đình Hội Thống 10m2, đền Cả 10m2); thời gian khai quật từ ngày 5/9/2016 đến ngày 15/9/2016.
Hố khai quật tại vị trí thương cảng cổ Hội Thống
Ngay ngày đầu tiên đi vào khai quật, các nhà khảo cổ học Việt Nam và Nhật Bản đã tiến hành mở 4 hố khai quật, mỗi hố có diện tích chiều dài 2m, chiều rộng 1m, sâu 1,5m tại địa điểm Cồn Bồi, thuộc vị trí toạ độ: 18 độ, 44’16.6”N; 105 độ 46’14.7”E, cách di tích đền Cả 500m về hướng đông và phía trước đình Hội Thống, có toạ độ: 18 độ 44’30.5”N 105 độ 46’13.7”E về hướng đông bắc. Hiện nay đang tiến hành bóc tách lớp sinh thổ phía trên các hố khai quật để tiến hành thăm dò phần sâu phía dưới các tầng văn hoá nhằm tìm kiếm hiện vật, đã phát lộ các mảnh gốm sành sứ cổ ở mặt trên các hố khai quật.
Được biết, cuộc khai quật khảo cổ học lần này nhằm bổ sung thêm tư liệu cho quá trình xác định quy mô vị trí và vai trò của thương cảng cổ Hội Thống trong hệ thống thương mại biển ven bờ khu vực Bắc Trung bộ Việt Nam. Đồng thời là hoạt động nghiên cứu khảo cổ học phối hợp giữa Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội với Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh và Trường Đại học Chiêu Hòa (Nhật Bản) trong chương trình nghiên cứu vai trò thương cảng cổ, trong đó có cảng biển Hội Thống và mối quan hệ giao thương giữa hai quốc gia Nhật Bản - Đại Việt trong tiến trình phát triển lịch sử của dân tộc.
Hố khai quật tại vị trí thương cảng cổ Hội Thống