CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:21

Hà Tĩnh: Diêm dân bỏ nghề vẫn phải đóng thuế muối!

 Bà Trương Thị Xoan trên ô ruộng muối bỏ không của mình

 

Bỏ công lấy lãi vẫn không làm đủ ăn

Hộ ông Trương Quang Thậm (67 tuổi) ở thôn Vĩnh Phúc, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) có 2,5 sào ô nại làm muối (mỗi sào 500m2), nhưng nhiều năm nay gia đình ông không sản xuất do giá thành hạt muối bán ra quá thấp. Tương tự, hộ bà Nguyễn Thị Châu ( 70 tuổi) có 2 sào ô nại muối và hàng chục hộ diêm dân làm nghề muối khác ở cùng thôn Vĩnh Phúc, xã Hộ Độ cũng bỏ lại hàng chục ha diện tích ô nại đồng muối, rủ nhau đi làm thuê khắp nơi để kiếm sống.

Trong lúc đó hộ Trương Văn Dinh (64 tuổi) người cùng thôn Vĩnh Phúc, xã Hộ Độ có 3 sào ô nại, cũng chỉ vì quá nặng lòng với nghề muối từ bao đời cha ông để lại, nên thỉnh thoảng gia đình ông vẫn sản xuất một vài vụ, nhưng chỉ làm một phần diện tích nhỏ, còn lại vẫn bỏ hoang.

 Ô nại muối bị dân bỏ đem trồng rau

 

Bà Trương Thị Xoan (60 tuổi) vợ ông Trương Văn Dinh cho biết: “Suốt mùa hè nắng nóng cả nhà bà “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” giữa đồng muối bỏ công làm lãi nhưng vẫn không đủ ăn. Lý do là giá thành hạt muối quá thấp, giữa mùa chỉ có 2.000 đồng/1kg, lúc nào được giá lắm cũng chỉ 3.000 đồng/1kg. Như vậy 1 tạ muối chỉ bán ra chỉ được 200.000 đồng đến 300.000 đồng là cùng. Trong lúc đó, trung bình mỗi ngày như gia đình bà có 3 lao động làm việc hết năng suất cũng chỉ đạt được 1 tạ đến 1,2 tạ muối mà thôi”.

Được biết, ngoài việc đổi công làm lãi, chi phí cho đầu vào để sửa sang ô nại trước khi bước vào vụ mùa sản xuất muối  ít nhất cũng phải mất khoảng 3 tạ vôi hàu/1 sào ô nại (mỗi tạ vôi hàu hiện với giá khoảng 200.000 đồng); 2 bì tro rạ (mỗi bì với giá khoảng 200.000 đồng). Ngoài ra còn phải chi phí tiền công thuê thợ sửa chữa với giá 200.000 đồng/ 1 sào.

 

 Ô nại muối bị dân bỏ hoang đi làm thuê 

 

Thuế muối và các khoản đóng đậu rơi trên đầu dân

Mặc dù không sản xuất muối, hoặc sản xuất vụ được vụ không, nhưng các hộ dân làm nghề muối ở trên vẫn phải đóng đậu rất nhiều các khoản thu của xã hàng năm. Đặc biệt là thuế muối, mỗi lao động phải đóng 30.000/1 sào/1 năm.  Trong cuốn “sổ theo dõi đóng nộp ngân sách phúc lợi địa phương” của ông Trương Văn Dinh, do xã Hộ Độ cấp có ghi rõ từng mục. Trong đó có mục: Sản xuất muối, gồm 3 sào, mỗi sào 30.000 đồng/ 1 năm= 90.000 đồng/1 năm.

Chúng tôi đem câu hỏi thắc mắc, tại sao thuế muối đã được nhà nước bãi bỏ hàng chục năm nay mà xã Hộ Độ vẫn bắt dân đóng? Ông Phan Đình Hinh chủ tịch UBND xã Hộ Độ cho biết:  “Đó không phải là thuế muối mà chỉ là phí thủy lợi, bởi muốn sản xuất được hạt muối, nhà nước phải bỏ tiền xây dựng hệ thống kênh mương dẫn nước mặn từ ngoài sông vào.”

 Ô nại muôi bị dân bỏ hoang đi làm thuê

 

Theo chúng tôi, như vậy là có lý nhưng không hiểu sao trong cuốn sổ theo dõi đóng nộp ngân sách phúc lợi của dân do xã cấp lại không đề “phí thủy lợi” rõ ràng, mà lại đề phí “Sản xuất muối”. Hơn nữa dù là phí thủy lợi cũng không nên đánh vào những sào ô nại  khi đã được người dân bỏ lại vì không thể làm gì hơn để đành đi làm thuê.

Bên cạnh thuế thủy lợi, người dân ở đây còn phải nộp tiền phí môi trường mỗi năm 180.000 đồng/ 1 hộ; tiền thu xây dựng cơ sơ hạ tầng,  mỗi lao động 100.000 đồng/1 năm và 8 khoản đóng góp khác..

Các khoản đóng nộp trong sổ theo dõi đóng góp ngân sách phúc lợi  địa phương của hộ ông Trương Văn Dinh 

 

Lấy chồng vẫn không được tách hộ vì phải nộp thuế

Đặc biệt, trường hợp hộ ông Trương Văn Dinh trước đây có 4 lao động trong nhà, nhưng sau khi con gái ông chị Trương Thị Lượng (SN 1991) lấy chồng từ 3 năm. Tuy vậy, xã Hộ Độ vẫn không cắt khoản đóng đậu tiền xây dựng cơ bản (xây hội quán thôn) đối với chị Lượng . Theo đó, hộ ông Dinh hàng năm phải đóng 400.000 đồng ( 1 lao động 100.000 đồng/1 năm), trong 3 năm qua =1,2 triệu đồng (4 lao động), mà lẽ ra hộ ông chỉ phải đóng 900.000 đồng cho 3 lao động .

Do điều kiện khó khăn, ông Dinh và anh con trai là Trương Văn Hùng phải vào miền Nam làm thuê, còn bà Xoan vừa ở nhà trông nhà, hàng ngày bà vừa phải lên TP Hà Tĩnh làm thuê kiếm sống, nên khoản tiền đóng đậu xây hội quán trong 3 năm qua gia đình chỉ nộp được 500.000 đồng còn phải ký nợ vào sổ theo dõi của xã 700.000 đồng (trong đó gồm có khoản đóng đậu cho chị Lượng là con gái đã lấy chồng).

 Sổ theo dõi dóng nộp ngân sách phúc lợi địa phương của ông Trương Văn Dình

 

Sau dịp rằm Tháng giêng năm Bính Tuất (2018), chúng tôi có dịp về thăm vùng quê muối xã Hộ Độ nhìn thấy cảnh tượng ở đây thật đìu hiu mà không khỏi chạnh lòng! Hỏi ra mới biết rằng, hầu hết người dân trong làng đều đã từ giã nghề muối đi làm thuê khắp nơi, nên sau dịp Tết bà con lại bỏ làng kéo nhau kiếm kế mưu sinh.

NGUYỄN NGỌC VƯỢNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh