THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:51

Hà Tĩnh: Dân tái định cư Dự án mỏ sắt Thạch Khê lo kế sinh nhai

 

Người dân TĐC mỏ sắt Thạch Khê không có việc làm, không có nước sinh hoạt đang dài cổ chờ tháo gỡ khó khăn

Kiệt sức vì "tái định cư treo"

Dự án mỏ sắt Thạch Khê được quy hoạch trên tổng diện tích gần 4.000ha, thuộc 6 xã bãi ngang của huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) với hơn 4.000 hộ. Đây được xem là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á với trữ lượng khoảng hơn 540 triệu tấn, chiếm một nửa trữ lượng quặng sắt của cả nước. Vào tháng 9/2009, Dự án mỏ sắt Thạch Khê do Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê – TIC làm chủ đầu tư bắt đầu triển khai bóc đất tầng phủ hứa hẹn sẽ đưa Hà Tĩnh từ một tỉnh thuần nông thành một trong những trung tâm công nghiệp nặng, khai thác luyện thép lớn nhất nước, từ đó tạo “bệ phóng” đưa nền kinh tế địa phương cất cánh. Tuy nhiên, niềm vui, sự kỳ vọng chưa được tày gang thì việc khai thác mỏ bỗng ngừng hoạt động. Từ đó tới nay đã gần 5 năm… kéo theo đó là vô vàn sự khó khăn đối với hàng ngàn hộ dân TĐC.

Gần một tháng nữa sẽ đến Tết nguyên đán năm Đinh Dậu 2017,  lẽ ra thời điểm này nhà nhà đang phải tất bật làm ăn chuẩn bị đón Tết, ấy vậy mà khi đặt chân đến khu TĐC Đỉnh- Bàn (Thạch Đỉnh và Thạch Bàn, huyện Thạch Hà) với 68 hộ dân đang sinh sống, không ngờ không khí ở đây thật ảm đạm, bởi không có nước sinh hoạt, không nghề nghiệp, trong lúc ruộng đồng canh tác đã không còn.

Người dân TĐC Dự án mỏ sắt Thạch Khê quay về quê cũ kiếm củi làm chất đốt

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, bà Nguyễn Thị Nga (52 tuổi, xóm 9 Đồng Xuân, khu TĐC Đỉnh- Bàn) trải lòng: “Chuyển về chỗ ở mới vui hơn, đường sá được làm bằng bê tông cả, đi lại cũng sạch sẽ hơn. Nhưng cũng khổ lắm cô chú ạ, đừng tưởng sống trong ngôi nhà kiên cố này mà sướng, khi về ở khu TĐC, được bao nhiêu tiền đền bù cũng phải xây nhà, mua sắm vật dụng mất phân nửa số tiền, rồi lại đem chia cho các con tay trắng vẫn hoàn tay trắng. Về đây đất sản xuất không có, nước sạch cũng không, phải lo chạy ăn từng bữa khổ trăm bề”.

Rời khỏi nhà bà Nga, chúng tôi tiếp tục tìm đến gia đình ông Nguyễn Công Cảnh (Phó bí thư Chi bộ xóm Đồng Xuân, cùng khu TĐC, ông Cảnh cũng cho biết: “Đã 5 năm rồi, chúng tôi thực hiện nghiêm túc việc di dời theo dự án, được Công ty sắt Thạch Khê rồi chính quyền huyện Thạch Hà vận động hứa hẹn sẽ bố trí nước sạch cho khu TĐC, rứa mà chờ mãi không thấy! Đã bao năm trời  kiến nghị lần này lượt khác mà vẫn không hoàn không. Khổ nhất là vào mùa hè tháng 6 vừa qua, khi con dâu tôi sinh con, tôi với thằng con trai cứ phải thay nhau đi xin nước sinh hoạt từ xã khác. Tuy vây, có phải nhà nào cũng cho nước đâu, thấy chúng tôi đi xin hoài họ cũng gây khó dễ, thậm chí nhiều lần còn bị họ chửi tới tấp!”.

Dụng cụ đựng nước sinh hoạt được người dân TĐC Dự án mỏ sắt Thạch Khê huy động để dự trữ nước 

Cần có giải pháp hợp lý

Đến nơi ở khu TĐC chưa lâu, với số tiền được đền bù từ dự án dành để xây nhà, mua sắm các vật dụng, tiêu pha đến nay đã hết nên nhiều nhà đã phải “đánh cược” cuống sống của mình trở về nơi cũ để sản xuất.

Theo chỉ dẫn của bà con, chúng tôi tìm về nơi ở cũ của họ hầu hết nhà cửa đã bị đập phá. Để quay về kiếm kế sinh nhai, nhiều hộ phải mua bạt che tạm làm nơi chui ra, chui vào. Ông Nguyễn Đình Ân, thôn 5 xã Thạch Bàn là một trong ít căn nhà chưa bị phá dỡ, mặc dù ông đã lên TĐC  được ông tâm sự: “Có lẽ các các cô sẽ không uống được nước ở đây, vì nó hơi mặn, nhưng thôi cũng còn tốt hơn ở dưới nơi ở mới. Không phải chúng tôi chống đối không về khu TĐC nhưng về ở đó được một thời gian ngắn thì số tiền đến bù cũng đã cạn, trong lúc con cái đông, chuyện học hành, đám cưới, ma chay…bao nhiêu khoản như vậy nnhưng không có việc làm thì lấy đâu ra tiền nên chúng tôi đành dắt nhau trở lại đây để sản xuất, chăn nuôi kiếm thêm thu nhập. Biết rằng, việc trở về chẳng khác nào một canh bạc nhưng biết làm sao bây giờ!

Góc bếp của người dân TĐC Dự án mỏ sắt Thạch Khê  bao giờ cũng thiếu nước sạch

Chúng tôi đem câu chuyện này đến tìm gặp ông Nguyễn Văn Hồng (Chủ tịch UBND xã Thạch Đỉnh), ông Hồng cũng không khỏi lo lắng và thổ lộ rằng: “Cuộc sống của 68 hộ dân thuộc diện TĐC Đỉnh- Bàn như thế khiến chúng tôi xót xa lắm chứ! Nhiều lần trước các cuộc họp hội đồng chúng tôi cũng xin được khẩn trương có phương án sớm cung cấp nước sạch, tạo việc làm nhưng chưa được đáp ứng”.

Được biết, vào tháng 9 vừa qua, 68 hộ dân tại khu TĐC Đỉnh- Bàn đã gửi tới 40 lá đơn kiến nghị lên UBND tỉnh Hà Tĩnh mong được sự quan tâm, giúp đỡ. Thiết nghĩ, trước nhu cầu tha thiết của những người dân vô tội khu TĐC Đỉnh – Bàn, chính quyền Hà Tĩnh cần phải có những giải pháp kịp thời để bà con yên tâm an cư lạc nghiệp trên vùng quê mới.

P. NGA- TH.S

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh